Cỗ Tết thời công nghệ

Cỗ Tết thời công nghệ

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc chuẩn bị một mâm cỗ Tết thịnh soạn chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng nét văn hoá truyền thống không vì thế mà mai một.

 * * *

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 1

Tết Việt hôm nay vẫn mang những tính cách đặc trưng theo phong tục tập quán, vẫn giữ gìn những “thủ tục” trong 3 ngày Tết như truyền thống, nhưng lại có sự biến tấu rất năng động đúng với cách tiếp cận xu hướng thời đại công nghệ, nhất là với thế hệ trẻ. Chỉ cần chiếc smartphone và cú “chạm” thần thánh là người dùng có thể đặt món yêu thích, mọi khoảng cách như rút ngắn lại để món tây món ta được “gần nhau hơn” trong bữa ăn gia đình ngày Tết.

Không còn phải lo tích trữ đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ từ cả tháng, không còn cảnh phải dậy từ sáng sớm để đi chợ mua các loại thực phẩm tươi ngon cho ngày Tết như trong ký ức của nhiều người nội trợ, việc chuẩn bị những mâm cỗ Tết thịnh soạn giờ đây trở nên dễ dàng hơn trong thời đại cách mạng 4.0.

Chỉ cần một tiếng ra chợ hay vào siêu thị là có đủ cho một cái Tết. Gần như tất cả đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi vất vả chuẩn bị Tết như xưa. Sự tiện lợi ấy giúp cho họ không phải lo lắng nhiều, chỉ cần chờ đến 27, 28 Tết ra chợ hay siêu thị “dạo” một vòng là đã có đầy đủ thực phẩm nấu nướng cho 3 ngày Tết.

Ba năm vợ vắng nhà và thậm chí còn phải đi trực đến 29 Tết, nhưng anh Phạm Quang Vịnh (34 tuổi, bác sĩ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chuẩn bị được mâm cỗ Tết truyền thống với đầy đủ các món để dâng cúng tổ tiên. “Tất cả là nhờ những tiện ích của cách mạng công nghệ mang lại. Việc lựa chọn đi chợ Tết online đặc biệt có ích cho những người bận rộn không có thời gian mua sắm như hai vợ chồng tôi”, anh Vịnh chia sẻ.

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 2

Sau một lần tình cờ lên Google tìm kiếm thông tin để đặt một vài món cho ngày Tết , chỉ vài hôm sau trên trang Facebook cá nhân của anh Vịnh đã có rất nhiều quảng cáo mâm cỗ Tết được gợi ý với đủ loại món cổ truyền từ canh măng đến canh bóng, từ nem cuốn đến thịt đông, từ giò lụa đến giò xào, rồi từ xôi gấc đến bánh chưng, bánh tét. Vì vậy, chỉ cần một “cú nhấp chuột” vào một số trang web hay fanpage của các nhà hàng… mâm cỗ sẽ được chuyển đến tận nhà đúng ngày giờ.

Anh Vịnh cho biết, giá một mâm cỗ truyền thống đầy đủ các món cũng chỉ dao động từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng tuỳ vào lựa chọn của mỗi nhà, mức giá này có thể chấp nhận được để “vẹn cả đôi đường”. Chưa kể đến, hiện nay các trang thương mại điện tử cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sàng lọc gian hàng, tạo nhiều chương trình ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tết cho người dùng. Với giá cả hợp lý, phù hợp cùng với sự nhanh tiện thì những người đàn ông không thạo công việc chợ búa, cơm nước cũng không phải quá lo lắng hay sợ hãi.

“Chính những lợi ích của cách mạng công nghệ mang lại như Internet kết nối vạn vật và nhất là ứng dụng của dữ liệu lớn (Big Data) mà mọi thông tin tra cứu của khách hàng đều được lưu giữ và xử lý rất nhanh. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà những nhu cầu tìm kiếm của người tiêu dùng lại được gợi ý chính xác trên trang Facebook cá nhân của chính người tiêu dùng đó”, anh Vịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự du nhập và ảnh hưởng của các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sự thay đổi thực đơn của mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết hiện nay không chỉ đa dạng hơn, “Tây” hơn mà còn độc đáo hơn. Ngoài giò chả, mâm cỗ Tết ngày nay còn có món salami, chân giò hun khói, xúc xích, salat, jambong, ngan xé phay, giò hoa ngũ sắc… hay thậm chí là những món cỗ chay cũng dần trở nên quen mắt trong một mâm cỗ cúng.

Với chị Hoàng Thảo Chi (29 tuổi, giáo viên dạy tiếng Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - người có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, mâm cỗ Tết lại là những món ăn kiểu Âu. Theo chị Chi, việc tìm mua các loại gia vị và thực phẩm để nấu các món ăn đặc sắc theo kiểu Tây cũng không dễ dàng. Vì vậy, chị Chi đã phải lựa chọn giải pháp lên mạng và đặt mua những món ăn chế biến sẵn của một số nhà hàng chuyên ẩm thực Âu để có thể ung dung có mâm cơm ngày Tết như ý.

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 3
Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 4

Khi cuộc sống thay đổi, những cái Tết thời công nghệ cũng có rất nhiều đổi thay, có những điều đã rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và cũng có những cái Tết không giống nhau của mỗi thời, mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những cái Tết “công nghiệp hóa” giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, đâu đó ta vẫn thấy nhiều gia đình vẫn giữ lại chút gì đó hương vị Tết truyền thống.

Trong ký ức của nhiều gia đình, cỗ Tết như một bức tranh nhiều màu sắc và đa dạng hương vị. Nhưng quan trọng nhất là sự cầu kỳ, tinh tế. Chẳng hề có một tiêu chuẩn nào về một mâm cỗ được gọi là hoàn hảo, bởi mỗi nhà một hoàn cảnh, một văn hóa riêng. Tuy nhiên tựu trung lại, Tết không thể thiếu bánh chưng, giò thủ, bát canh măng.

Nhà nào thanh cảnh, không có điều kiện thì bày biện vừa phải, nhà nào giàu có thì thường biện cỗ 8 bát, 8 đĩa hoặc nhiều hơn nữa. Các món trong mâm cỗ Tết của nhà giàu được nấu cầu kỳ, sang trọng với giò lụa, chả quế, thịt gà, nem, hạnh nhân, nộm, xôi... Nhà giản dị thì nấu canh măng, canh bóng, miến, nấm thả, mọc, cá trắm kho, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà…

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 5

Mua sẵn bánh chưng ở ngoài chợ hay hàng quán thì quá đơn giản, ai cũng có thể mua được, nhưng tôi muốn các thành viên trong gia đình, nhất là con cái được sống trọn trong không khí bận rộn của những ngày giáp Tết. Đó không chỉ là không khí đoàn viên ấm cúng cùng nhau gói bánh chưng, trông nồi bánh sôi lục bục thơm ngát....

Anh Hoàng Đức Huy

Anh Hoàng Đức Huy (30 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù làm việc ở một cơ quan nước ngoài, hàng ngày tiếp xúc với văn hoá đồ ăn nhanh, nhưng anh Huy vẫn muốn giữ nếp văn hoá truyền thống tự đi chợ nấu nướng mâm cơm cúng ngày Tết. Tết năm nào cũng vậy, cứ khoảng 27, 28 Tết, anh Huy lại dành một buổi lang thang ở chợ Cốm để chọn từng tàu lá dong, từng cân đỗ xanh còn nguyên vỏ, từng cân gạo nếp để gói bánh chưng Tết.

“Mua sẵn bánh chưng ở ngoài chợ hay hàng quán thì quá đơn giản, ai cũng có thể mua được nhưng tôi muốn các thành viên trong gia đình, nhất là con cái được sống trọn trong không khí bận rộn của những ngày giáp Tết. Đó không chỉ là không khí đoàn viên ấm cúng cùng nhau gói bánh chưng, trông nồi bánh sôi lục bục thơm ngát, cùng nhau nướng khoai trong lúc trông bánh mà còn là cách giáo dục hiệu quả đối với con trẻ. Qua những hoạt động này, con trẻ sẽ hiểu hơn về những giá trị truyền thống, nhân văn của Tết cổ truyền”, anh Huy nói.

Cũng như gia đình anh Huy, gia đình chị Đào Mai Trang (38 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) thường tự ra chợ lựa chọn từng cân hành củ để muối ăn mấy ngày Tết. Bên cạnh đó, chị Trang còn tự làm giò xào, gói nem, nấu canh măng, canh bóng, làm xôi gấc, chè kho… cho mâm cỗ Tết thêm đủ đầy và thịnh soạn.

Chị Trang bày tỏ, cả một năm bận rộn công việc, các cụ gia tiên đã thường phải ăn các đồ ăn sẵn rồi, giờ ngày Tết chị muốn tỏ lòng thành kính nhất với tổ tiên bằng việc tự tay vào bếp nấu các món. Cái không khí bận rộn của vợ chồng, con cái cùng vào bếp, cùng dọn dẹp nấu nướng trong khi nồi nước lá mùi thơm nức lan toả thì đầm ấm hạnh phúc vô cùng. Và đây chính là nét văn hoá truyền thống đẹp mà chị muốn các con mình tiếp nối.

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 6
Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 7

Tết đã thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi. Chúng ta khó có thể hình dung, vài chục năm sau hay trăm năm sau, cộng đồng sẽ ăn Tết, chơi Tết như thế nào. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt đều có niềm tin về một Tết Nguyên đán mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc sẽ mãi đồng hành cùng cộng đồng Việt.

Dù có thay đổi ra sao, thời khắc Tết đến Xuân về luôn là sự biết ơn của con cái đối với bố mẹ, sự tri ân của con cháu với tổ tiên, dòng họ, là tình cảm với cội nguồn dân tộc được gắn kết trường tồn mãi.

Dù mâm cỗ Tết có đổi thay thế nào, đó không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà là sự tượng trưng cho giá trị tinh thần của Tết Việt, là nét giao hòa của hương vị đất trời trong ẩm thực, là dịp để gia đình sum vầy và gắn kết.

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 8

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa - PGS.TS Nguyễn Thị Hồng, mâm cỗ có thể đổi thay nhưng chỉ cần những giá trị ấy vẫn vẹn nguyên theo năm tháng, Tết Việt vẫn sẽ luôn tròn đầy. Ngẫm lại thật kỹ, dù Tết xưa hay Tết nay, dù cha mẹ hay con cái, điều mong mỏi lớn nhất về Tết vẫn là có được khoảng thời gian thật sự chất lượng bên nhau. Có thể “hình thức” sum vầy sẽ khác đi một chút trong hình dung của hai thế hệ, nhưng bao giờ cũng thế, nỗi mong ước này chưa khi nào bị quên lãng.

Với những bậc cha mẹ như PGS.TS Hồng, giây phút sum vầy có thể được hình dung là:  “Chỉ cái cảnh cậu con trai phụ bố dọn bàn, xếp bát, cô con gái tỉ tê chuyện trò với mẹ khi làm mâm cỗ ngày 30 Tết cũng đã đủ tạo nên cảm giác ấm áp và gắn kết”.

Còn với những người con trưởng thành, quen nhịp điệu của một cuộc sống tươi mới hơn, phút giây sum vầy sẽ linh hoạt, khác biệt đi một chút. Chẳng hạn như cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm, ăn những món ăn ngày Tết, nhâm nhi chén rượu, trò chuyện đôi ba câu, chúc nhau đôi ba điều cho ngày Tết thêm ấm áp, giàu tình yêu.

“Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, những hoạt động ngày Tết bên nhau có thể ít nhiều khác đi. Song, nếu gửi vào đấy đủ đầy quan tâm, đó chắc chắn đều sẽ là từng khoảnh khắc thật chất lượng và ý nghĩa” - bà Hồng bày tỏ.

Cỗ Tết thời công nghệ ảnh 9
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?