Kỳ tích này đã kết đọng cho cả hành trình 3 thập kỷ đầy mồ hôi, nước mắt, vượt qua cơn bão gian lận tuổi, căn bệnh thành tích trước mắt, phát huy cách nghĩ cách làm riêng, của môn điền kinh.
“Chân đất” trở lại SEA Games
Có mặt từ ngay kỳ SEA Games tái hội nhập năm 1989, điền kinh đã phải trắng mắt trước sự thật phũ phàng bị tụt hậu quá xa so với mặt bằng chung khu vực. Chẳng những không giành nổi huy chương nào, các VĐV Việt Nam còn chẳng giống ai về trang thiết bị dụng cụ, phương pháp tập luyện, thi đấu. Một số tuyển thủ thậm chí còn khốn khổ khi lần đầu đeo giày, vì trước đó toàn chạy… chân đất.
Hai năm sau tại SEA Games 1991, môn này mới có 2 tấm huy chương, trong đó có HCB quý hơn Vàng của tuyển thủ nhảy cao Vũ Mỹ Hạnh. Thế nên chỉ một tấm HCV của điền kinh đã đủ gây chấn động chẳng những cả môn điền kinh mà cả ngành thể thao cùng dư luận cả nước. Người đã lập nên kỳ tích ấy chính là người phụ nữ giờ đang khốn khổ Vũ Bích Hường tại SEA Games 1995. Trên đường chạy 100m rào, thực ra bản thân Hường cũng chỉ nhắm có huy chương, và không thể ngờ mình lại có một sự hội tụ đỉnh cao đến thế. Mãnh hổ ẩn mình với một kỹ thuật đánh rào hoàn hảo cùng tốc độ như tên bắn để cán đích đầu tiên, đánh bại cả tượng đài sừng sững Elma Murros (Philippines). Từ Mỹ Hạnh tới Bích Hường, điền kinh Việt Nam đã tiến bộ nhiều song đến cả chục năm sau vẫn chưa thoát cảnh ăn đong từng tấm huy chương SEA Games. Riêng HCV đạt được đều nhờ cả vào nỗ lực tự thân của VĐV cùng may mắn, kiểu như Phan Văn Hóa (HCV 800 m nam năm 1999) hay Phạm Đình Khánh Đoan (HCV 800 m nữ năm 1999, 800 m nữ và 1.500 m nữ năm 2001). Đến 2001, chúng ta chỉ có một thế mạnh duy nhất để tranh Vàng là cự ly trung bình.
50% VĐV gian lận tuổi
Việc Việt Nam chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003 với một chương trình mục tiêu quốc gia đã mở ra cơ hội có một không hai, cũng như đặt ra cả một thách thức lớn đối với môn điền kinh. Các nhà quản lý của ngành thể thao và điền kinh, điển hình là Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy đã trăn trở, đầu tư rất nhiều tâm sức để tìm cách đột phá, mà trước hết là phải nhìn thẳng và đối mặt với thực trạng bết bát, nhìn đâu cũng thấy nản. Ngoài điều kiện khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, lực lượng, môn này còn bế tắc bởi cơn bão gian lận tuổi với tỷ lệ sai lệch vượt qua 50%, gắn với căn bệnh thành tích trước mắt của cả làng điền kinh Việt.
Có hai việc mà những người có trách nhiệm của điền kinh Việt Nam đã tập trung quyết liệt, mạnh mẽ, bền bỉ
Thứ nhất, đã quyết tâm tuyên chiến với vấn nạn gian tuổi. Hàng loạt đơn vị, VĐV đã bị chỉ mặt điểm tên, rất nhiều biện pháp phòng chống được áp dụng hiệu quả.
Thứ hai, ngoài sự ưu tiên các nội dung truyền thống, điển hình cự ly chạy trung bình hay nhảy cao, các nhà quản lý huấn luyện cũng tích cực “đón đầu” các nội dung khó và mới như chạy ngắn, phối hợp, nhảy, dưới sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế.
Thống trị SEA Games và lên đỉnh châu lục
Những sự thay đổi từ nền tảng ấy đã cho ra “điểm rơi” rực rỡ tại chính kỳ SEA Games 22 khi đoạt tới 8 HCV vượt cả thành tích của 7 kỳ Đại hội trước cộng lại. Ngoài ngôi sao Nguyễn Thị Tĩnh đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục, Việt Nam còn lần đầu bước lên ngôi cao nhất ở nhiều nội dung siêu khó như 7 môn phối hợp nữ, 10.000 m nữ, hay tiếp sức 4x400 m nữ.
Kể từ đó, môn cơ bản số 1 đã liên tục đột phá, được hiện thân rõ nhất ở những kỷ lục gia làm nghiêng ngả khu vực, vươn tới tầm châu lục trong nhiều năm, như Vũ Thị Hương (100 m v 200 m nữ), Trương Thanh Hằng (800 m và 1.500 m nữ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp), Bùi Thị Nhung (nhảy cao nữ).
Và cả hành trình dài gian khổ của điền kinh VN đã kết đọng đỉnh cao chính ở SEA Games 2017 không chỉ ở con số 17 HCV trải khắp các nội dung, mà còn ở bước nhảy vọt về chất. Đó là chiến thắng tuyệt đối trên đường chạy ngắn 100 m, 200 m của “nữ hoàng tốc độ” mới Lê Tú Chinh. Là VĐV trẻ nhất của đội tuyển điền kinh, sự toả sáng của Tú Chinh đã mang tới thêm nhiều hưng phấn cho các đàn anh, đàn chị. Để rồi Nguyễn Thị Huyền tiếp tục khẳng định vị trí số 1 ở những nội dung sở trường 400 m, 400 m rào và 4x400 m tiếp sức, trong đó có một kỷ lục SEA Games.
Thống trị ở nội dung ngắn, điền kinh Việt Nam cũng không có đối thủ ở hầu hết các nội dung trung bình và dài. Nguyễn Thị Oanh sau khi có cú đúp HCV ở nội dung 1.500 m và 5.000 m, cũng đã hoàn thành cú hat-trick HCV trước khi chia tay SEA Games ở nội dung 4x100 m tiếp sức nữ.
Chung cuộc, Việt Nam đoạt tới 17 HCV, lần đầu tiên lật ngôi đầu của Thái Lan theo cách không thể ngoạn mục và thuyết phục hơn.
Để rồi, chỉ sau đúng 1 năm, đến ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam tiếp tục trở thành một hiện tượng khi lần đầu đoạt HCV, kèm theo 1 HCB, 2 HCĐ, một chiến tích ngang với cường quốc Hàn Quốc.
Ngoài tấm HCV nhảy xa lịch sử của Bùi Thu Thảo, điền kinh Việt Nam còn có một kỳ Á vận hội rực sáng khi đoạt được 1 HCB cùng 2 HCĐ. Nếu không phải chạm trán đối thủ người châu Phi nhập tịch Barain, Quách Thị Lan thậm chí đã có Vàng. Nguyễn Thị Oanh giành được HCĐ nội dung siêu khó 3.000 m vượt chướng ngại vật, trong khi Vũ Thị Mến cũng bất ngờ đứng thứ 3 nhảy tâm cấp mà chỉ thua người xếp trên về chỉ số phụ. ĐTVN cũng lần đầu có HCĐ ở nội dung tiếp sức, do công của đội nữ 4 x400 m nữ.