“Tràng An cổ” và “di vật cổ”... hoàn toàn là chuyện bịa đặt!
Đáng chú ý, qua kiểm tra việc Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng công trình trái phép tại vùng lõi Di sản Tràng An, đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL còn phát hiện công ty này đã sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên; sử dụng phương tiện thuyền, đò để chở khách du lịch tham quan nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của khách du lịch.
Không chỉ có vậy, Công ty CP Du lịch Tràng An còn tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành - nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định và cho phép.
“Tất cả các đĩa này chưa được dán tem lưu hành nên có thể khẳng định đĩa in sao trái phép. Các bảng biển giới thiệu về lịch sử do Công ty Cổ phần du lịch Tràng An gắn cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” - ông Phạm Xuân Phúc khẳng định.
Cùng với đó, tên “Tràng An cổ” được Công ty CP Du lịch Tràng An gắn cho vùng tham quan bị cho là hoàn toàn bịa đặt, bởi khi đoàn Thanh tra yêu cầu công ty xuất trình hồ sơ, tài liệu nào của Nhà nước chứng minh đây là vùng “Tràng An cổ” thì đơn vị này không xuất trình được. Với các sai phạm nghiêm trọng trên, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình và huyện Hoa Lư đình chỉ ngay lập tức hoạt động của công ty này...
Một điểm khiến đoàn thanh tra phải bất ngờ, trong nhà ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An bị phát hiện trưng bày hàng chục tủ kính đề di vật cổ thời Đinh - Lê. Dù vậy, khi được đoàn thanh tra hỏi, người này không thể cung cấp các thông tin về niên đại của các loại đồ cổ đó mà nói là do… cha ông để lại (!?). Hiện Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Son không được đề những món đồ trên là đồ niên đại mà phải ghi là đồ của cha ông để lại.
Thêm một hồi chuông báo động
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới gồm: 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa và 1 di sản thế giới hỗn hợp. Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã nhiều lần phải rung lên những “hồi chuông báo động” bởi sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo tồn đối với một số di sản thế giới tại Việt Nam gặp đối diện với những vấn đề, nguy cơ đáng lo ngại.
Năm 2004, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO có khuyến nghị với Cố đô Huế về việc quản lý và phát triển đô thị tác động tới di sản. Đến năm 2013, nhờ những nỗ lực của mình, Huế đã được rút khỏi danh sách khuyến nghị.
Từ kỳ họp thứ 33 (năm 2009) và sau đó là các kỳ 35, 37 của Uỷ ban Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long luôn được khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn xung quanh các vấn đề tác động của du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường. Cho đến tận kỳ họp thứ 38, tại Doha,Qatar vào tháng 6/2014, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long mới được Ủy ban Di sản thế giới mới ghi nhận là có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO cho biết, tuy UNESCO chưa nhận được báo cáo chính thức nào, song UNESCO có theo dõi các thông tin trên truyền thông về Tràng An.
“Chúng tôi có trao đổi với Bộ VH-TT&DL và biết Bộ đã có phản ứng mạnh về việc này. UNESCO không nói trong khu vực di sản không được xây bất cứ cái gì nhưng vấn đề là phát triển cái gì và xây dựng như thế nào. Tuy nhiên, trường hợp này thì rõ ràng việc xây cầu đâm xuyên vùng lõi di sản đã vi phạm các quy định của UNESCO” - ông Michael Croft nói.
Lý giải điều này, ông Michael Croft chia sẻ, với các di sản thế giới thì có 3 điều quan trọng gồm: giá trị nổi bật toàn cầu, điểm đặc biệt của nó và sự quản lý của chính phủ với di sản. Các di sản như vịnh Hạ Long, Tràng An, Việt Nam đã có hai giá trị đầu tiên. Do đó, điều quan trọng chính là yếu tố thứ ba: yếu tố quản lý. “Cần có những kế hoạch quản lý di sản, những nỗ lực liên tục để quản lý di sản. Việc quản lý của chính quyền địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì họ mới chính là người gần gũi di sản nhất. Đó chính là thành trì bảo vệ đầu tiên của di sản. Mặc dù vậy, trong trường hợp này, nó đã không phải như thế. Bộ mới là đơn vị có động thái mạnh hơn”, ông Michael Croft nói.
Ông Michael Croft khẳng định: “Thời điểm này vẫn là quá sớm để UNESCO đưa ra được quyết định có đưa Tràng An vào danh sách bị khuyến cáo vì các vấn đề môi trường hay chưa, Ủy ban UNESCO chờ xem hành động của các bạn, xem Việt Nam sẽ làm gì để xử lý triệt để vấn đề ở di sản Tràng An”.
Cần những “cái bắt tay” phối hợp
Một điểm đáng quan ngại, sau khi công trình “khủng” trái phép trên được khai thác đi vào hoạt động và sau Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ VH-TT-DL có ý kiến chỉ đạo vào ngày 5/3, thì ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình mới có báo cáo này gửi Bộ VH-TT&DL.
Ngày 6/3, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công điện hỏa tốc về việc tập trung xử lý sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật của công ty CP Du lịch Tràng An. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: Trách nhiệm để xảy ra sự việc trên thuộc Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, Sở Du lịch, Chủ tịch UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư).
Đến lúc này, UBND tỉnh Ninh Bình lập tức tổ chức công bố Quyết định 387/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh để thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty cổ phần Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc.
Đoàn thanh tra do ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra tập trung thanh tra trực tiếp, toàn diện, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với vụ việc sai phạm tại núi Cái Hạ, quần thể danh thắng Tràng An và việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý di sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, quản lý văn hóa, chấp hành luật thuế, kinh doanh dịch vụ du lịch, kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có). Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh Chung Phụng đã yêu cầu Công ty CP Du lịch Tràng An ngay lập tức dựng biển cấm, rào chắn không cho người dân và du khách đến đây tham quan. Đồng thời, ông Đinh Chung Phụng khẳng định, Đoàn thanh tra sẽ làm việc thật nghiêm túc, khẩn trương, đúng trách nhiệm. Kết luận thanh tra sẽ được công bố công khai.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL vừa có Công văn số 947/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại cuộc họp với UBND tỉnh Ninh Bình về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình khẩn trương phê duyệt phương án tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, xâm hại cảnh quan, môi trường vùng lõi di sản Tràng An.
Trong trường hợp Công ty cổ phần Du lịch Tràng An cố tình không tự tháo dỡ các công trình vi phạm UBND tỉnh cần chủ động có phương án tháo dỡ, để sớm hoàn trả mặt bằng, cảnh quan thiên nhiên của Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận.
Đặc biệt, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thấm quyền đối với các cá nhân, tập thể và các đơn vị liên quan đến việc xây dựng công trình trái phép trong vùng lõi Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận do Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An vi phạm, qua đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý di sản ở địa phương và chính quyền cơ sở trong việc quản lý di sản không để xảy ra những việc tương tự trong thời gian tới.
Một dấu hiệu đáng khả quan, Bộ VH-TT&DL đề nghị tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép xâm phạm danh thắng Tràng An và hoạt động dịch vụ du lịch của Công ty CP Du lịch Tràng An. Đồng thời, Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa cũng kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Bình trong việc xử lý các sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL.
Đã quá nhiều bài học “đắt giá” con người nhận được từ việc phá hoại di sản, thiên nhiên, đó là bão lũ, hạn hán, động đất, sóng thần... Dẫu biết, thật khó để những người chăm chăm vì “lợi riêng, lòng riêng” nghĩ được liệu di sản, thiên nhiên vô tri vô giác có ngày biết đau rồi nổi giận? Tuy nhiên, chẳng lẽ những người hôm nay vì lợi ích chung, vì công tác bảo tồn những giá trị tươi đẹp của di sản văn hóa, của thiên nhiên hùng vĩ được bồi tích bằng năm tháng và kỳ diệu của đất trời lại không biết đau khi chúng bị lấn chiếm, gặp hiểm nguy?