Điều dễ nhận thấy rằng, nếu như trước đây việc trùng lặp ý tưởng chỉ dừng lại ở một vài chi tiết thì nay hàng “nhái” tràn ngập hơn khi được các ngôi sao hàng đầu trưng diện, tạo dáng đầy tự hào. Chính cách thể hiện quan điểm về “hàng nhái” của các ngôi sao và nhà thiết kế đã phần nào đó mang đến những bước phát triển lệch lạc cho ngành công nghiệp thời trang.
Những ngôi sao hàng đầu vẫn được công chúng xem như là những tấm gương thời trang sành điệu nhất. Vậy mà những tấm gương thời trang ấy lại tích cực quảng bá cho sản phẩm đạo ý tưởng. Việc mặc hàng nhái xuất phát từ hai nguyên nhân chính: do vô tình và hữu ý.
Trường hợp thứ nhất, nhiều sao Việt yêu thích sản phẩm của các nhà thiết kế trong nước. Họ chọn những bộ váy đầm của nhà thiết kế Việt để xuất hiện tại các sự kiện mà đôi khi không biết rằng sản phẩm đó đạo ý tưởng của các thương hiệu nổi tiếng. Trường hợp thứ 2 là do chính sao Việt chủ ý chọn sản phẩm hàng nhái đó vì không có đủ điều kiện kinh tế. Nhưng dù với bất kỳ lý do nào thì việc mặc hàng “nhái” cũng cho thấy một thực tế kém hiểu biết về thời trang của những người hoạt động nghệ thuật.
Hàng nhái đang là vấn nạn của làng thời trang Việt |
Trên thế giới, các ngôi sao tuyệt đối nói “không” với hàng “nhái”, bởi việc làm đó gián tiếp làm mất đi giá trị của bản thân trong mắt công chúng.
Điều đáng nói là các sản phẩm này, sao y bản chính một cách trắng trợn. Khi được phóng viên hỏi về nghi án mặc hàng nhái, nhiều ngôi sao có lập luận rằng, “váy chỉ giống váy” chứ chưa hẳn là “đạo ý tưởng” và bảo vệ cho các nhà thiết kế trong nước đến cùng. Quan điểm này của các ngôi sao ảnh hưởng rất lớn đến hưởng đi của các Nhà thiết kế trẻ trong việc phát triển sự nghiệp. “Gu” ăn mặc của người nổi tiếng có thể tạo thành xu hướng thời trang nên họ cần biết tôn trọng chính mình và khán giả.
Nếu không có điều kiện để mua hàng hiệu đắt tiền, người nổi tiếng nên lựa chọn các mẫu của nhà thiết kế Việt. Đồng thời, các ngôi sao nên cẩn trọng về hình ảnh mỗi khi xuất hiện, đặc biệt là trong các sự kiện có sự hiện diện các quan khách quốc tế. Khi được hỏi quan điểm về hàng thật, hàng “nhái”, Nữ hoàng sắc đẹp Vũ Hoàng Điệp bày tỏ: “Tôi không bao giờ mặc hàng nhái, dù trang phục do các nhà thiết kế trong nước có hơi xấu một chút. Mặc đồ nhái mà bị phát hiện, tôi sợ bị người khác bình luận, đánh giá về đẳng cấp. Còn nếu thích một bộ hàng hiệu nào đó, tôi có thể dành dụm tiền để mua”.
Người mẫu Vũ Hoàng Điệp |
Hoàng Điệp thường sử dụng trang phục thiết kế của NTK Văn Thành Công và chị gái Anh Thư. Chị nói, sử dụng đồ của nhà thiết kế trong nước giúp giảm thiểu nguy cơ gặp hàng nhái, đụng hàng, thậm chí còn đẹp, tiết kiệm,độc hơn cả hàng hiệu.
Cặp bài trùng Văn Thành Công - Vũ Hoàng Điệp |
Không chỉ, người nổi tiếng mặc hàng “nhái”, tai hại hơn những nhà thiết kế - tương lai của làng thời trang Việt cũng có nhiều mẫu váy áo giống hệt các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Từ việc ăn cắp ý tưởng, người ta nhắc nhiều đến hai khái niệm “Nhà thiết kế” và “thợ may”. Người thợ may có thể sao chép hay bắt trước ý tưởng nhưng nhà thiết kế thì không.
Điểm khác nhau cơ bản này buộc Nhà thiết kế phải thực sự lao động nghiêm túc và có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Sự sáng tạo nằm ở đâu khi 90% sản phẩm được cho là lấy từ một sản phẩm khác. Đồ “nhái” dù đẹp cũng chỉ là một sản phẩm vay mượn. Các nhà thiết kế cần xác định việc đạo ý tưởng là một việc làm tối kỵ. Vẫn biết, trong khái niệm sáng tạo nhiều khi không có ranh giới rõ ràng, nhưng nếu sao chép quá nhiều sẽ mất đi bản sắc sáng tạo cá nhân.
Còn nhớ, bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Võ Việt Chung với phong cách trang điểm lạ lẫm bị ném đá dữ dội vì bị nghi là đạo ý tưởng. Nhiều độc giả đã phát hiện ra chiếc môi loe đỏ chót được lấy từ ý tưởng của Alexandre McQueen Thu Đông 2009, chiếc lưới trước mặt được lấy ý tưởng từ bộ sưu tập Viktor & Rolf Xuân Hè 2011, khuôn mặt đỏ chót được lấy ý tưởng từ bộ sưu tập Viktor and Rolf Thu Đông 2011 tại tuần lễ thời trang Paris.
Ấy vậy mà đã có thời nhà thiết kế này hùng hồn tuyên bố: “Thời trang Việt Nam hiện nay đang đứng im, người ta không làm gì cho nó phát triển cả. Hãy tách tên Võ Việt Chung ra khỏi thời trang Việt. Bởi tôi không tham gia vào những công ty, tổ chức nhà nước của Việt Nam. Tôi là tư nhân, tự làm tự chịu. Nếu tôi có quyền, như chị Minh Hạnh chẳng hạn, tôi sẽ làm khác, tôi đã đưa được thời trang Việt ra thế giới rồi chứ không phải để nó như hiện nay”.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung |
Mặc đồ “nhái” và thiết kế đạo ý tưởng là thiếu tôn trọng công chúng. Tuy nhiên, việc này ở Việt Nam lại đang diễn ra khá phổ biến do chưa có biện pháp mạnh tay từ phía pháp luật, từ đó nhà thiết kế trẻ thường tỏ ra dễ dãi, thiếu bản lĩnh với nghề. Chính vì thế các Nhà thiết kế chưa tạo được phong cách, lối đi riêng. Đội ngũ thiết kế của làng thời trang Việt khá đông đảo nhưng những người để lại dấu ấn lại đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều mẫu thiết kế quá rườm rà, phức tạp, không phù hợp với sở thích và mục đích sử dụng của đa số người tiêu dùng. Trên thế giới, nhà thiết kế cần sáng tạo những sản phẩm ứng dụng sau đó mới đến các sản phẩm độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Ở Việt Nam thì ngược lại, nhà thiết kế cứ mải mê bay bổng sau đó mới thức tỉnh để gia nhập thị trường. Chính cơn lốc thị trường đã cuốn đi những điều cơ bản nhất về thời trang, để mà các nhà thiết kế lao đầu vào kiếm tiền mà quên đi gốc rễ căn bản để phát triển sự nghiệp sau này. Nếu một nhà thiết kế có giỏi, có tài mà sản phẩm không được công chúng đón nhận thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi mục tiêu cuối cùng của thiết kế là hướng đến tính sử dụng.
Mất bao lâu để thời trang Việt hội nhập thế giới |
Một nhà thiết kế được công chúng công nhận qua một bộ sưu tập nào đó ra đời đầu tiên thì có nghĩa người này đã đi tiên phong trong “gu” đó. Những quy định về phom dáng, tỉ lệ, màu sắc, họa tiết…quyết định sự nhận diện bộ sưu tập đó. Các Nhà thiết kế nếu có bản lĩnh và thực tài sẽ không bao giờ muốn trùng hợp ý tưởng với ai, kể cả những nhà thiết kế lừng danh trên thế giới. Khi nhà thiết kế thực hiện một bộ sưu tập mới dựa trên ý tưởng của một bộ sưu tập xuân hè, hay thu đông nào đó vẫn có thể chấp nhận được nhưng không bao giờ được giống hoặc sao chép quá đà.
Đặc biệt, ở một đất nước mà ngành thời trang chưa được phát triển thì các nhà thiết kế cần phải biết giữ mình, không ảnh hưởng bởi bất kì ai. Các thiết kế cần phát triển bản sắc của mình một cách rõ nét. Các đường nét táo bạo được sản sinh từ một niềm nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo riêng có mà được thế giới công nhận thì mới thực sự đáng hoan nghênh. Thực hiện điều này cũng là một cách gián tiếp khẳng định thái độ ứng xử nghiêm túc với nghề, tính chuyên nghiệp trong hoạt động thời trang. Cần có bản lĩnh văn hóa để làm trong sạch môi trường thời trang. Có như thế, làng thời trang Việt mới phát triển một cách đúng nghĩa và tạo được ấn tượng với thế giới.