Việt Nam được cảnh báo là 1 trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm.
Giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa.
Lá chuối đi vào siêu thị
Bắt đầu từ tháng 4/2019, các siêu thị Big C Hà Nội chính thức áp dụng bao gói rau bằng lá chuối đối với các sản phẩm cần tây, măng tây xanh, rau ngò, rau húng, rau diếp cá, rau răm, rau thơm, thì là. Các siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam, từ ngày 3/4, sản phẩm rau dớn rừng của dự án Sinh kế cộng đồng hỗ trợ nông dân huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi cũng sẽ được bọc lá chuối thay cho túi nilion.
Siêu thị BigC đã chính thức áp dụng bao gói rau bằng lá chuối đối với một số mặt hàng nông sản. |
Chiến dịch Earth Day Compostable (Giảm thiểu sử dụng túi nilon và thay thế bằng túi bột ngô) triển khai theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 28-30/3/2019 nhân sự kiện Giờ Trái Đất; Đợt 2 từ ngày 20-22/4/2019 nhân sự kiện Ngày Trái Đất cũng được đón nhận nhiệt tình.
Trong 3 ngày đầu diễn ra Đợt 1, đã có gần 60 siêu thị, nhà hàng, khu dân cư cùng tham gia chiến dịch như: Hệ thống siêu thị AEON, Big C, Intimex, L’s place, Seika, Unik Mart, V+ Hòa Bình, Teekiu, Khu dân cư Ecopark… Cũng thông qua chiến dịch, hàng tấn túi nilon đã được cắt giảm và thay thế bằng túi vi sinh phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột ngô AnEco.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết từ tháng 5/2019 hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước sẽ hoàn toàn ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa thay bằng ống hút giấy, ống hút gạo thân thiện với môi trường.
Không chỉ loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa ra khỏi quầy kệ trong khu tự chọn của các siêu thị, ông Đức cho hay Saigon Co.op cũng chủ động loại bỏ các loại ống hút nhựa đính kèm cùng các sản phẩm hàng nhãn riêng, đồng thời cũng có thông báo yêu cầu các gian hàng thuê mặt bằng trong khu tự doanh hạn chế tối đa sử dụng ống hút nhựa.
Tương tự, tập đoàn điện tử Asanzo đã tiên phong thay thế toàn bộ bao bì bọc trong các sản phẩm từ nilon sang giấy tái chế thân thiện với môi trường. Các sản phẩm dùng trong giấy gói mới sẽ được tung ra thị trường giữa tháng 4/2019.
Túi nilon được khách hàng sử dụng nhiều vì tiện lợi nhưng tác hại lớn với môi trường sau này. |
30 tỷ túi nilon thải bỏ mỗi năm
Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, túi nilon chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần chất thải nhựa. Ước tính, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, nhưng chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa tại Việt Nam tăng khoảng 15 - 20% mỗi năm (trung bình khoảng 41kg/người/năm). Điều này sẽ khiến cho khối lượng rác thải nhựa thải ra môi trường sẽ ngày càng lớn, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây ra những hậu quả lớn cho môi trường.
Tại Hội thảo “Đầu tư xử lý chất thải nhựa Việt Nam, cơ hội và thách thức” vừa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân khẳng định, tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng chính là ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, hiện nay, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn.
Cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, bên cạnh một số nhà máy sản xuất quy mô trung bình rải rác ở một vài địa phương, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu, chủ yếu tập trung tại các làng nghề nên hiệu quả thấp, giá thành rẻ, chất lượng không cao. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ tái chế nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu nên hoạt động tái chế nhựa thường gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.
Một số siêu thị khuyến khích dùng túi đựng bằng chất liệu Cotton 100%. |
Hình thành thói quen tiêu dùng xanh
Ông Nguyễn Thế Chinh cho rằng, để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt là túi nilon sử dụng một lần ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải túi nilon khó phân hủy; phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi nilon sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi nilon thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại đối với môi trường của túi nilon sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng xanh.
Theo TS Michael Parsons, Tư vấn Chính sách của Bộ TN&MT, giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa. Ngoài ra, việc tái chế nhựa tiêu thụ ít hơn 88% năng lượng so với làm mới.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng chính là ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, lĩnh vực tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.
Ở lĩnh vực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho biết: Quỹ Bảo vệ Môi trường luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án...