Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Chỉnh hình Quốc gia Hoàng gia (Royal National Orthopedic Hospital - RNOH) tại London, Anh, sử dụng máy quét 3D thế hệ mới để quan sát những gì xảy ra đối với bàn chân phụ nữ khi đi giày cao gót. Công nghệ này giúp các bác sỹ nhìn thấy toàn bộ chân và mắt cá chân dưới dạng ba chiều, từ đó xác định chính xác vị trí chống đỡ khối lượng lượng cơ thể, theo Nature World News.
"Tồn tại một mối liên hệ giữa giày cao gót và tình trạng đau chân. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể quan sát ảnh hưởng của những đôi giày như vậy đối với chân theo thời gian thực", Andy Goldberg, bác sĩ tư vấn phẫu thuật chỉnh hình tại RNOH, cho biết.
Giày cao gót gây ra nhiều vấn đề xấu khi toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn xuống mũi bàn chân, làm gia tăng áp lực lên xương vừng (sesamoid) – xương nhỏ dưới ngón chân cái. Những ngón chân trong giày cao gót thường bị ép vào nhau, dẫn đến hình dạng ngón chân bị cong.
Theo nghiên cứu của Cronin NJ tại Đại Học Jyvaskyla (Phần Lan) đăng trên tạp chí Applied Physiology, việc sử dụng giày cao gót trong thời gian dài – đi giày gót cao 5 cm ít nhất 40 giờ/tuần trong hai năm – có thể làm thay đổi tính linh hoạt của cơ bắp, ảnh hưởng đến dáng đi một người.
Phụ nữ đi giày cao gót trong thời gian dài thậm chí còn phàn nàn về sự mỏi cơ bắp và nguy cơ chấn thương chân. Điều này cũng giải thích vì sao phụ nữ có tỷ lệ viêm khớp xương ở đầu gối cao hơn so với nam giới.
Một nghiên cứu của Simonsen EB tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, 80% phụ nữ hiếm khi tìm được đôi giày vừa với đôi chân của họ, 57% phụ nữ nói rằng họ đau chân nghiêm trọng do đi giày không thoải mái.
"Theo truyền thống, chúng tôi sử dụng phương pháp chụp X-quang 2D để chẩn đoán các vấn đề về chân nhưng nó chỉ cung cấp một số thông tin hạn chế. Máy quét mới giúp chúng tôi thấy rõ bàn chân chịu lực như thế nào khi đi giày cao gót. Qua đó, những thiết kế giày dép mới tốt hơn trong tương lai sẽ giúp bảo vệ chân của người phụ nữ", Goldberg cho biết.
Theo KHPT