Theo ghi nhận tại hiện trường, những người biểu tình đã sử dụng xe đẩy để vượt qua lối vào, mở những cánh cửa kim loại mở và chiếm tòa nhà chính quyền. Họ dựng rào chắn và dùng ô làm lá chắn chống lại đạn hơi cay. Tuy nhiên đám đông đã phải rời bỏ khỏi hiện trường ngay trong đêm khi cảnh cát chống bạo động tiếp cận hiện trường.
Cuộc bao vây của những người biểu tình trong tòa nhà Hội đồng Lập pháp hoàn toàn khác so với một cuộc tuần hành ôn hòa chỉ cách một con phố, trong cùng một ngày, nơi hàng chục nghìn người Hong Kong kêu gọi chấm dứt luật dẫn độ.
Mục đích của người biểu tình đó là làm gián đoạn buổi lễ chào cờ nhằm kỷ niệm ngày 1/7 với sự có mặt của bà Carrie Lam.
Người biểu tình chiếm trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Ảnh: CNN |
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã lên án tình trạng bạo lực trong một cuộc họp báo sáng sớm hôm thứ Ba và cam kết sẽ có hành động pháp lý cần thiết.
"Chúng ta đã thấy hai cảnh tượng hoàn toàn trái ngược nhau: Một là một cuộc diễu hành ôn hòa, một là một cảnh tượng hết sức đau lòng, gây sốc và vi phạm pháp luật", bà Lam nói.
"Không có gì quan trọng hơn luật pháp ở Hong Kong", đặc khu trưởng nhấn mạnh.
Chỉ vài giờ trước đó, hàng trăm thanh niên đã chiếm tòa nhà Hội đồng Lập pháp trong nhiều giờ. Họ lục lọi bàn và tủ hồ sơ và đập phá tài sản bên trong tòa nhà. Những người này giơ cao biểu ngữ màu đen với dòng chữ: "Không còn cách nào khác", đặt ra một thách thức mở cho Trung Quốc và chính quyền Hong Kong.
Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát đã bắn hơi cay và dùng dùi cui để giải tán đám đông này. Tổng cộng 13 cảnh sát đã phải nhập viện sau khi đụng độ với người biểu tình, Ủy viên Cảnh sát Lo Wai-chung cho biết hôm thứ Ba.
"Hong Kong là một xã hội an toàn và không chấp nhận bạo lực. Cảnh sát không có lựa chọn nào khác ngoài rút lui trong giây lát", ông Lo cho biết.
Cảnh sát đã chiếm lại được tòa nhà vào nửa đêm. Ảnh: CNN |
Ngày 1/7 vừa qua kỷ niệm 22 năm Hong Kong được trao trả trở lại cho Trung Quốc. Năm nay, tình hình tại đây trở nên "nóng" hơn khi chính quyền đặc khu thông qua dự luật dẫn độ công dân Hong Kong tới đại lục.
Sau làn sóng tuần hành phản đối với sự tham gia của hàng triệu người, dự luật dẫn độ đã bị gác lại. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn chưa dừng lại, dư luận Hong Kong bị chia rẽ thành hai phe ủng hộ và phản đối biểu tình.
Đặc khu trưởng Lam cho biết sẽ không tái khởi động dự luật cho đến hết năm nay và chính thức lên tiếng xin lỗi người dân - một động thái chưa từng có tiền lệ trước đây.
Yêu cầu của những người biểu tình bao gồm rút toàn bộ dự luật dẫn độ và quyền bầu cử phổ thông để người dân có quyền bỏ phiếu cho vị trí đặc khu trưởng và hội đồng lập pháp của Hong Kong.
Trong bài phát biểu tại lễ chào cờ hôm thứ Hai, bà Lam hứa sẽ "giảm bớt lo lắng trong cộng đồng và mở đường cho Hong Kong".
Những người tham gia bạo động phần lớn là các nam thanh niên. Ảnh: CNN |
Nhiều người coi dự luật dẫn độ làm xói mòn các quyền tự do của họ theo mô hình "Một quốc gia, hai hệ thống", được tạo ra trong thời gian Hong Kong chuyển từ Anh về Trung Quốc vào năm 1997. Thành phố này kể từ đó duy trì hệ thống luật pháp độc lập và riêng biệt với Trung Quốc đại lục.
Bắc Kinh hôm thứ Hai nói rằng phía Vương quốc Anh không có trách nhiệm đối với cựu thuộc địa và phải ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết vào hôm Chủ nhật rằng Hong Kong phải duy trì "mức độ tự chủ cao".
Mặc cho sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, bà Carrie Lam đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ mọi phía vì cách xử lý khủng hoảng.
Đặc khu trưởng nói rằng dự luật là ý tưởng của mình, không phải của Bắc Kinh và bà đã phải chịu trách nhiệm cho việc triển khai vội vã và không ghi nhận ý kiến phản hồi của công chúng về dự luật.
Ngay cả phần lớn cộng đồng doanh nhân của thành phố, theo truyền thống bảo thủ và không muốn tham gia vào chính trị, cũng đã phản đối dự luật do lo ngại công việc kinh doanh có thể bị ảnh hưởng bởi luật dẫn độ.
Giờ đây, bà Lam không chỉ phải đối mặt với các cuộc biểu tình tiếp tục chống lại dự luật và yêu cầu bà từ chức, mà còn là viễn cảnh người dân Hong Kong kêu gọi quyền bầu cử phổ thông.
Một lý do quan trọng khiến Bắc Kinh rất muốn giữ bà Lam tại vị, ngay cả khi bà muốn từ chức, đó là yêu cầu cần phải có một người thay thế vị trí Đặc khu trưởng trong vòng 6 tháng. Việc bà Lam đột ngộ rời bỏ vị trí Đặc khu trưởng khiến phía Bắc Kinh khó đảm bảo có được một ủy ban bầu cử có xu hướng "thân đại lục".
Các chuyên gia hiện vẫn đang tập trung chờ đợi các phản ứng từ phía chính phủ Trung Quốc trước tình trạng bất ổn tại Hong Kong.