"Không có gì phải cảm thấy xấu hổ"
Olympic Tokyo 2020 đã được mô tả là kỳ Thế vận hội đa dạng nhất về sự tham gia của các nhóm thiểu số giới tính, với tổng cộng 179 vận động viên thuộc cộng đồng LGBTQ tranh tài.
Đó là một thế giới khác xa với hồi ức của Masuda về Thế vận hội đầu tiên tại Nhật Bản năm 1964.
"Công khai giới tính thật khi đó là một điều cấm kỵ lớn", ông Masuda chia sẻ. "Đó phải là một bí mật. Tôi chắc chắn có những người có hoàn cảnh giống mình, nhưng không ai nói về điều đó".
Masuda hiện là một người đồng tính nam và là chủ của quán bar đồng tính mang tên "Kusuo", một địa điểm nổi tiếng ở quận Shinjuku Nichome, nơi ông từng tiếp đón danh ca Freddie Mercury.
Khi còn là một thiếu niên, ông Masuda đã có một khoảng thời gian không mấy êm đẹp.
"Tôi ngưỡng mộ đàn ông, nhưng tôi không nghĩ cảm giác đó liên quan tới giới tính của mình. Tôi đã rất lo lắng về điều đó", ông Masuda hồi tưởng. "Tôi thường viết thư cho mẹ và nói rằng tôi muốn chết, điều đó khiến bà chỉ khóc suốt".
Ông Masuda Itsuo đang mở một quán bar đồng tính tại Tokyo. Ảnh: AFP |
Sau hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản lại tổ chức một kỳ Thế vận hội mùa hè. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến ông Masuda phải đóng cửa quán bar và phải xem Olympic một mình.
Nhưng người chủ quán bar cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến thế giới đã thay đổi nhiều đến thế nào so với thời ông mới 16 tuổi.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới tốt đẹp. Chúng ta có thể đưa ra lựa chọn", ông Masuda khẳng định. "Không có gì phải cảm thấy xấu hổ".
Mở đường
Mặc dù Nhật Bản có một số biện pháp bảo vệ cộng đồng LGBTQ, nhưng nước này vẫn là quốc gia G7 duy nhất không công nhận kết hôn đồng giới và nhiều cặp đôi đồng tính cho biết họ rất khó thuê nhà cùng nhau.
Khi những người chuyển giới muốn thay đổi hồ sơ cá nhân, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm cả xác nhận không có khả năng sinh sản, điều này buộc những người muốn thay đổi nhân dạng sẽ phải triệt sản.
Đối với cộng đồng LGBTQ, kỳ Olympic hết sức đặc biệt với sự xuất hiện của Laurel Hubbard - vận động viên chuyển giới người New Zealand.
Việc Hubbard được phép tham gia tranh tài tại Olympic đã khuấy động một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội. Chứng kiến những gì Hubbard trải qua, ông Masuda không khỏi cảm thông cho cô.
Laurel Hubbard là vận động viên chuyển giới đầu tiên thi đấu tại một kỳ Olympic. Ảnh: Getty Images |
“Thật tội nghiệp khi phải đối mặt với những lời chỉ trích như vậy”, ông nói. "Cô ấy cũng chỉ là một con người".
Thế vận hội diễn ra vào thời điểm cộng đồng LGBTQ của Nhật Bản đang đấu tranh cho những quyền lợi của mình trong xã hội.
Pride House - một trung tâm của cộng đồng LGBTQ, hy vọng động lực của Thế vận hội sẽ mang lại những thay đổi cả về thể thao và xã hội Nhật Bản.
Ông Matsunaka Gon - người đứng đầu Pride House, cho biết việc Hubbard tham gia Thế vận hội đã gửi một thông điệp về sự hòa nhập, nhưng vẫn còn một chặng đường đấu tranh ở trước mắt cộng đồng LGBTQ.
Tom Daley, người vừa đoạt huy chương vàng môn lặn tại Olympic Tokyo, là một trong 179 vận động viên LGBTQ tranh tài tại Thế vận hội. Ảnh: AFP |
“Họ không cần phải can đảm chỉ vì họ là người chuyển giới. Chúng ta cần tạo ra một thế giới nơi mọi người có thể làm những gì mình muốn", ông Matsunaka chỉ ra.
Chủ quán bar Masuda cho biết sự hiện diện của Hubbard tại Nhật Bản sẽ "mở đường cho các thế hệ tương lai".
"Chúng ta sẽ nhớ về Thế vận hội Tokyo này hàng thập kỷ sau. Rồi mọi người sẽ coi sự tham gia của cộng đồng LGBTQ trong thể thao là điều bình thường", ông Masuda nói.