“Tôi cũng muốn báo cáo với ông bà rằng đầu tháng vừa rồi Quang Anh đã nhận được bằng tiến sỹ ở Paris, tại trường đại học Ecole Centrale Paris nơi mà 80 năm trước bác Bửu (Tạ Quang Bửu – bác ruột của TS Tạ Quang Ngọc) đã từng theo học…”, đó là đoạn trích từ bài viết của TS Tạ Quang Ngọc, Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản, trong ngày giỗ lần thứ 12 của cha mình là cố nhà báo Tạ Quang Đạm (cách đây 3 năm vào tháng 12 năm 2011).
Quang Anh chính là Tạ Quang Anh sinh năm 1982, con trai thứ hai của TS Tạ Quang Ngọc (con trai đầu của ông là Tạ Quang Thành sinh năm 1974, hiện là cán bộ hải quan). Ngay từ những ngày học phổ thông Quang Anh đã được chọn vào chuyên lý đại học tổng hợp Hà Nội. Thi đại học, Tạ Quang Anh đỗ vào lớp chất lượng cao ngành cầu đường Đại học Xây dựng. Hiện nay vợ chồng Quang Anh đang sống và làm việc tại Pháp với hai người con (5 tuổi và 2 tuổi, hai cháu nội của Cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc).
Nhà báo Thanh Châu, nhiều năm công tác ở báo Phụ Nữ Việt Nam, vợ Cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, người mà tôi quen biết nói rằng hai đứa con trai của bà tính tình gần như trái ngược nhau. Hiểu được tính tình của các con chính là cách để từ đó nuôi dạy con nên người.
Cậu cả Quang Thành tính tình ngay thẳng, từ nhỏ đã ham hiểu biết, có trí nhớ tốt như ông nội, nghịch và cũng ham chơi. Cậu em Quang Anh khiêm tốn, chăm chỉ, đặc biệt từ nhỏ đã sống rất có kỷ luật, biết nhường nhịn mọi người …. “Hệt như anh Ngọc nhà tôi”, Thanh Châu bảo. “Những năm 80, Quang Anh còn nhỏ, bố mẹ đi làm về muộn, Quang Thành được phân công đỡ đần việc nhà, việc gì cháu cũng làm tròn. Chuyện Quang Thành chăm sóc một đàn gà gần 20 con đẻ thường xuyên trong chiếc chuồng treo ở góc sân nhỏ kề ngay cửa sổ quay lưng vào khu tập thể. Để không ảnh hưởng đến hàng xóm, Thành luôn quét dọn, làm vệ sinh sạch sẽ, được bà hàng xóm khen và thưởng bánh kẹo. Quang Thành không nề hà việc gì, thái rau, cho gà ăn, rửa lá su hào, trộn cám … Có hôm, nhìn con ngồi say sưa nhặt từng quả trứng gà chất đầy một rổ, gương mặt rạng rỡ tôi rất vui …”, Thanh Châu tâm sự.
Tôi bỗng nhớ một hồi ức của TS Tạ Quang Ngọc về bố mẹ mình được ông ghi lại trong bài viết gửi cho tôi: “Một hôm, bố tôi hỏi tôi chỗ mua phong bì. Tôi định đi mua nhưng ông bảo để ông đi. Bố tôi luôn tự tay làm lấy mọi việc, dù nhỏ, dù to, và thật vui khi làm xong việc đó. Ông mang về một tập phong bì và tôi thấy gương mặt mẹ tôi rạng rỡ. Hôm đó là 27, 28 tết gì đó. Sáng hôm sau tôi mới biết mỗi phong bì bố mẹ tôi bỏ vào 50 ngàn đồng để sáng mồng một mừng tuổi cho các cháu …”.
|
Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc. |
Truyền thống dạy con nếp nhà, dạy con cháu bằng tấm gương hàng ngày của chính những bậc làm cha làm mẹ, tự tay làm lấy mọi việc dù nhỏ, dù to và làm mọi việc với niềm vui vì người khác đã được vợ chồng Cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc truyền lại cho các con.
Nhà báo Thanh Châu kể, những lần báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức cho gia đình cán bộ phóng viên đi tham quan, nghỉ mát, bà thường cho Quang Anh đi cùng. Mọi người trong đoàn đều khen Quang Anh tuổi còn nhỏ mà đã rất ý tứ. Lên xe, Quang Anh tìm ghế sau cùng để ngồi, xuống xe, Quang Anh xách đồ đạc của mình và xách thêm cho người khác. “Nhà tôi dạy cháu hết”, nhà báoThanh Châu bảo tôi như vậy.
Tâm sự với tôi việc dạy con, TS Tạ Quang Ngọc, Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản nói rằng: “Khi làm việc gì ta cũng nghĩ đến cha mẹ thì các con mình sau này làm gì cũng sẽ nghĩ đến bố mẹ. Bố mẹ luôn phải là tấm gương cho các con. Tôi đã từng thấy mẹ tôi tự tay chẻ củi, nấu cơm, lau chùi bàn ghế. Mẹ tôi chưa bao giờ biết đến thế nào là cái điều hòa nhiệt độ. Bạn bè của bố tôi đến nhà, bao giờ bà cũng tiếp đón niềm nở, mời mọi người “ăn ba hột cơm” như mẹ tôi thường nói. Bà luôn dạy chúng tôi phải tìm niềm vui của mình trong niềm vui của người khác. Tôi thật sự thấm thía câu “Phúc đức tại mẫu”…
Bố mẹ tôi luôn dạy chúng tôi và bây giờ tôi dạy lại các con mình là phải sống trung thực, không bao giờ nghĩ xấu về người khác, phải tìm thấy cái hay, cái đẹp trong người khác, phải biết cách sống nhân ái, bao dung. Bố mẹ phải làm gương cho các con bằng chính cách sống, bằng chính hành động của mình chứ không phải bằng lời nói. Bọn trẻ bây giờ cũng tinh lắm, không tin vào lời nói suông đâu mà phải bằng hành động cụ thể hàng ngày. Tôi nghĩ rằng cuộc sống như một dòng chảy, đối với mỗi đời người có những việc không đến lúc này thì đến lúc khác, nhưng có những việc chỉ đến có một lần. Những việc chỉ đến có một lần nếu là tốt và tạo được bước ngoặt cho tương lai thì kiên quyết và nỗ lực làm cho bằng được, cho đúng lúc. Nếu việc có hại thì cũng phải tránh, phải vượt qua cho kỳ được, đó là đòi hỏi sự quyết đoán của con người, là nguyên tắc. Những việc không làm lúc này thì làm lúc khác thì sự lựa chọn cần uyển chuyển hơn vừa được việc vừa có cuộc sống hài hòa, sinh động…
|
Gia đình Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc. |
Cái nghịch lý của cuộc đời là một bên nguyên tắc, quyết đoán và bên kia là sự uyển chuyển lại đặt không đúng chỗ. Tránh nghịch lý này là một trong những nguyên tắc lớn nhất trong việc định hướng cho con cái thông qua những việc cụ thể từ thuở đầu đời… Dạy con cái thì quan trọng nhất là cha mẹ phải làm gương, như thời hiện nay, định hướng một cách dân chủ không áp đặt và quá cụ thể… Đó là kế tục “phụ giáo tử đăng khoa”. Vợ chồng tôi luôn tôn trọng ở sự lựa chọn của các con, không bảo con phải chọn nghề này nghề khác. Nghề nào cũng có cái hay, cái dở. Nghề nào cũng có thể tìm thấy những vinh quang trong đó và cũng có thể gặp phải sự thất bại trong đó. Điều quan trọng là cách sống, cách ứng xử, là nhân cách của con người. Vợ chồng tôi luôn hướng cho các con, các cháu giữ gìn truyền thống mà ông bà, tổ tiên mình đã gây dựng nên qua nhiều thế hệ…”.
Trong nhiều bài viết về nho giáo, cố học giả Tạ Quang Đạm đã phân tích kỹ lưỡng những tác dụng trong việc giáo dục con người nói chung và việc giáo dục con cháu trong gia đình của tư tưởng nho gia. “Con người nho giáo thuở trước và con người Việt Nam hiện nay” là bài viết của ông mà tôi thích nhất. Tôi có cảm tưởng truyền thống danh nho nhiều đời của dòng họ Tạ Quang được thấm nhuần qua cách sống, cách nghĩ, cách đối nhân xử thế, cách thức nuôi dạy con, cháu, của nhiều thế hệ trong dòng tộc cũng như của chính TS Tạ Quang Ngọc, dù ông làm luận án cao học ở Bungari, là người “ Tây học”.
TS Tạ Quang Ngọc sinh ngày 15 tháng 11 năm 1944 tại Thiệu Hóa Thanh Hóa (quê gốc ở Nam Đàn, Nghệ An) trong một gia đình nhiều đời khoa bảng. Bố ông là cố học giả, nhà báo Quang Đạm, bác ruột của ông là nhà khoa học nổi tiếng Tạ Quang Bửu. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam, ủy viên TƯ Đảng hai khóa (8 và 9). Sau khi nghỉ hưu, ông đảm đương chức phó chủ tịch hội sinh vật cảnh Việt Nam, chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan; chủ tịch liên đoàn Điền kinh Việt Nam; chủ tịch Hội KHKT Điện lạnh và điều hòa không khí Việt Nam.
Tuy quen biết ông đã lâu nhưng nay mới có dịp trò chuyện với ông tại nhà riêng ở phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Câu chuyện về nuôi dạy con của ông có nhiều nét giống với cách thức dạy dỗ con cháu của ông bà tôi, cả cách gọi bố mẹ là cậu mợ. Tôi nghĩ, coi trọng truyền thống gia đình, coi trọng cái mà người xưa gọi là gia giáo, chính là cọi trọng đạo lý ngàn đời của người Việt Nam ta, điều mà ngày nay đang có nguy cơ bị phá vỡ.