Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách - Bài 5: Các công trình chống ngập vẫn “ì ạch”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhắc đến TP.HCM, đặc sản khi ra đường luôn được nói đến là tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa. Trời không mưa, triều cường dâng cũng đủ để người dân phải “bì bõm” lội nước.

TP.HCM đang thực hiện rất nhiều công trình chống ngập nhưng nhiều ý kiến quan ngại về tính khả thi. Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Đức Thắng – nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa ông, biến đổi khí hậu, triều cường và mưa lớn luôn là những nguyên nhân được nhắc đến mỗi khi các tuyến đường bị ngập. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Cám ơn câu hỏi rất hay liên quan đến các công trình chống ngập đã triển khai nhiều năm gần đây nhưng người dân vẫn cứ phải cắn răng chịu đựng ngập úng ngày càng nhiều hơn khi triều cường vào mùa khô và mưa lớn vào mùa mưa. Do vậy bạn có quyền quan ngại thực sự về tính khả thi của các công trình.

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách - Bài 5: Các công trình chống ngập vẫn “ì ạch” ảnh 1
Chuyên gia Nguyễn Đức Thắng – nguyên Phó Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Các nhà khoa học và quản lý thủy lợi đã qui kết nguyên nhân cho hai yếu tố thiên nhiên gây ra. Đó là biến đổi khí hậu và lũ do mưa lớn. Từ đó đã ra đời “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh”, được phê duyệt tại quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008, với tuyến đê bao chống lũ dài 172km (độ cao đỉnh đê từ 2 – 3m, chiều rộng mặt đê 7,5m) suốt dọc bờ hữu sông Sài Gòn, bắt đầu từ Bến Sức (huyện Củ Chi) đến dọc sông Nhà Bè, dọc sông Soài Rạp, đi tiếp dọc bờ tả sông Vàm Cỏ đến Vàm Cỏ Đông; bảo vệ toàn diện cho khoảng 3/4 diện tích TP.HCM và 4 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức và Đức Hòa của tỉnh Long An. Khép kín tuyến đê bao tại 12 cửa kênh rạch chính thông với các con sông lớn là 12 cống lớn (có cánh đóng/mở) với trạm bơm công suất lớn để bơm nước từ các kênh, rạch lớn đổ vào sông.

Đó là các cống Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lứt, Kênh Sáng Lớn. Các cống có độ rộng từ 40m đến 120m tùy thuộc vào độ rộng của cửa các kênh, rạch. Độ cao đáy cống từ -4m đến -10m. Mỗi cống chia đều thành một số khoang. Mỗi khoang có một cánh đóng/mở nặng nhiều tấn.

Khi có triều cường lớn, các cánh cống được đóng kín lại, ngăn không cho triều cường từ sông đổ vào các kênh rạch. Về nguyên lý khi triều lui cánh cống phải mở ra, để cho mọi nước thải của thành phố từ các kênh rạch đổ vào các sông để thoát ra biển. Tuy nhiên việc phải vận hành đóng mở khoảng 100 cánh cống hai lần vào sáng sớm và chiều muộn để ngăn triều cường và thoát nước thải là vô cùng tốn kém, quá đắt, cánh cống nhanh hỏng, nên các nhà khoa học nghĩ ra cách thỉnh thoảng mở cống thôi, còn chủ yếu là đóng trong mùa khô. Khi nước thải trong kênh rạch ứ đọng dềnh lên sẽ vận hành 12 trạm bơm công suất lớn bơm nước đổ vào sông và thoát ra biển. Tàu bè muốn qua lại phải vào âu tầu “được cẩu lên đi đoán ngắn và hạ xuống đi tiếp”. Tôm cua, cá tép thì hết đường đi.

Chưa an tâm với những công trình thủy lợi chống ngập nói trên, năm 2010 – 2012 Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đề xuất xây dựng đê biển hùng vĩ nối Vũng Tàu với Gò Công (Tiền Giang) để ứng phó với mực nước biển dâng cao khoảng 60cm – 80cm vào cuối năm 2100. TP.HCM sẽ có tuyến đê biển chính hùng vĩ dài 28km và tuyến đê biển phụ dài 13km. Tại tuyến đê biển chính có một cống lớn siêu rộng đến 2.000m. Nếu mỗi khoang rộng 10m sẽ có tất cả 200 khoang với 200 cánh đóng mở siêu nặng dâng lên, hạ xuống. Dự toán tổng chi phí cho “bức tường” ngăn biển khổng lồ này là 160.964 tỷ đồng.

Ở ta có truyền thống: “Mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài Bộ Nông”. Tuy nhiên việc qui kết cho triều cường và biến đổi khí hậu là không đúng, chẳng có căn cứ khoa học. Vì Sài Gòn đã ngàn năm nay đều có triều cường và mưa lớn, có ngập úng cục bộ nhưng ít thôi, không thường xuyên gây khổ sở cho dân như ngày nay. Các sông Sài Gòn và Đồng Nai chưa có khái niệm lũ để phải xây 172km đê bao như vậy.

Tại Niên giám thống kê TP.HCM từ năm 2005 đến năm 2015 có cung cấp các số liệu Mực nước cao nhất và Mực nước thấp nhất hàng tháng ghi được tại trạm thủy văn Phú An sông Sài Gòn.

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách - Bài 5: Các công trình chống ngập vẫn “ì ạch” ảnh 2
Thống kê số liệu quan trắc.

Từ bảng số liệu quan trắc trên tôi rút ra được một qui luật là vào mùa mưa mực nước cao nhất trên sông Sài Gòn lại luôn thấp hơn vào mùa khô khoảng 8cm. Đó là một nghịch lý đã tồn tại cả nghìn năm rồi. Tạo hóa đã ban tặng cho người dân TP.HCM một phước lành là mưa phải thật lớn, rất lớn, khoảng 10 năm mới có một cơn mưa như vậy thì mực nước cao nhất trên sông Sài Gòn mới bằng hay lớn hơn chút xíu so với mùa khô. Cụ thể ở bảng số liệu trên là cơn mưa cực lớn của năm 2007 mới làm cho mực nước cao hơn mùa khô 2cm (bằng móng tay).

Có nghĩa là thực sự không có khái niệm lũ đối với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai vào mùa mưa để gây ngập úng TP.HCM. Do vậy, cần phải tìm nguyên nhân khác. Ngày nay, cứ đến mùa mưa, TP.HCM luôn trong tình trạng ngập lụt cục bộ. Tình trạng ngập lụt “di dời” từ vùng này sang vùng khác, cứ thế luân phiên nhau. Thậm chí một số nơi chỉ mưa vừa cũng đã gây ngập. Câu trả lời rất đơn giản, nhưng rất chính xác mà người dân có thể nói được ngay. Đó là “Do tắc cống ở đâu đó thôi”.

Triều cường cao nhất vào mùa khô là những hiện tượng tự nhiên cũng đã có từ ngàn năm rồi. Vậy tại sao Sài Gòn ngày xưa lại hiếm ngập do triều cường?. Chỉ sau Đổi mới, trong vòng 30 năm phát triển TP.HCM mới xuất hiện sự gia tăng ngập do triều cường. Người dân be bờ, kè cửa khắp nơi nhưng nước bẩn vẫn chui ngược hàng vạn các ống thoát nước thải vào tận trong buồng tắm + WC rồi lan tỏa khắp sàn tầng trệt.

Biến đổi khí hậu mà cụ thể là mực nước biển dâng 20 năm qua ở TP.HCM như thế nào? lên cao bao nhiêu mà triều cường gây ngập thường xuyên như vậy? Bình quân mực nước biển được thế giới qui chuẩn có độ cao là 0m, làm căn cứ để so sánh với các vị trí có độ cao khác nhau ở trên lục địa cũng như đáy biển và đại dương. Trong 30 năm qua, bình quân mực nước biển dâng trên toàn cầu khoảng từ 2 - 3cm.

Theo những tính toán của nhà khoa học Hồ Long Phi, cho đến năm 2010 dựa trên những số liệu tại trạm quan trắc tại trạm thủy văn Vũng Tàu, bình quân mực nước biển Đông dâng lên tại Vũng Tàu là 0cm, có nghĩa là chưa dâng. Do vậy, đến cuối năm 2021 tôi đoán nhiều lắm sẽ dâng lên 1 - 2cm (bằng móng tay) do biến đổi khí hậu. Do vậy việc qui tội cho biến đổi khí hậu thời gian qua và trong tương lai khoảng 30 năm tới là không đúng. Mãi đến cuối năm 2100, theo dự đoán chung của các chuyên gia thế giới và Việt Nam, bình quân mực nước biển toàn cầu sẽ dâng lên 60cm – 80cm nếu như thế giới không chung tay góp sức cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2, CH4).

Phóng viên: Nếu không phải do thiên nhiên gây ra, vậy theo ông chính xác là những nguyên nhân gì? Có ý kiến cho rằng, ý thức của người dân tác động không nhỏ đến tình trạng ngập lụt như hiện nay?

Đúng vậy, nói đến ý thức của người dân, tức là do con người gây ra sự gia tăng ngập úng cục bộ khi triều cường và mưa lớn trong 30 năm qua ở TP.HCM. Dưới đây là 6 loại hình hoạt động do con người gây ra:

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách - Bài 5: Các công trình chống ngập vẫn “ì ạch” ảnh 3

Minh họa hệ thống đê bao với các cống lớn và đê biển.

Thứ nhất, đó là khai thác nước ngầm quá mức, do các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các hộ gia đình thực hiện. Nước ngầm là một bộ phần cấu thành của nền móng bị hút lên trên diện rộng, đương nhiên nền móng toàn thành phố phải bị sụt lún xuống, không đồng đều.

Thứ hai, đó là sự bùng nổ của đô thị hóa lan rộng khắp nơi. Sự phát triển thăng hoa của các tòa nhà cao tầng và thấp tầng. Những khối nhà nặng cả chục ngàn tấn, quanh năm ngày tháng, cứ thế đè lên bùn, đất, cát, nước ở bên dưới, nên TP.HCM “bắt buộc” phải tự sụt lún.

Hai nguyên nhân nói trên đã làm đã làm cho TP.HCM trong 30 năm qua sụt lún từ 20cm đến 50cm tùy nơi, tùy chỗ. Bình quân 1,34cm/năm. Biến đổi khí hậu làm mực nước biển Đông dâng lên chỉ có 1 - 2cm, trong khi nền móng toàn TP.HCM đã bị sụt lún lớn như vậy. Rõ ràng là sự gia tăng ngập khi triều cường là do con người gây ra. Nói cách khác “Trong khoảng 30 năm tới, triều cường năm sau cao hơn năm trước chủ yếu là do sụt lún thành phố gây ra, phần rất nhỏ là do biến đổi khí hậu”.

Thứ ba, đó là việc không quản lý xây dựng đô thị theo bản đồ độ cao quy chuẩn. Cơ quan quản lý xây dựng cần cấp phép và theo dõi, giám sát độ cao các nền nhà, nền công trình, độ cao các đáy cống thoát nước. Các độ cao này phải thấp dần đều từ trung tâm ra đến bờ sông hay kênh rạch, để nước thải và nước mưa tự chảy, tự tiêu thoát ra sông, kênh, rạch. Trong thoát nước, chống ngập mà phải thường trực dùng bơm công suất lớn để tiêu thoát nước là không khoa học.

Hiện nay khá phổ biến là chủ đầu tư các công trình, các tòa nhà tự do, tùy thích xây độ cao nền nhà và độ cao đáy cống thoát nước của mình. Kết quả là toàn thành phố nói chung, nhiều nơi, nhiều chỗ khớp nối các cống thoát nước có độ cao đáy khác nhau, khấp khểnh, so le nhau. Nước thải sinh hoạt đã bị ứ đọng, chỉ cần bồi thêm những cơn mưa vừa phải sẽ gây úng ngập là lẽ đương nhiên. Ngay đến Hà Nội không hề biết đến triều cường; mực nước sông Hồng 30 năm qua đều rất thấp, thế mà nhiều khu đô thị mới, nhiều con đường, đại lộ mới hoành tráng ở Hà Nội cứ mưa to là ngập, đủ để chứng minh là “Hệ thống thoát nước quá yếu kém”.

Thứ tư, đó là hệ thống cống thoát nước cũ nát, nhỏ bé, đứt gẫy là nguyên nhân quan trọng gây úng ngập cục bộ. Phần lớn chúng ta thường quan tâm đến xây nhà, trang điểm mặt tiền, nội thất bên trong, ít người quan tâm đến xây cống. Nhiều nơi chỉ đơn giản xẻ rãnh cho nước chảy về “xuôi” nếu có ứ đọng phía xa đâu đó cũng mặc kệ, không cần biết. Không ai quan tâm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng cống thoát. Chúng ta không coi hệ thống cống, rãnh, kênh, rạch thoát nước là một hợp phần của cuộc sống. Do vậy người dân không quan tâm, chăm sóc, gìn giữ cống. Hiện tượng sụt lún nền móng từ 20cm đến 50cm tùy nơi, tùy chỗ cũng góp phần làm đứt gãy các cống thoát nước.

Thứ năm, đó là hành vi xả thải tự do rác, đất, cát, gạch vụn v.v.. là nguyên nhân quan trọng gây ra các điểm úng ngập cục bộ cho dù trời có mưa vừa phải. Đất, cát, gạch vụn, rác đủ loại, quanh năm ngày tháng có ở khắp mọi nơi, mặt đường, mặt ngõ. Tất cả những rác này bị gió, mưa cuốn trôi đẩy vào hố ga, cống thoát nước gần nhất. Rác đọng trong hố ga, khi mưa to còn bị hút rất sâu vào trong lòng cống, làm tắc cống trầm trọng hơn.

Trong khoa học thoát nước có một qui luật quyết định hiệu quả của đường cống thoát “Lưu lượng nước thoát của toàn bộ đường cống được quyết định bởi đoạn yếu nhất của cống”. Vì vậy, chỉ cần một chỗ nào đó bị đứt gẫy hay bị rác, đất cát bịt kín đến 70% lòng ống, 30% lòng cống còn lại sẽ quyết định tổng lưu lượng thoát nước của toàn cống. Từ chỗ tắc ngược lên mặt đường là ngập ứ nước. Từ chỗ tắc xuôi về cuối đến đầu xả, nước chỉ chiếm 30% lòng cống.

5 nguyên nhân trên gây ngập úng cục bộ đích thực là do con người gây ra. Nhưng không thể qui tội cho cả triệu người dân được. Đúng ra các cơ quan quản lý phải nhận lỗi về mình.

Thứ sáu, đó là do hai dự án xử lý nước thải (XLNT) gây ra: Nhà máy XLNT đặt tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và nhà máy XLNT đặt tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2. Vì khi chưa có dự án, nước mưa với nước thải cho lưu vực Quận 1, 3, 5 và một phần Quận 10 được thoát và đổ thẳng vào rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ và kênh Tàu Hũ rộng lớn để tiêu thoát vào sông Sài Gòn. Khi có dự án, mọi nước mưa, nước thải nói trên được thu gom vào tuyến cống ngầm đường kính từ 2,5 – 3,0m, dài 6,6km chạy dọc đường Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Trần Hưng Đạo – Trần Tuấn Khải – và đi ngầm xuống qua kênh Tàu Hủ, qua khu Đồng Diều, P.5, Q.8 đưa về nhà máy XLNT.

Chẳng cần khoa học, một người dân thông thường có thể kết luận ngay là thoát nước vào tuyến cống ngầm như vậy không thể bằng kênh, rạch rộng đến 30m – 40m, hay vào sông. Mưa lớn, cống ngầm thoát không kịp đương nhiên nước sẽ ứ đọng tại các mặt đường, mặt phố, mặt ngõ. Có khi có bi hài là mưa lớn vào lúc triều lui, đường phố thì ngập nước, người dân phải lội bì bõm mặt đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, nhưng ra đến kênh Tàu Hũ thấy phơi đáy!

Tương tự đối với nhà máy XLNT đặt tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vì tuyến cống ngầm đường kính 3m sâu dưới kênh, dài 8km dẫn tất cả nước mưa với nước thải của các khu dân cư thuộc lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về nhà máy XLNT. Như vậy trong suốt đời dự án XLNT, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ bị “thất nghiệp”, “nằm chơi, ghen tỵ” với tuyến cống ngầm bên dưới làm không hết việc, và “buồn đau” khi thấy mặt đường phố, ngõ, ngách bị ngập khi có mưa lớn. Rõ ràng là việc XLNT bị trả giá bằng các con kênh bị “thất nghiệp” phơi đáy và gia tăng ngập úng đô thị khi mưa lớn.

Lỗi này, trách nhiệm này không phải do người dân gây ra, hoàn toàn do chủ đầu tư hai dự án XLNT nói trên. Chính xác là do cơ quan quản lý Nhà nước liên quan gây ra. Có cách làm tốt hơn trong việc XLNT, bảo vệ môi trường nếu họ chịu khó nghiên cứu, cầu thị và lắng nghe.

Xin cảm ơn ông!

TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
(Ngày Nay) - Sáng 2/1, trong không khí vui tươi của ngày đầu năm mới, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao Quyết định phong hàm Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho các đồng chí cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao được phong hàm Đại sứ năm 2024.
Đoạn phim hướng đến giới trẻ - độ tuổi dễ bị chi phối bởi những nội dung giải trí.
"Lướt đến lúc" – Hồi chuông thức tỉnh Gen Z giữa kỷ nguyên nội dung ngắn
(Ngày Nay) - Phim ngắn “Lướt Đến Lúc” là sản phẩm truyền thông do nhóm sinh viên thuộc lớp Ảnh Báo Chí K44 thuộc Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền thực hiện, tác phẩm lấy cảm hứng từ thực trạng cuộc sống khi con người bị lôi cuốn, thu hút bởi những nội dung ngắn (shorts, reels,..) trên các nền tảng mạng xã hội.
Nguyễn Thị Oanh tiếp tục phá kỷ lục tại Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025
Nguyễn Thị Oanh tiếp tục phá kỷ lục tại Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025
(Ngày Nay) - Ngày 1/1, tại hồ Hoàn Kiếm và hồ Thiền Quang đã diễn ra Giải bán marathon quốc tế Việt Nam 2025. Giải chạy năm nay tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng của kỷ lục gia Nguyễn Thị Oanh. Với thông số 1 giờ 13 phút 22 giây, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỷ lục mới, bỏ xa kỷ lục cũ của cô tới gần 2 phút.
Du khách quốc tế tới Brazil năm 2024 đạt kỷ lục
Du khách quốc tế tới Brazil năm 2024 đạt kỷ lục
(Ngày Nay) - Ngày 2/1, Bộ trưởng Du lịch Brazil, Celso Sabino, cho biết nước này đã đón hơn 6,6 triệu du khách quốc tế trong năm 2024, đạt mức kỷ lục trong lịch sử, với tổng doanh thu 6,62 tỷ USD.
Bóng cười - quả bóng bơm khí N2O đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Cấm thuốc lá điện tử, bóng cười từ hôm nay
(Ngày Nay) - Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, bóng cười... Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thuốc lá điện tử, bóng cười đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.