Cô chủ mù và chú chó dẫn đường

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường

Luther nằm kiên nhẫn và lặng lẽ, tựa đầu vào lòng cô chủ trẻ tuổi. Chú chó đen giống Labrador 4 tuổi đang đeo bộ đai dẫn đường, luôn trong trạng thái sẵn sang hỗ trợ cô chủ.

* * *

“Luther được đào tạo chuyên nghiệp đã nhiều năm, được rèn tính kỉ luật và đánh hơi tốt nhưng nó vẫn là chú chó hồn nhiên và thích đùa giỡn. Nó luôn thích tận hưởng những lúc được đi dạo trong công viên đầy cỏ, tai dựng đứng nghe ngóng mọi thứ, cái mũi khụt khịt đánh hơi theo làn gió…” - Kirin Techawongtham, hay còn gọi là Sai – cô chủ của Luther mỉm cười nói về chú chó.

Số phận đã sắp đặt cho Luther xuất hiện trong cuộc đời Sai. Trong suốt 2 năm qua, cô và Luther đã có một cuộc hành trình hiếm hoi và đặc biệt cùng nhau, với danh nghĩa bạn đồng hành.

Cặp đôi đặc biệt này có một trang Facebook riêng, do mẹ của Sai thành lập vào tháng 6/2019, kể từ đó câu chuyện của cô chủ mù và chú chó dẫn đường đã lan truyền khắp Thái Lan. Chỉ chưa đầy 2 tháng, trang Facebook này đã thu hút hơn 100.000 người theo dõi. Ở một đất nước như Thái Lan, câu chuyện Sai và Luther đang truyền cảm hứng cho những người khuyết tật và mở ra các cuộc tranh luận về sự đồng cảm và chấp nhận người khuyết tật vốn tồn tại dai dẳng từ lâu trong lòng xã hội.

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường ảnh 1

Mọi chuyện xảy ra khi Sai 13 tuổi và đang trong kỳ nghỉ hè, ở cái ngưỡng cuộc đời đang tràn đầy màu sắc thì đôi mắt của cô gái nhỏ cứ thế mờ đi nhanh chóng.

“Chỉ trong vòng 5 ngày đầu tiên, thị lực của tôi cứ thế yếu dần đến nỗi tôi vấp phải mọi thứ khi đi trong nhà - cô gái kể lại. “Sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện ra một khối u khá lớn trong não của tôi, khối u này đã chèn ép vào các dây thần kinh thị giác, ngay sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật gắp bỏ khối u cho tôi ngay ngày hôm sau”.

Sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, Sai dần lấy lại được thị lực của mình và trở về nhà.

Những tưởng cuộc sống tươi đẹp lại gõ cửa… “Nhưng ngày hôm sau khi thức dậy, mọi thứ xung quanh tôi tối thui, các bác sĩ không thể kết luận được chuyện gì đã xảy ra với tôi”.

Nhưng tuổi trẻ và niềm hi vọng đã giúp Sai hết sức lạc quan, cô gái nhỏ không cho rằng cuộc đời với mình kết thúc ở đó. Sai vẫn tin rằng thị lực của mình rồi sẽ trở lại bằng cách nào đó, dù từ đó đến nay đã 9 năm trôi qua.

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường ảnh 2

Việc phải đối mặt với thực tế mới và những thách thức về thể chất cũng như tinh thần không phải là điều dễ dàng đối với cô gái 22 tuổi như Sai. Nhưng bằng một quyết tâm nội tại mạnh mẽ và có chú chó Luther bên cạnh, cô đã chạm tay vào rất nhiều điều trong cuộc sống, mới đây Sai đã tốt nghiệp khoa Tâm lý tại Đại học Hendrix ở Mỹ với điểm số cao 4.0.

“Cuộc đời là chuỗi những ngày thăng trầm lên và xuống, nhất là năm đầu tiên tôi mất đi thị lực. Mặc dù tôi vẫn luôn lạc quan và khích lệ bản thân, nhưng không tránh khỏi những ngày tôi chán nản và thốt lên: ‘Ôi Chúa ơi mọi thứ thật khó khăn’”. “Tôi thường nổi điên hoặc bật khóc và rồi ngày hôm sau thức dậy, tôi lại dụi mắt, bình tĩnh giải quyết vấn đề” - Sai chia sẻ.

Sai và Luther lần đầu gặp nhau tại Mỹ và gắn bó tới bây giờ. Luther được đào tạo bởi một tổ chức huấn luyện ở New York. Sai chưa từng nuôi chó trước đây và chỉ bị thuyết phục sau khi nghe về những lợi ích về mặt cảm xúc mà một chú chó đem lại. Cô bé sau đó đã vượt qua những cơn trầm cảm và sớm tìm thấy mục đích sống khi có Luther bên cạnh.

“Luther chắc chắn giúp đỡ tôi rất nhiều về mặt tinh thần vì nó buộc tôi phải xỏ giày ra ngoài ngay cả khi tôi không muốn, hoặc khi muốn đi dạo ở công viên, tôi luôn có một người bạn đồng hành nhiệt tình. Nhiều người đến để nói chuyện với tôi hơn khi tôi lang thang bên Luther. Đôi khi, những người bình thường không rất khó để bắt chuyện với người khuyết tật như tôi, nhưng khi nhìn thấy Luther, họ dễ dàng bắt chuyện hơn”, cô gái nói.

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường ảnh 3

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi Sai đưa Luther về Thái Lan. Kể từ sau chuyến hành trình trở về nhà vào giữa năm nay, vượt qua liên tiếp nhiều trở ngại, Sai dần trở thành một chiến binh bất đắc dĩ, đấu tranh cho sự thay đổi trong xã hội.

Trong lịch sử từng có một số người khiếm thị Thái Lan sử dụng chó dẫn đường, nhưng hiện giờ, Luther là chú chó duy nhất. Bất chấp luật pháp nước này khuyến khích việc sử dụng chó dẫn đường để giúp đỡ người khuyết tật, nhưng có nhiều  quy định và luật lệ ở Thái Lan cản trở Luther giúp cô chủ hòa nhập với xã hội.

Sai nói rằng cô gặp khó khăn khi sống cùng Luther tại Bangkok, Thái Lan. “Bất cứ nơi đâu chúng tôi tới, hầu hết là các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và thậm chí là cả các công viên đều không cho phép được mang vật nuôi. Có nghĩa  là cả tôi cũng không được phép tiếp cận những nơi này”.

Sai và gia đình cô đã không ngừng kêu gọi nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, các bài đăng trên Facebook dần nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ. Cặp đôi đặc biệt này đã được xuất hiện trong nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình địa phương và có cơ hội gặp Thống đốc Bangkok Pol Gen Aswin Kwanmuang để đề xuất quan điểm của mình, đề xuất các giải pháp để những người khiếm thị như Sai có thể đi lại dễ dàng trong thành phố.

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường ảnh 4

Trong một cuộc gặp mặt diễn ra nhanh chóng và tràn ngập ống kính truyền hình, Thống đốc thành phố đã xác nhận rằng Sai và Luther có thể tiếp cận bất kỳ công viên nào dưới sự ủy nhiệm của chính quyền. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng xác nhận sẽ cải thiện các quy định trong thành phố nhằm tạo điều kiện cho những người khuyết tật được sống tốt và hòa nhập tốt.

“Chúng tôi đã nhận được đề xuất và sẽ cải thiện những vấn đề còn tồn đọng để giúp người khuyết tật được hưởng mọi quyền lợi bình đẳng” - Thống đốc Pol Gen Aswin Kwanmuang cho biết.

“Khi đã có chứng chỉ dẫn đường, tôi tin rằng Sai có thể đưa chú chó Luther của mình đến các cửa hàng bách hóa hoặc văn phòng chính phủ. Chúng ta cần đối xử bình đẳng với tất cả mọi người” - vị quan chức khẳng định.

Cô bé Sai sau đó còn được đưa chú chó Luther tới trải nghiệm mạng lưới tàu trên không của Bangkok và tới thăm tổ hợp mua sắm của Tập đoàn Central. Mẹ Sai nói: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân Thái Lan và ở cả nước ngoài. Thế nhưng hiện chúng tôi chỉ nhận được số ít các lời phản hồi từ những tổ chức lớn mà chúng tôi kêu gọi trợ giúp”.

Điều chúng tôi mong muốn không chỉ dành riêng cho con gái tôi và Luther, nó còn dành cho tất cả những người khuyết tật ở Thái Lan và, theo một cách nào đó, nếu những người khuyết tập có thể hòa nhập thì xã hội Thái Lan sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ từ việc chấp nhận Luther và Sai, tâm lý của mọi người sẽ dần thay đổi và cởi mở hơn...

Bà Tik Otaganonta

“Điều chúng tôi mong muốn không chỉ dành riêng cho con gái tôi và Luther, nó còn dành cho tất cả những người khuyết tật ở Thái Lan và, theo một cách nào đó, nếu những người khuyết tập có thể hòa nhập thì xã hội Thái Lan sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ từ việc chấp nhận Luther và Sai, tâm lý của mọi người sẽ dần thay đổi và cởi mở hơn, việc này không chỉ xuất phát từ lòng thương hại với người khuyết tật và tình yêu động vật thông thường”, bà Tik Otaganonta chia sẻ.

Sai mỉm cười khi được hỏi tại sao cô nghĩ rằng câu chuyện của mình đã giành được sự chú ý của người dân Thái Lan, những người tự nguyện chia sẻ các bài đăng về cô và Luther với vô số thông điệp về tình yêu và sự khích lệ. Cô cho biết có thể người bạn bốn chân của mình đem tới thiện cảm đặc biệt cho mọi người.

Cô chủ mù và chú chó dẫn đường ảnh 5

Nhưng cô cũng cảm thấy người Thái đã cho thấy họ có đức tính cởi mở để thấu hiểu những gì một chó dẫn đường có thể làm và rộng hơn, về hoàn cảnh của những người khuyết tật.

“Tôi cảm thấy mục tiêu của mình lớn hơn là chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng về chó dẫn đường và giành quyền lợi cho bản thân. Tôi thấy nhiều người vẫn quan niệm rằng người mù hoặc người khuyết tật là một bộ phận dựa dẫm vào xã hội, tôi muốn thay đổi suy nghĩ này”, Sai cho biết. “Tôi thực sự muốn mọi người thay đổi cách nhìn, rằng những người khuyết tật có thể sống một cuộc sống độc lập và họ có thể tự vận động miễn là bạn cho họ cơ hội và đem tới cho họ sự hỗ trợ cần thiết”.

Nhìn Sai và Luther tự tin sải bước trên con đường nhỏ ven hồ mới thấy, cả hai đã cho mọi người thấy được rằng chỉ cần sự giúp đỡ thích hợp, những người khuyết tật có thể giành quyền tự chủ trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.