Theo nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tạp chí Nature Medicine, mô hình PANDA, do Học viện Damo của tập đoàn Alibaba phát triển, có thể phóng đại và nhận diện các đặc điểm bệnh lý phức tạp trên hình ảnh chụp CT mà mắt thường khó phát hiện.
PANDA ban đầu được huấn luyện bằng cách sử dụng bộ dữ liệu của 3.208 bệnh nhân từ một trung tâm duy nhất. Nghiên cứu cho thấy công cụ AI này đạt được độ nhạy 94,9% và độ đặc hiệu 100% trong thử nghiệm nội bộ với một nhóm 291 bệnh nhân đang điều trị tại Viện điều trị bệnh tuyến tụy Thượng Hải.
Mô hình này sau đó được đánh giá trên 5.337 bệnh nhân tại các cơ sở y tế khác nhau ở Trung Quốc và CH Séc bằng cách sử dụng các phim chụp CT vùng bụng. Độ nhạy và đặc hiệu của công cụ này lần lượt đạt 93,3% và 98,9%, vượt trội so với năng lực của một bác sĩ X-quang trung bình.
Độ nhạy đề cập đến khả năng của xét nghiệm xác định một người mắc bệnh (dương tính), trong khi độ đặc hiệu là khả năng xác định một người không mắc bệnh (âm tính). Mô hình PANDA đã được sử dụng hơn 500.000 lần trên lâm sàng, với tỷ lệ cho ra kết quả dương tính giả là 1/1.000 lần. Các nhà nghiên cứu hy vọng PANDA có thể được sử dụng làm công cụ mới để giúp chẩn đoán ung thư tuyến tụy trên diện rộng.
Ung thư tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy bắt đầu sản sinh quá mức vượt tầm kiểm soát và tạo thành một khối u ác tính. Căn bệnh này ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm, tuy nhiên có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện từ rất sớm.