Taxi truyền thống 'khẩu chiến' với Uber và Grab

(Ngày Nay) - Vào ngày 8/10, nhiều xe taxi thuộc hãng Vinasun dán decal vào sau xe với nội dung phản đối Uber và Grab, trong khi đó Grab Việt Nam đã đưa ra lời đáp trả với tuyên bố của Hiệp hội taxi Hà Nội.
Taxi truyền thống 'khẩu chiến' với Uber và Grab

Đồng loạt dán decal phản đối taxi 'công nghệ cao'

Sáng 8/10, nhiều người khi lưu thông trên địa bàn TP.HCM bất ngờ với bảng decal dán phía sau xe taxi Vinasun (thuộc Công ty CP Ánh Dương) nội dung: “Đề nghị Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam; dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Taxi truyền thống 'khẩu chiến' với Uber và Grab ảnh 1Các decal phản đối được dán sau xe taxi Vinasun. Ảnh: Thanh Niên

Trao đổi với báo Thanh Niên về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, nhiều xe taxi của hãng dán decal xuất phát từ ý muốn của các tài xế và công ty không có chủ trương này. Việc dán decal một số xe được tài xế thực hiện tối 7/10. Lãnh đạo công ty đang rà soát lại và sẽ có hướng xử lý.

Tình trạng này đã được "khởi động" ở Hà Nội trước đó, với sự tham gia của nhiều hãng taxi khác nhau. Nội dung của các khẩu hiệu được dán trên taxi ở Hà Nội thậm chí còn chi tiết hơn, đơn cử: “50.000 xe thí điểm của Uber, Grab doanh thu 18.000 tỉ đồng, nhưng chỉ nộp ngân sách 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”; “Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”…

Theo trả lời của các hãng taxi, việc dán khẩu hiệu phản đối là hành động tự phát do bức xúc của các tài xế, hoàn toàn không phải chủ trương của doanh nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ sự “đối xử” thiếu bình đẳng của Bộ Giao thông Vận tải trong quản lý taxi truyền thống và Uber, Grab. Trong khi Uber, Grab hoạt động không khác gì taxi.

Grab Việt Nam chính thức 'phản pháo'

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thu An Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho hay, năm 2015, Grab Việt Nam là đơn vị xây dựng và trình lên Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar với nội dung xin thí điểm việc sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đối với xe hợp đồng.

Với mục đích cao nhất là đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, cũng như giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh cho đơn vị cung cấp vận tải, Đề án thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận thực hiện.

Taxi truyền thống 'khẩu chiến' với Uber và Grab ảnh 2Hiện cuộc chiến tranh giành thị phần giữa taxi 'truyền thống' và taxi 'công nghệ' đang rất quyết liệt.

“Việc triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử đã tạo tiền đề và lan tỏa việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành vận tải. Cho tới nay, đã có 10 công ty Việt Nam xây dựng ứng dụng riêng và cùng tham gia Đề án thí điểm. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành giao thông vận tải nói riêng và đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời đại kinh tế số 4.0. Grab cũng đã hưởng ứng xu hướng phát triển công nghệ tại Việt Nam bằng việc đầu tư vào một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP.HCM trong thời gian gần đây”, đại diện Grab cho hay.

Về thông tin Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bà An khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ. Theo đó, Grab Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh năm 2014, trụ sở chính và các văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam, hoạt động hợp pháp theo pháp luật hiện hành, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua tài khoản Grab mở tại ngân hàng ở Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống giao dịch tự động và minh bạch của Grab cho phép cơ quan chức năng dễ dàng xác minh nghĩa vụ thuế chính xác tới từng chuyến xe.

Grab Việt Nam cho biết luôn nỗ lực tối đa tuân thủ các chính sách thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, có chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam.

“Chúng tôi khẳng định luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình, việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, trong khuôn khổ Đề án thí điểm, Grab Việt Nam còn hỗ trợ cho các đối tác vận tải trong việc kê khai, nộp thuế hàng tháng. Cơ chế phối hợp này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý thuế của Nhà nước, chống thất thu thuế”, bà An cho hay.

Tổng hợp

TIN LIÊN QUAN
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.