Thưa ông, ông có thể cho biết tại sao năm nay Cục NTBD chủ động gửi văn bản hướng dẫn VFC gửi Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và kịch bản nội dung chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2015?
Sở dĩ năm nay, Cục NTBD chủ động gửi văn bản hướng dẫn VFC gửi Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và kịch bản nội dung chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2015” trong trường hợp tổ chức ngoài trụ sở cơ quan truyền hình là để tránh trường hợp xảy ra sự việc rắc rối như chương trình Táo quân 2014.
Ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng quản lý biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) |
Từ năm 2013 trở về trước, chương trình “Gặp nhau cuối năm - Táo quân” đều được VFC ghi hình tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, nhưng Cục NTBD không can thiệp vì chưa có nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”.
Nhưng từ năm 2013, khi nghị định 79 có hiệu lực thi hành thì Cục NTBD phải có trách nhiệm quản lý nếu chương trình Táo quân được ghi hình ngoài trụ sở Đài truyền hình Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm, trước khi diễn ra chương trình Táo quân 2014, Cục NTBD phải phối hợp với Thanh tra Bộ VH-TT&DL vào cuộc làm việc thì VFC mới gửi hồ sơ xin cấp phép theo quy định của pháp luật. Vì thế, năm nay để nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn VFC thì Cục NTBD chủ động có văn bản ngày 13-1.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát ngôn trên báo chí rằng, VFC và Cục NTBD không có mối liên đới nào để Cục NTBD yêu cầu VFC phải gửi đơn xin phép và kịch bản chương trình Táo quân? Ý kiến này có xác đáng không, thưa ông?
VFC cũng chỉ là một đơn vị sự nghiệp thực hiện các chương trình sản xuất phim, hoạt động truyền hình cũng như tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, được sự quản lý của Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Nên những chương trình thực hiện ngoài trụ sở thì cần phải nộp hồ sơ xin giấy phép của Cục NTBD theo đúng quy định của nghị định 79.
Còn tất nhiên với những chương trình được thực hiện trong trụ sở của Đài truyền hình Việt Nam thì tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Cục NTBD sẽ không can thiệp, kể cả khi chương trình được bán hoặc phát vé cho khán giả đến xem.
Với vai trò là cơ quan quản lý về nghệ thuật biểu diễn, Cục NTBD vẫn phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan để quản lý, theo dõi về việc thực hiện chương trình theo đúng quy định của pháp luật. Nếu chương trình có những nội dung chưa hoàn thiện thì Cục NTBD sẽ góp ý chương trình hay hơn, hoàn thiện hơn. Và nếu phát hiện điều gì chưa đúng quy định của pháp luật thì Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chấn chỉnh kịp thời.
Thưa ông, nếu Táo quân 2015 sử dụng lời hát chế mà chưa được sự đồng ý của tác giả sáng tác bài hát gốc thì có phải là hành vi vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan đã được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ?
Mặc dù từ trước đến nay, những tác giả bài hát gốc chưa lên tiếng về sự vi phạm này thì Cục NTBD vẫn phải có trách nhiệm nhắc nhở các đơn vị tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền tác giả được thực thi đầy đủ, đúng pháp luật.
Còn việc chương trình đề cập đến những vấn đề gì thì tổng đạo diễn, ban biên tập sẽ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi không can thiệp vào việc đó. Nhưng chúng tôi sẽ giám sát xem việc thực hiện đó có đúng quy định pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc hay không.