Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê, đến ngày 12.5, bệnh dịch nguy hiểm này đang xảy ra tại 2.296 xã của 204 huyện tại 29 tỉnh, thành phố, khiến các địa phương đã phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước.
Theo Cục Thú y, hiện đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với đặc thù điều kiện khí hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, không gian sản xuất chật hẹp… như của Việt Nam, tốc độ lây lan DTLCP vào Việt Nam cực kỳ nhanh. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.
Dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra. Việc sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến...
Hiện nay, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn nhiều bất cập khiến dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh, làm lây lan dịch bệnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN - PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện. Nhưng có trường hợp, địa phương chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường.
Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn, rơi vãi ra môi trường. Lực lượng tham gia giết hủy lợn chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giảm thiểu sự phát tán và lây lan mầm bệnh trong quá trình tiêu hủy.
Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ, quần áo của người tham gia tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.