Động vật và thực vật
Thực vật và động vật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của thiên nhiên, từ việc tuần hoàn chất dinh dưỡng trong hệ sinh thái đến việc làm thoáng khí đất và điều chỉnh dòng chảy của các con sông. Nếu không có động, thực vật, thế giới không thể là nơi cho con người sinh sống.
Tuy nhiên, theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), hơn 1/4 số loài được biết đến trên thế giới, tương đương khoảng 45.300 loài, đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm cá heo vaquita ở Mexico, tê giác trắng phương Bắc ở châu Phi và sói đỏ ở Mỹ. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), số lượng động vật hoang dã được theo dõi giảm 73% trên toàn cầu vào năm 2020 so với số liệu năm 1970.
Rừng
Rừng là ngôi nhà chung của nhiều loài thực vật và động vật trong bất kỳ hệ sinh thái nào, trong đó có 68% loài động vật có vú.
Năm 2021, hơn 100 quốc gia đã cam kết ngừng phá rừng và suy thoái rừng vào năm 2030. Tuy nhiên, tính đến năm 2023, diện tích rừng bị phá đã cao hơn 45% so với mức cần thiết để đạt được mục tiêu 2030. Mặc dù tỷ lệ phá rừng ở Amazon (Brazil) đã giảm, nhưng lại tăng ở Bolivia, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Các nhà khoa học cũng lo ngại về sự suy thoái rừng, các vụ cháy, khai thác gỗ và các kiểu phá hoại khác làm hư hại rừng. Hiện tại, mục tiêu chấm dứt suy thoái rừng đang chậm hơn 20% so với kế hoạch.
Đánh bắt thủy, hải sản
Theo Nền tảng khoa học - chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), ngành đánh bắt là nguyên nhân hàng đầu tàn phá các loài sinh vật biển.
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), hơn 40 quốc gia, với tổng dân số 3,2 tỷ người, phụ thuộc vào hải sản cho ít nhất 20% protein dinh dưỡng. Khoảng 38% nguồn cá đang bị khai thác quá mức, so với khoảng 10% vào giữa những năm 1970. WWF cho biết việc đánh bắt quá mức cũng làm mất ổn định các hệ sinh thái san hô, nơi cung cấp chỗ trú ẩn, thức ăn và khu vực sinh sản cho 1/4 số loài sinh vật biển trên thế giới.
Năm nay là lần thứ tư thế giới chứng kiến thảm họa tẩy trắng san hô hàng loạt, hơn một nửa diện tích rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ biển cao.
Nông nghiệp
Theo WWF, nông nghiệp là nguyên nhân gây ra khoảng 90% sự phá rừng nhiệt đới, khi các khu rừng bị thế chỗ bởi các trang trại đậu nành, trang trại chăn nuôi gia súc, đồn điền dầu cọ và các sản xuất hàng hóa quy mô lớn khác. Theo Ngân hàng Thế giới, các chính phủ chi ít nhất 635 tỷ USD mỗi năm trợ cấp nông nghiệp có hại cho môi trường, và có thể lên tới hàng triệu tỷ USD cho các khoản trợ cấp gián tiếp.
Các quốc gia đã đồng ý tại COP15 vào năm 2022 để xác định các khoản trợ cấp có hại trước năm 2025 và cắt giảm ít nhất 500 triệu USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2030. Các nhà bảo vệ môi trường cũng đã kêu gọi các ngân hàng ngừng cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực hàng hóa liên quan đến phá rừng.
Tác động kinh tế
Dù là côn trùng thụ phấn cho cây trồng, thực vật lọc nước ngọt, hay rừng cung cấp gỗ cho xây dựng, thiên nhiên và các sinh vật cung cấp miễn phí một lượng lớn tài nguyên và dịch vụ cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 44 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới (khoảng một nửa tổng sản phẩm, hoặc gần một nửa tổng sản lượng, phụ thuộc vào các tài nguyên và dịch vụ tự nhiên này), trong đó 2,1 nghìn tỷ USD ở Mỹ, 2,4 nghìn tỷ USD ở Liên minh châu Âu và 2,7 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới ước tính sự sụp đổ của một số dịch vụ hệ sinh thái, như ngành thủy sản hoặc rừng bản địa, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2030, tương đương khoảng 2,3% tổng sản lượng toàn cầu.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính chi tiêu cho thiên nhiên cần tăng lên 542 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2030, từ mức 200 tỷ USD vào năm 2022, để ngăn chặn sự mất mát của thiên nhiên và đạt được các mục tiêu khí hậu.