Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế tại hội trường ngày 2/11, đề cập tới xe Uber, Grab, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, bên cạnh loại hình taxi truyền thống thì hiện đang tồn tại loại hình xe Uber, Grab. Số lượng xe Uber, Grab đã hiện lên tới 5.000 xe nhưng đến giờ vẫn chưa quy định điều kiện kinh doanh loại hình kinh doanh này.
Năm 2017 là năm thứ 3 cho thí điểm kinh doanh loại hình xe sử dụng công nghệ Uber, Grab nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm dừng hay không, mà lại “đẩy” về cho địa phương quyết định.
“Có ý kiến cho rằng vì sao lại kéo dài thời gian thí điểm loại hình này, vì thận trọng hay lý do nào khác?”, ông đặt vấn đề.
Vị đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về điều kiện kinh doanh của một số loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có Uber, Grab. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng cần thể hiện chính kiến của mình về “tồn tại hay không tồn tại” của Uber, Grab thay vì 'trao quyền' cho chính quyền địa phương.
Văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công Thương nêu quan điểm, hiện Grab, Uber chưa cạnh tranh bình đẳng với taxi truyền thống do các đơn vị này là cung cấp ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải, chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi quy định liên quan tới đối tượng doanh nghiệp này. Ngoài ra cũng cần bổ sung khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan như thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải để quản lý loại hình vận tải kết nối theo hợp đồng này.
Về phía Bộ Giao thông vận tải mới đây cũng cho biết, cơ quan này đã yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm xây dựng kế hoạch thiết kế, in ấn, cấp logo cho các xe. Bộ cũng chỉ đạo các Sở Giao thông đôn đốc đơn vị thực hiện nghiêm quy định này, ban hành mẫu logo chung để dán trên phương tiện thí điểm.