UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.
Rõ ràng mục tiêu của chương trình là rất nhân văn, hướng tới học sinh nhưng trong quá trình triển khai, nhiều phụ huynh không muốn đăng ký cho con mình với lý do lo ngại chất lượng sữa, hãng sữa và hạn sử dụng của những hộp sữa đến tay con trẻ.
Hơn nữa, nhiều phụ huynh phản ánh lại rằng họ bị giáo viên nài nỉ, thậm chí là ép buộc đăng ký tham gia vì thành tích lớp. Nếu không đăng ký thì bị mời lên để… nói chuyện lại.
Nói về điều này, PGS.TS Bùi Thị An (Nguyên Đại biểu Quốc hội) cho rằng, mục tiêu của đề án là tốt khi muốn tăng cường thể lực học sinh, thể lực có tốt thì mới có thể tiếp thu về mặt trí tuệ. Trong quá trình thực hiện một số nơi cũng đạt được kết quả tốt và cũng phải nhìn nhận rằng nhờ chương trình này mà thể lực của các cháu tăng lên – đó là mặt tốt cần ghi nhận.
Tuy nhiên trong thực tế vừa rồi có một số hiện tượng cho thấy chất lượng sữa không tốt, chưa được đảm bảo dẫn đến ngộ độc xảy ra ở một số địa phương. Đáng ra với mục tiêu rất tốt là nâng cao thể lực lại làm sức khỏe của trẻ em giảm đi. Có nhiều công ty sữa nhưng không phải công ty nào cũng có chất lượng tốt.
Một vụ ngộ độc sữa từng xảy ra tại Hậu Giang khiến hàng trăm học sinh tiểu học phải nhập viện hồi tháng 10/2017 |
Bà An cho rằng, cơ địa của từng em và khả năng hấp thụ sẽ khác nhau nên sữa có thể tốt nhưng không phù hợp với tất cả trẻ em. Do đó có đăng ký cho con tham gia hay không là quyền của phụ huynh, không được ép buộc, không ai được vận động “tự nguyện”.
“Vấn đề này cũng nên tùy thuộc vào từng địa điểm, vùng địa lý, vùng nào khó khăn có điều kiện đi lại không thuận lợi thì nên ưu tiên, còn những nơi có điều kiện hơn thì để phụ huynh có quyền lựa chọn. Nói như vậy cũng phải hiểu rằng, kể cả những vùng khó khăn nên được ưu tiên hơn trong chương trình sữa thì sữa đến tay con trẻ cũng phải là loại sữa đảm bảo chất lượng” – bà An khẳng định.
Trong quá trình thực hiện phải chỉ đạo rõ ràng về chất lượng sữa được đưa vào học đường. Các cấp quản lý thật chặt vấn đề này đồng thời nhà trường cũng phải quản lý việc nhận và thực hiện chương trình sữa.
“Trong chương trình sữa học đường đề nghị tiêu chuẩn tối thiểu về thời hạn sử dụng là bao nhiêu tháng, tôi đề nghị kiểm tra lại tiêu chuẩn về thực phẩm chứ không thể để cho các em học sinh – những cơ thể còn non nớt phải nhận những lon sữa date ngắn hạn, không biết sẽ xảy ra chuyện gì” – bà An nói.
Vì đã có những nơi xảy ra tình trạng ngộ độc trong chương trình này nên đề nghị phải có chế tài xử lý, nhất là khi đối tượng bị thiệt hại là trẻ em. Bà An đề nghị nêu rõ danh tính người vi phạm và chế tài xử phạt để làm bài học, không để xảy ra tình trạng đưa sữa chất lượng kém vào trường học.