Nhà dân trở thành “hồ chứa nước”
Ngày 30/4/2021, dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi được nâng cấp. |
Việc sửa chữa triển khai từ tháng 10/2019. Công trình nâng cấp, sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh và Q.1) có tổng vốn đầu tư hơn 470 tỷ đồng nhằm giải quyết ngập cho toàn tuyến dài 3,2km. Điểm bắt đầu của công trình từ nút giao với đường Tôn Đức Thắng tới cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Đoạn ngập sâu nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh được xác định từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn, dài hơn 500m. Mặt đường tại đây được nâng cao hơn so với trước từ 0,5 - 1,2m.
Hàng chục năm qua, đường Nguyễn Hữu Cảnh luôn gắn liền với những công trình, dự án gây xôn xao dư luận. Nhắc đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, người dân luôn nghĩ đến con đường ngập nước khi những cơn mưa ập đến hoặc triều cường. Nhiều tháng qua, cung đường ngập nước này đã nhường lại cho những căn hộ hai bên đường. Đường cao ráo khiến nhà dân 2 bên đường bị ngập.
Ghi nhận của Phóng viên Ngày Nay, nhiều căn nhà trên đường Nguyễn Hữu Cảnh lọt thỏm dưới mặt đường khoảng chừng 1m. Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ P.22, Q.Bình Thạnh) nói, nếu như trước đây, mặt nước ngập vào nhà ngang với nước ngập ngoài đường thì nay, nhà dân trở thành “hồ chứa nước” cho việc chống ngập.
Gia đình chị Lan phải làm bậc tam cấp để đi ra trước nhà. Trời nắng ráo, nhiều căn nhà thấp hơn mặt đường trở thành “hầm” và xe chạy bên trên. Trời mưa và triều cường thì ngập nước.
Nhà dân thấp hơn đường Nguyễn Hữu Cảnh và trở thành nơi chứa nước. |
Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, siêu máy bơm có bị… vô hiệu hóa?
Tương tự, một nhân viên của công ty địa ốc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bộc bạch: “Lẽ dĩ nhiên, khi nhà thấp hơn mặt đường thì không ngập nước mỗi khi mưa hoặc triều cường là chuyện rất lạ”. Nhiều vật dụng, máy móc thiết bị trong công ty phải kê cao để đề phòng nước ngập gây hư hỏng. Do hợp đồng thuê mướn với chủ nhà dài hạn nên doanh nghiệp phải “chịu trận” và không biết cách nào để khắc phục.
Câu chuyện đường cao ráo nước để nhà dân bị ngập là vấn đề chưa bao giờ có hồi kết. Điều đáng quan tâm là sự tồn tại của “siêu máy bơm chống ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Tháng 9/2017, hệ thống siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh công suất 93.000m3/h, chi phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng được thực hiện thí điểm qua nhiều cơn mưa lớn.
Tháng 4/2018, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung và Trung tâm Chống ngập ký hợp đồng thuê máy bơm trong thời gian 7 năm. Khu vực được xác định chống ngập rộng khoảng 75ha, giá thuê là hơn 14,2 tỷ đồng/năm. Suốt giai đoạn thuê máy bơm, đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều lần ngập và lộ rõ tình trạng không khả thi khi thực hiện dự án.
Chủ đầu tư nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông rằng, nghi ngờ có hành vi cố tình phá hoại nên máy bơm bị vô tác dụng trong việc chống ngập.
"Siêu máy bơm" được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để giải quyết ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh được lắp đặt vò năm 2017. |
Trao đổi với Ngày Nay, ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, chủ đầu tư dự án “siêu máy bơm” chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, theo vật lý, nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Muốn nước từ chỗ thấp lên chỗ cao phải dùng bơm. Vì TP có hơn 60% diện tích đất thấp hơn mực nước triều cường.
Về tính hiệu quả, ông Cường nói, phải nhìn vào đất nước Hà Lan vì Hà Lan làm những cái cống lớn xung quanh và các cống nhỏ đổ dồn về cống lớn. Sau đó, người ta dùng bơm để bơm nước đi. Hiện nay, TP mỗi năm bị sụt lún từ 2 -5 cm, nước sông dâng lên thì vấn đề ngập sẽ diễn ra. Nếu nâng đường thì chỉ giải quyết được đoạn đường đó. Hai bên nhà dân cốt nền thấp thì không nâng lên được. Nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp thì nhà dân sẽ bị ngập.
Ông Cường phân tích: “Máy bơm của tôi đặt ở Nguyễn Hữu Cảnh rất hiệu quả. Nếu quy chiếu theo hợp đồng thì chưa bao giờ để cho bị ngập, trừ vũ lượng vượt tầng suất thì chịu. Nếu đúng trong tầng suất thì chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được. Trong hợp đồng, chúng tôi khẳng định nếu bị ngập thì chúng tôi không thanh toán tiền.
Hiện nay, mực nước sông lên 1,87m, rất nhiều vị trí ở TP có cốt nền 1,2m, có nơi khoảng 1,5m, thấp hơn mực nước triều cường. Về nguyên tắc khi mực nước nâng lên nếu không có van một chiều ở cửa cống đổ ra ngoài sông thì nước sẽ tràn vào, chưa cần mưa đã bị ngập.
Khi van đóng lại thì nước không chảy ra từ cửa sông được nữa và khi nước mưa trút xuống không còn chỗ nào thoát thì sẽ bị ngập. Nếu có máy bơm đặt ở miệng cống bơm nước đi thì sẽ không bị ngập nữa. Những vị trí không đặt máy bơm thì sẽ bị ngập. Đó là quy luật tất yếu.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề chống ngập phải mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật để bày tỏ với nhau bằng con số, bằng số liệu khoa học thì sẽ chính xác. Ở TP cứ bảo nâng đường lên để hết ngập thì không ai dám nói câu này. Nâng đường lên để hết ngập đoạn đường đó chứ không thể nói hết ngập khu vực đó”.
Khu vực thoát nước ra sông Sài Gòn của siêu máy bơm. |
Ông Cường giải thích, bởi vì khu vực đó rất thấp, thấp hơn mực nước triều cường. Nếu đặt cống to phải có độ dốc, nếu cống to không có độ dốc thì nước chảy đi đâu? Không cần phải là nhà khoa học, những người chỉ cần trình độ cấp 2 đều biết những chuyện này.
Nguyên tắc bình thông nhau không thể nước chảy từ chỗ thấp lên chỗ cao được. Muốn nước từ chỗ thấp lên chỗ cao phải dùng máy bơm. Cốt nền có tầm thấp hơn mực nước triều cường thì làm sao nước chảy ra sông được?
Ông Cường khẳng định, nâng đường chỉ giải quyết đoạn đường ở chỗ đó không ngập chứ nhà dân, ngõ xóm ở chỗ đấy thì sao? Đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh đầu vào hàng trăm tỷ đồng để nâng đường thì chỉ giải quyết hết ngập con đường chứ không thể giải quyết hết ngập ở khu vực đó.
Đường ngập, nâng đường thì nước thoát đi đâu?
Chuyên gia Nguyễn Đức Thắng – nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, siêu máy bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập là kiểu ứng phó ngắn hạn. Nếu sử dụng phương pháp bơm nước chống ngập là không hợp lý. Giải pháp chống ngập là để nước tự chảy thay vì dùng biện pháp cưỡng bức. Nguyên tắc chống ngập theo phương pháp tự thoát, tự chảy là tốt nhất.
Trước khi nâng đường, Nguyễn Hữu Cảnh được mệnh danh là "rốn ngập" của TP.HCM. |
“Giải pháp chống ngập bằng cách nâng cốt nền đường lên để chống ngập sẽ đẩy nước chảy về chỗ trũng hơn. Các ngỏ nhỏ, nhà dân sẽ là nơi chứa nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhà ngập nước thì người dân sẽ đôn nền cao hơn mặt đường. Nước ở các con hẻm, nhà dân được đôn cao hơn lại chảy ra đường”, ông Thắng lập luận.
Giải pháp lâu dài và tối ưu nhất là hoàn thiện cơ bản và căn cơ hệ thống thoát nước của thành phố. Hệ thống phải thật chuẩn theo các cao trình đáy của các cống thoát nước từ trung tâm thành phố đi ra nơi thoát nước, từ vùng cao phải có độ dốc nghiêng dần về các vùng thoát ra kênh rạch và sông ngòi.
Do các cơ quan chuyên môn không quản lý kiểm soát chặt chẽ cốt nền của các công trình tòa nhà. Các công trình nơi xây cao, nơi xây thấp nên cuối cùng nước đọng lại ở nơi có cốt nền thấp. Ví dụ, quy hoạch đô thị thời Pháp khá tốt với tầm nhìn từ tâm ra ngoài, từ cao xuống thấp để dòng nước tự thoát, tránh ngập úng ở nội đô.
Chuyên gia Nguyễn Đức Thắng đánh giá: “TP.HCM đang ở trong tình trạng vỡ quy hoạch do không kiểm soát cốt nền của các công trình dẫn đến nhiều tòa nhà cao, thấp. Mặt đường nơi ngập nước được nâng lên để đẩy nước về nơi thấp hơn một cách chắp vá và không đồng bộ”.
UBND TP.HCM đã phê duyệt giá thuê “siêu máy bơm” của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh với giá 14,2 tỷ đồng/năm.
Mỗi tháng, ngân sách TP trả cho chủ sở hữu máy bơm hơn 1,18 tỷ đồng. Sau 24 lần vận hành chạy thử, siêu máy bơm chống ngập vẫn chưa xác định thực sự có khả năng chống ngập được hay không?
Cuối tháng 4/2021 đến nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được hoàn thành, nghiệm thu và hết ngập. Tuy nhiên, tuyến đường này vẫn còn một đoạn cống chưa thể thi công đấu nối ra cửa xả do vướng một căn nhà. Chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hệ thống thoát nước cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) quản lý để có cơ sở theo dõi, đánh giá.
Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM – bài 5: Các công trình chống ngập vẫn “ì ạch” lội nước