Để báo chí phát huy vai trò định hướng dư luận trong kỷ nguyên số hóa và bùng nổ mạng xã hội

[Ngày Nay] - Trong vòng hơn 1 thập niên gần đây, mạng xã hội xuất hiện bùng nổ trong kỷ nguyên số hóa đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống con người. Báo chí chịu tác động mạnh mẽ, đi kèm với cơ hội là các thách thức rất lớn trong hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện dựa trên nền tảng Internet. Để thích ứng với điều kiện mới, báo chí cần thay đổi để tồn tại, phát triển, bảo đảm đúng chức năng, vai trò cơ bản của mình, trong đó có việc góp phần định hướng dư luận xã hội…
Việc thông tin một cách kịp thời, khách quan, chân thật luôn cần thiết, phải được tôn trọng. Nếu báo chí vội vã chạy theo những thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng sẽ rất nguy hiểm.
Việc thông tin một cách kịp thời, khách quan, chân thật luôn cần thiết, phải được tôn trọng. Nếu báo chí vội vã chạy theo những thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng sẽ rất nguy hiểm.

Báo chí trước thách thức của mạng xã hội và sự chuyển hướng cần thiết

Mạng xã hội (Social Network) xuất hiện trên thế giới vào năm 2002, nhưng thực sự bùng nổ vào năm 2004, khi Facebook ra đời rồi lần lượt sau đó là Twitter, Instagram, Myspace, Orkut, Hi5, Friendster, Youtube, Google+... Với những tính năng vượt trội, mạng xã hội làm biến đổi sâu sắc đời sống con người. Khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, nhất là công nghệ số, thì mạng xã hội càng tăng thêm những ứng dụng hữu ích trong việc truyền tải thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau, như chữ viết, hình ảnh, giọng nói, video, thậm chí như một “đài truyền hình” cá nhân và có nhiều sự tương tác, phản hồi, bày tỏ quan điểm, chính kiến,… của những người tham gia. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có khả năng tích hợp các ứng dụng mở, các công cụ tương tác và tạo ra nguồn thông tin và lan truyền với tốc độ chóng mặt… Đáng chú ý, thông tin trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện ồ ạt, dày đặc, không dễ dàng kiểm chứng về tính đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu, xây dựng - chống phá,…

Trong môi trường bùng nổ mạng xã hội, vai trò đưa thông tin nhanh nhất của báo chí dần bị lấn lướt, bởi ngay cả một cơ quan báo chí lớn mạnh đến đâu cũng không thể đủ nhân lực bố trí phóng viên ở khắp mọi nơi. Thực tế, các sự kiện, vụ việc xảy ra bất ngờ, không thể dự báo trước, không nằm trong kế hoạch công tác, hầu hết đều do những người dùng mạng xã hội biết và đưa tin đầu tiên. Báo chí không còn độc quyền trong việc “săn tin”, chuyển tải thông tin, thậm chí bị thua thiệt và có độ trễ trước mạng xã hội, nơi mỗi chủ tài khoản đều có thể là người đưa tin một cách nhanh chóng, thậm chí trực tiếp.

Thực tế này khiến chức năng thông tin (chỉ xét riêng việc đưa tin tức thời sự) - chức năng quan trọng nhất của báo chí - bị ảnh hưởng, suy giảm đáng kể, ngay cả đối với báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình - những loại hình báo chí không phụ thuộc vào tính định kỳ của việc xuất bản, có thể đưa thông tin trực tiếp. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bùng nổ in-tơ-nét, hầu hết các cơ quan báo in đều xuất bản thêm trang thông tin điện tử, hoặc báo mạng điện tử để cập nhật tin nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là các thông tin chính thống, sự kiện mà người dân không thể tham dự, tiếp cận từ đầu nguồn. Vì vậy, nhiều cơ quan báo in đã thay đổi phương thức chuyển tải thông tin, không chú trọng đưa tin thời sự mà tập trung đầu tư cho các thể loại báo chí khác, như chính luận, điều tra, hay những phương thức tổ chức thông tin chuyên đề, chuyên sâu, chuyên biệt,...

Sự thay đổi trong cách thức tổ chức, chuyển tải thông tin khiến chức năng thông tin của báo chí có những thay đổi về nội hàm. Việc giải thích, phân tích, bình luận, định hướng thông tin được chú trọng hơn so với trước đây. Không chỉ có sự chuyển biến về nội dung thông tin, mà hình thức chuyển tải thông tin cũng được báo chí chú trọng, thay đổi để thích ứng với hệ sinh thái truyền thông mới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trong đó có cách mạng công nghệ 4.0) phát triển sâu rộng, tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới…Ngoài ra, còn phải nói đến sự phát triển mạnh mẽ của dạng thức thông tin đồ họa (infographics) với sự dụng công cả về nội dung thông tin lẫn hình ảnh, video, audio, dữ liệu,... cũng như sự phối kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các bộ phận khác nhau tại mỗi tòa soạn; vấn đề đầu tư cho việc tích hợp các thể loại, loại hình báo chí cho những tác phẩm báo chí, chương trình truyền hình, phát thanh công phu, chất lượng…

Để báo chí phát huy vai trò định hướng dư luận trong kỷ nguyên số hóa và bùng nổ mạng xã hội ảnh 1 Ngoài ra, còn phải nói đến sự phát triển mạnh mẽ của dạng thức thông tin đồ họa (infographics) với sự dụng công cả về nội dung thông tin lẫn hình ảnh, video, audio, dữ liệu,... cũng như sự phối kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các bộ phận khác nhau tại mỗi tòa soạn...

Trong thực tế, ngay cả các cơ quan báo mạng điện tử cũng chú trọng đến các hình thức thông tin tích hợp nhiều thể loại, loại hình báo chí này, với tên gọi “siêu tác phẩm báo chí”, hay những dạng bài được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, có nội dung chuyên sâu, góc nhìn mới lạ, trực diện, nhân văn, cá tính, được trình bày theo kiểu tạp chí, được gọi với những cái tên khác nhau, như Long-form, Mega Story, E-magazine… Đó chính là những tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, góp phần giúp báo chí bảo đảm đúng tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có chức năng định hướng bạn đọc đến với những thông tin bản chất, căn cốt - những thông tin sự thật, khách quan, mang tính xây dựng, đã được kiểm chứng…

Trước sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, báo chí chịu nhiều bất lợi, thua thiệt, nhưng vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn, đặc biệt trong việc truyền tải những thông tin chân xác, có ích, phục vụ lợi ích của số đông, của cộng đồng cũng như đất nước. Tóm lại, báo chí cần và phải định hướng thông tin bằng nhiều cách khác nhau để góp phần quan trọng giúp bạn đọc hiểu đúng, đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các vấn đề, sự kiện lớn đang diễn ra, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân…

Vài suy nghĩ về vai trò định hướng của báo chí

Trong suốt chiều dài 93 năm hình thành và phát triển (21/6/1925 - 21/6/2018), báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy được vai trò, vị trí quan trọng đối với xã hội, bám sát thực tiễn đời sống đất nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí luôn giữ được tính định hướng đúng đắn qua các thời kỳ trước mọi thuận lợi và khó khăn, thách thức. Hiện nay (theo thống kê vào đầu tháng 1-2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông), nước ta có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in; 67 đài phát thanh, truyền hình; 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép,… với đội ngũ hùng hậu gần 20.000 nhà báo được cấp thẻ. Đội ngũ báo chí hùng hậu, trải khắp các loại hình báo chí đang thể hiện tính tích cực trong việc định hướng dư luận xã hội, đặc biệt khi những thông tin độc hại, phản động nhằm xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo các cấp xuất hiện với tầm mức ngày càng lớn.

Thực tế, chỉ khi phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gần gũi, sâu sát đời sống của đông đảo nhân dân, báo chí mới có sức lay động, sự lan tỏa và có khả năng định hướng dư luận hiệu quả, kịp thời. Trong định hướng dư luận, báo chí luôn chú trọng định hướng về chính trị - điều cơ bản, cốt lõi nhất của báo chí cách mạng. Báo chí góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…Báo chí định hướng để tạo ra sự đồng thuận trong lòng dân, trong xã hội, nhân lên sức mạnh để chiến thắng cái xấu, tạo những xung lực mới mẻ, tươi tắn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Trong môi trường bùng nổ mạng xã hội hiện nay, thông tin độc hại, giả mạo (fake news), thiếu kiểm chứng, vì mục đích xuyên tạc, phá hoại, chống đối,… xuất hiện ngày càng dày dặc, liên tục. Như trên đã phân tích, chức năng thông tin của báo chí trong giai đoạn hiện nay đã có những biến đổi nhất định. Việc thông tin một cách kịp thời, khách quan, chân thật luôn cần thiết, phải được tôn trọng. Nếu báo chí vội vã chạy theo những thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng sẽ rất nguy hiểm. Sự lắng đọng để sàng lọc, phân tích, kiểm chứng nguồn tin rồi phân loại, có cách xử lý thông tin một cách kịp thời, thấu đáo, căn cơ, bản chất, thuyết phục cần phải được chú trọng hơn nữa. Điều quan trọng, báo chí cần phải hoạt động tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, báo chí không sa đà vào những nguồn tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, để rồi bị mạng xã hội dẫn dắt, gây hậu quả nghiêm trọng, không chạy theo khuynh hướng giật gân, câu khách, “câu view” rẻ tiền, tránh thương mại hóa…

Báo chí phải thực sự là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, giữ vai trò phản ánh và hướng dẫn, định hướng dư luận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, chuẩn xác, khách quan, chân thật. Để từ đó, công chúng có được nhận thức đúng đắn để không bị phân tán tư tưởng, có những hành động chuẩn xác, kịp thời, tránh sa vào “bẫy” của các thế lực thù địch, ở những cấp độ khác nhau, không gây hoang mang dư luận… Cả nhà báo lẫn công chúng đều phải thẩm định, lựa chọn nguồn tin khổng lồ trên mạng bằng lý trí tỉnh táo với sự phân tích, thẩm định có cơ sở,…

Theo nhiều nhà nghiên cứu báo chí, cơ sở quan trọng nhất để tạo nên dư luận xã hội chính là lợi ích, lợi ích cơ bản của số đông, chứ không phải của nhóm người nào đó. Chính vì vậy, muốn tạo sự đồng thuận, định hướng, dẫn dắt dư luận thì thông tin phải bảo đảm là có lợi cho số đông, cho cái chung, chứ không phải là những thông tin không thuyết phục, thiếu kiểm chứng, thậm chí bóp méo sự thật để phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ, hay cá nhân nào đó. Dư luận xã hội ấy cũng phải đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu, tâm lý của nhân dân thì mới có thể quy tụ, thống nhất suy nghĩ, hành động để đạt được mục tiêu và định hướng phát triển, đem lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng cũng như mỗi người. Và khi ấy, lợi ích tập thể, quốc gia được đặt lên hàng đầu, hài hòa giữa lợi ích của cá nhân, cũng như đất nước. Chính vì vậy, báo chí muốn góp phần định hướng dư luận xã hội cần bám sát những nguyên tắc thông tin như vậy, để dễ tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Thực tế trong thời gian qua, những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, báo chí phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực đều dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong xã hội. Điển hình đó là công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được tiến hành cẩn thận, chắc chắn nhưng không kém phần quyết liệt, không có vùng cấm hiện nay. Ngày 13/5/2018, khi tiếp xúc cử tri ngay sau Hội nghị Trung ương 7 cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “kết quả phòng, chống tham nhũng vừa qua làm được là nhờ có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân, làm nức lòng dân, tạo và thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này… Với đà này, chắc chắn  làm đến cùng, không bỏ giữa chừng. Phong trào đang phát triển thành xu thế, lò nóng rực rồi và ngày càng còn nhiều việc phải làm”.

Một số đề xuất để nâng cao hiệu quả định hướng dư luận xã hội của báo chí

Một là, bản thân những người làm báo, các cơ quan báo chí phải luôn nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải có bản lĩnh và lập trường vững vàng trong quá trình hoạt động, bảo đảm cho thông tin luôn được chính xác, kịp thời, khách quan, mang tính định hướng, phục vụ một cách hiệu quả nhất sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, việc thường xuyên trau dồi nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cũng hết sức quan trọng, song song với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để có những bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp với tình hình trong nước và thế giới, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hai là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí sao cho phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí cũng như yêu cầu của xã hội. Cần triển khai thực hiện tốt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, với từng lộ trình, đối tượng cụ thể, theo đúng những nội dung mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã quyết định. Quy hoạch báo chí cần được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Đảng là quy hoạch để phát triển trong khuôn khổ, khơi dậy, tôn vinh cái tốt, khắc phục, điều chỉnh cái chưa tốt, không tốt. Quy hoạch báo chí cần theo hướng báo, tạp chí phải hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích khi được cấp giấy phép hoạt động.

Ba là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, cốt lõi của hoạt động báo chí, giữ báo chí hoạt động công tâm, khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải qua đó giúp người dân tin tưởng, tin cậy, tin yêu báo chí. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII… Như thế, báo chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt vai trò, trọng trách của mình đối với xã hội…

Bốn là, cân đối thông tin trên báo chí một cách hài hòa, hợp lý; cần  phản ánh cái tốt đẹp, nhân tố tích cực, nhưng cũng không bỏ qua mặt trái, cái xấu, hạn chế, khuyết điểm. Cần biểu dương nhân rộng những điển hình tiên tiến (tư tưởng tiên tiến, tác phong tiên tiến, cách làm tiên tiến), những cách làm hay, những tấm gương tiêu biểu, những tấm lòng nhân ái, song không thể “làm ngơ” trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Báo chí kịp thời cung cấp thông tin có định hướng, tích cực, chủ động đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch một cách thuyết phục, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó là trách nhiệm công dân, là đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, không được để dư luận mất phương hướng hoặc làm mất phương hướng của dư luận.

Năm là, bản thân các cơ quan báo chí cần có những sự thay đổi mạnh mẽ, hiện đại hóa trong việc lựa chọn thông tin để chuyển tải tới công chúng. Khi không thể chạy đua về tốc độ thông tin, không thể tập trung nâng cao chất lượng thông tin một cách kịp thời, phục vụ đông đảo bạn đọc, mỗi cơ quan báo chí cần tìm cho mình những phân khúc bạn đọc, những thị trường “ngách” để vừa hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, vừa phục vụ đúng, trúng đối tượng bạn đọc của mình với chất lượng tốt nhất có thể. Đó có thể là việc tập trung đầu tư cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao, những phóng sự độc đáo, chuyên sâu, những loạt bài chính luận, chuyên đề sâu sắc,… về các vấn đề, sự kiện đang thu hút sự chú ý của xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đông đảo bạn đọc. Đó có thể là chú trọng việc phản biện xã hội, điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí với việc tập trung phân tích, bình luận, lý giải để công chúng thấy được bản chất thông tin, sự toàn cảnh, đa chiều của vấn đề, những mong góp phần giúp bạn đọc nhận biết giá trị, bản chất căn cốt, tính khách quan, toàn cảnh của thông tin để có thể nhận thức đúng, tin tưởng và làm theo...

Sáu là, trong môi trường báo chí cạnh tranh gay gắt hiện nay, giữa các báo và giữa báo với mạng xã hội, việc nâng cao chất lượng báo chí sẽ góp phần quan trọng để giải quyết mục tiêu “kép”: vừa thu hút, giữ chân bạn đọc, vừa cải thiện kinh tế báo chí, qua đó làm tốt việc định hướng dư luận xã hội. Để nâng cao chất lượng báo chí, cần đổi mới, cải tổ mạnh mẽ, sáng tạo, nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Theo nhiều nhà nghiên cứu báo chí thế giới, việc kể chuyện, trình bày, quảng bá các câu chuyện trên báo chí cần phải thay đổi để phục vụ bạn đọc đang chuyển sang nền tảng digital ngày càng nhiều. Có như thế, báo chí mới có thể đáp ứng được nhu cầu, thói quen mới của bạn đọc, cũng như phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế báo chí trong kỷ nguyên thông tin di động.

TS. Nguyễn Trí Thức - Vụ trưởng, trưởng ban hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 6/2018)

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi phát biểu tại buổi lễ (Ảnh VOV)
Hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trọng thể tại LB Nga
(Ngày Nay) -  Ngày 7/5, Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật người Việt Nam tại LB Nga đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Tham dự buổi lễ có đông đủ cán bộ Đại sứ quán, các cơ quan đại diện bên cạnh Đại sứ quán, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại LB Nga.
Israel tuyên bố kiểm soát cửa khẩu Rafah
Israel tuyên bố kiểm soát cửa khẩu Rafah
(Ngày Nay) - Vào ngày 7/5, Israel tuyên bố nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah nằm ở khu vực biên giới giữa dải Gaza- lãnh thổ của người Palestine và sa mạc Sinai của Ai Cập.
Ảnh minh họa
Tốc độ internet tại tỉnh Điện Biên ở mức cao nhất Việt Nam
(Ngày Nay) -  Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Điện Biên đang là tỉnh có tốc độ internet băng rộng cố định nhanh nhất Việt Nam. Đây là kết quả đo kiểm ghi nhận từ hệ thống đo tốc độ truy cập internet (VNNIC Internet speed) do Trung tâm Internet Việt Nam vận hành.
Alibaba cải tổ nền tảng thương mại Taobao
Alibaba cải tổ nền tảng thương mại Taobao
(Ngày Nay) - Tập đoàn Alibaba đang tiến hành một cuộc cải tổ đặc biệt đối với nền tảng thương mại điện tử Taobao trước lễ hội mua sắm hàng năm lớn thứ hai tại Trung Quốc 618 (diễn ra vào ngày 16/8).
Nikkei Asia: Giá cà phê nguyên liệu Việt Nam tăng mạnh
Nikkei Asia: Giá cà phê nguyên liệu Việt Nam tăng mạnh
(Ngày Nay) - Giá thành quốc tế của cà phê robusta đang ngày càng tăng do thời tiết không thuận lợi, kéo theo sự gia tăng của mức tiêu thụ tại thị trường châu Á và nhu cầu tiêu thụ sầu riêng từ Trung Quốc.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vinh danh những nhà phân phối có kết quả kinh doanh xuất sắc tại Hội nghị Nhà phân phối Ô tô điện VinFast toàn quốc 2024.
VinFast công bố nhận cọc VF 3 với giá đặc biệt chỉ từ 235 triệu đồng
(Ngày Nay) - Trong khuôn khổ Hội nghị Nhà phân phối Ô tô điện VinFast toàn quốc 2024, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Phạm Nhật Vượng đã công bố nhận đặt cọc sớm cho mẫu xe điện mini VF 3, với mức giá ấn tượng chỉ từ hơn 200 triệu đồng, cùng nhiều đặc quyền vượt trội cho khách hàng.