Còn quá sớm để coi COVID-19 giống như cúm mùa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Chiều 8/5, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau tuyên bố của WHO về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu; các khuyến cáo cần thiết cho Việt Nam, cũng như các biện pháp ứng phó của Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng tham dự cuộc trao đổi.

COVID-19 không biến mất

Chia sẻ với báo giới về lý do WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, tương tự số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm. Tuy nhiên, đại diện WHO cho biết, điều này không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay ít nguy hiểm hơn. COVID-19 vẫn còn đó, chưa chấm dứt.

Trả lời câu hỏi về việc có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa, Trưởng đại diện WHO cho rằng, còn quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Mặc dù có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa, tuy nhiên cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông, còn COVID-19 không theo mùa - điều này chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, COVID-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới với chúng ta.

"Chúng ta mới có 4 năm làm quen với nó, trong khi các nhà khoa học đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về bệnh cúm. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19. Vì thế, còn quá sớm để coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa", bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam với COVID-19, bà Angela Pratt đánh giá, ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó với COVID-19. Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đã giúp Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch. Ngay từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chuyển biện pháp ứng phó với COVID-19 để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại diện WHO vẫn cho rằng: "Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp".

Không được ngơi nghỉ, lơ là

Khẳng định WHO luôn đồng hành, cam kết với Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến nghị đối với Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta không bao giờ được ngơi nghỉ, lơ là. Với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi.

Thứ hai, đưa tiêm phòng COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia – tiêm chủng suốt đời. Việt Nam có chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 rất tốt. Chúng tôi vẫn khuyến nghị Việt Nam tiêm các mũi tăng cường đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao.

Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới. Dựa trên hệ thống dữ liệu, chúng ta chú ý số liệu về việc giảm số người tử vong hay giảm số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt cho thấy tác động tổng thể. Đồng thời giám sát chặt chẽ thay đổi nào trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh…

Thứ tư, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.

Thứ năm, tiếp tục truyền thông, luôn huy động sự tham gia của cộng đồng. COVID-19 đã không còn là tình trạng chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn cần truyền thông để người dân hiểu và luôn cập nhật thông tin về bệnh.

Thứ sáu, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt. Nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Thứ bảy, Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng thì chúng ta vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng- nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Xây dựng kế hoạch ứng phó với đại dịch

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên, dịch COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hàng ngày, nước ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc, trong đó vẫn có trường hợp nhập viện, trường hợp nặng, thậm chí có ca tử vong.

"Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi. Đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5/2023, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện", Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cho biết, Việt Nam đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong từng thời kỳ. Các hoạt động phòng, chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua. Đặc biệt, từ tháng 10/2022, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả. "Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…".

Chia sẻ thông tin về công tác điều trị COVID-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 có những thay đổi, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có các vấn đề liên quan đến kiểm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách ly đối với người mắc COVID-19.

Hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang triển khai, xem xét các nội dung hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị COVID-19. Về cơ bản, chúng tôi đã thống nhất phải có sự điều chỉnh, trong đó liên quan chủ yếu đến việc sử dụng thuốc… theo các khuyến cáo, bằng chứng mới nhất của WHO.

Về biện pháp giảm tử vong do COVID-19, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ, trong giai đoạn tháng 4, 5/2023 đã có ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên khi xem xét các ca tử vong này cho thấy, tất cả đều là những trường hợp nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi, hoặc rất nhiều bệnh kèm theo. Bản thân bệnh nhân đã có tình trạng nặng từ trước... Không phát hiện trường hợp tử vong trên người bệnh không có bệnh nền hay người trẻ tuổi.

Ước tính tỷ lệ tử vong so với số nằm viện dao động khoảng 0,47%. Tỷ lệ tử vọng do COVID-19 tại Việt Nam là 0,37%, thấp hơn nhiều so với con số 0.99% của thế giới. Con số này thể hiện nỗ lực của các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam trong đại địch COVID-19 thời gian vừa qua, khi chuyển đổi rất nhiều hình thức, từ cách ly điều trị tuyệt đối 100% tại bệnh viện đến triển khai cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó triển khai điều trị giám sát tại nhà.

Để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên cả nước tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc COVID-19, trong đó chú trọng các đơn vị hồi sức, chạy thận… có những bệnh nhân bệnh nền nặng đang điều trị tại bệnh viện để cách ly, tránh để lây nhiễm vào trường hợp bệnh nền nặng. Các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường năng lực cho đơn vị hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục theo dõi sát, khi điều trị ca bệnh cần tăng cường hội chẩn với tuyến trên để có sự liên kết giữa các tuyến, tạo thuận lợi cho việc chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cũng khuyến cáo các cơ sở y tế hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp các ca bệnh tăng cao, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối.

Các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 nhập viện, gửi xét nghiệm trình tự gen một số trường hợp để xác hiện sớm những biến thể mới của COVID-19, trong đó đặc biệt lưu ý những người không mắc bệnh nền mà có dấu hiệu tăng nặng… "

Hiện, so với các bệnh truyền nhiễm khác tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do COVID-19 vẫn cao, khi ở mức 0,37 (sốt xuất huyết 0,09%). Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan mà phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ.

Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.