Vụt sáng rồi tắt lịm
Công Phượng chính là cái tên “hot” nhất trong lứa quân U19 Việt Nam trình làng hồi năm 2013. Giải U19 Đông Nam Á năm đó, Công Phượng và các đồng đội đã lôi cuốn giới mộ điệu với lối chơi phối hợp nhuần nhuyễn, dựa trên nền tảng kỹ thuật điêu luyện của từng cá nhân.
Nói là ĐTQG, nhưng thực chất U19 Việt Nam thời điểm trên lấy nòng cốt là quân học viện HA.GL của bầu Đức. Nhiều thời điểm 9/11 vị trí trong đội hình chính là quân HA.GL. Trong 2 năm kế tiếp, Công Phượng và các đồng đội tiếp tục gây “sốt” với giới mộ điệu Việt Nam. HA.GL trở thành cái tên được yêu mến nhất, và Công Phượng là gương mặt nổi trội nhất giữa dàn “sao mai” của bầu Đức, như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn hay Hồng Duy, Văn Thanh…
Được chờ đợi nhiều nhất, nhưng Công Phượng cũng là cái tên gây thất vọng nhất tại V.League 2015 |
V.League 2015 đánh dấu một cột mốc mới trong tiến trình trưởng thành của các cầu thủ trẻ HA.GL. Sau VCK U19 châu Á 2014 diễn ra tại Myanmar, bầu Đức đã quyết định “đôn” toàn bộ quân số học viện lên đội 1. Các gương mặt kỳ cựu ở đội bóng phố núi bị thanh lý hợp đồng. Một cuộc “thay máu” triệt để và ồ ạt nhất diễn ra ở HA.GL. Ngày khai mạc, bầu Đức tự tin nhắc đến giấc mộng vô địch, tưởng có thể nắm được trong tay.
Tuy nhiên, bước vào giải đấu mang tính chất cạnh tranh cao, HA.GL sớm bộc lộ những điểm yếu chết người được giới chuyên môn cảnh báo từ trước. Đó là sự non nớt trong kinh nghiệm thi đấu, yếu đuối trước lối chơi quyết liệt, và chạm mạnh. Được chờ đợi nhiều nhất, nhưng Công Phượng cũng là cái tên gây thất vọng nhất. Trong khi những Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn…dần cho thấy sự trưởng thành, cả về kỹ thuật, thể lực lẫn tư duy thi đấu thì Công Phượng vẫn không bứt ra khỏi chiếc áo U19 năm nào. Tiền đạo gốc Nghệ thi đấu rườm rà, lạm dụng kỹ thuật cá nhân và bỗng nhiên trở nên thiếu hiệu quả.
Sau khi toả sáng với 2 bàn thắng vào lưới Sanna Khánh Hoà trong trận khai mạc, Công Phượng “tắt lịm” trong phần lớn thời gian còn lại của V.League 2015. Giới mộ điệu không còn nhìn thấy sự quyến rũ trong lối chơi đậm chất ngẫu hứng của anh năm nào, thay vào đấy là một Công Phượng vô duyên trước khung thành đối phương, non nớt khi bị theo sát bởi các hậu vệ dày dạn kinh nghiệm ở V.League. Việc không được HLV Toshiya Miura trọng dụng ở ĐTQG đẩy đội bóng trẻ của bầu Đức vào một tâm thế khác, mất dần sức hút với giới mộ điệu lẫn dân chuyên môn. HA.GL chỉ được “giải cứu” sau sự chia tay của ông Miura, và HLV Hữu Thắng lên thay. Từ đây, Công Phượng và các đồng đội như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Huy Toàn mới được trọng dụng.
Đi trước, về sau
Đầu mùa giải 2016, HA.GL gây sốt lần thứ 2 với quyết định để Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu. Công Phượng đến Mito Hollyhock, Tuấn Anh đầu quân cho FC Yokohama, 2 CLB thi đấu ở J-League 2 của Nhật Bản, đều có thời hạn 1 năm. Riêng Xuân Trường ký hợp đồng 3 năm với Incheon United ở K-League. Bầu Đức ví đây như một lần cho con gái đi lấy chồng xa.
Tuy nhiên, gần suốt mùa giải 2016, bộ ba HA.GL phải ngồi trên ghế dự bị. Rất ít khi Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng được ra sân. Chỉ đến gần cuối mùa, tiền vệ Xuân Trường mới được thi đấu nhiều hơn trong màu áo của Incheon United. Bất chấp điều đó, cả 3 vẫn được HLV Nguyễn Hữu Thắng triệu tập vào đội tuyển Việt Nam tham dự AFF cup 2016. Cùng với bộ 3 trên, HA.GL còn 2 gương mặt khác có tên trên tuyển, là tiền vệ Văn Toàn và hậu vệ Vũ Văn Thanh. Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra ở đội tuyển Việt Nam, rất nhiều người đều phải đồng ý rằng, Công Phượng đang tụt lại so với các đồng đội.
Tiền vệ Tuấn Anh phải chia tay đội tuyển Việt Nam vào phút cuối. Tuy nhiên, nếu không vì chấn thương, Tuấn Anh gần như chắc suất ở đội hình chính với một vị trí ở hàng tiền vệ. Thực tế trong suốt giải đoạn chuẩn bị, Tuấn Anh thường xuyên ra sân trong đội hình xuất phát của HLV Hữu Thắng. Suất tiền vệ trung tâm thứ 2 thuộc về Xuân Trường. Bên hành lang cánh, hậu vệ Vũ Văn Thanh và Văn Toàn cũng đang chiếm suất chính thức của tuyển Việt Nam. Cả hai chơi đặc biệt hay ở trận ra quân trước chủ nhà Myanmar. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, cả 3 gương mặt trên của HA.GL đều có một vị trí ổn định trên tuyển. Riêng Công Phượng, anh đang được nhận định chỉ là phương án thứ ba, thậm chí là thứ tư trên hàng công đội tuyển Việt Nam. Với việc Văn Quyết đang độ chín, trong khi Công Vinh càng ngày càng dày dạn kinh nghiệp, Công Phượng gần như không còn cơ hội đá chính. Ở trận gặp Myanmar, khi cần tăng cường cho khâu phòng ngự, HLV Hữu Thắng đã tung Văn Thắng vào sân, thay vì Công Phượng.
Dù đã có một quá trình “tu nghiệp” ở nước ngoài, lối chơi của anh so với 3 năm trước gần như không có sự thay đổi. Phượng vẫn rườm rà như trước. Trong vài lần ít ỏi được HLV Hữu Thắng tung vào sân, tiền đạo gốc Nghệ đã không nắm bắt được cơ hội để chứng tỏ mình.
Chiếc áo ĐTQG với Công Phượng, như nhiều người đánh giá, vẫn còn quá rộng. AFF Cup 2016 chắc chắn sẽ chỉ là giải đấu anh được tham dự để có điều kiện học tập thêm kinh nghiệm từ lứa đàn anh. Những người yêu mến anh có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm 1 năm nữa để thấy Phượng được ra sân, trong màu áo của U23 ở SEA Games 2017. Đây mới là sân chơi vừa sức với Công Phượng ở thời điểm hiện tại.