Ngày 7/6, chương trình trải nghiệm văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Chương trình nhằm tôn vinh nét đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Với thời lượng 90 phút, chương trình đưa khán giả bước vào những cung bậc cảm xúc về nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong một không gian mới - không gian trải nghiệm văn hóa đánh thức mọi giác quan: Thị giác: Tham quan nghệ thuật sắp đặt liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu; thính giác: Hòa mình vào không gian âm nhạc chầu văn, một thành tố không thể thiếu được khi thực hiện nghi lễ hầu đồng; vị giác: Thưởng thức các đặc sản của ẩm thực Hà Nội; khứu giác: Cảm nhận hương trầm giữa không gian huyền bí; xúc giác: Được tận tay chạm vào bộ sưu tập khăn chầu-áo ngự, búp bê Tứ phủ, đồ mã… của tín ngưỡng thờ Mẫu; cảm giác: Mang lại cảm xúc hoan hỉ trong không gian đậm chất văn hóa tâm linh tín ngưỡng dân tộc.
Chia sẻ tại họp báo, Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng cho hay chương trình trải nghiệm văn hóa được xây dựng dựa trên nền tảng không gian trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.
Trưng bày gồm bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui tương ứng với bốn màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên Phủ - miền trời), màu trắng (Thoải Phủ - miền Nước), màu vàng (Địa Phủ - miền Đất) và màu xanh (Nhạc Phủ - miền rừng).
Theo quan niệm dân gian, Mẫu là mẹ, tín ngưỡng thờ Mẫu là gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam qua những nhân vật vừa mang màu sắc huyền thoại, truyền thuyết, vừa có bóng dáng trong lịch sử. Tín ngưỡng thờ Mẫu qua quá trình hình thành và phát triển đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật là phản ánh truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” khi phần lớn các vị thánh trong Điện thờ Tứ Phủ là những người có công với đất nước.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn. Hầu đồng không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu. Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu trong tin ngưỡng thờ Mẫu. Những người lên đồng (hay còn gọi là thanh đồng) hóa thân thành các vị Thánh thể hiện sắc diện và động tác đặc trưng trong không gian văn hóa thiêng của buổi lễ. Người tham dự trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của các vị Thánh, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát văn về sự tích, công trạng của các vị anh hùng dân tộc trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ,” ông Tùng cho biết.
Chương trình trải nghiệm này có sự tham gia của Tiến sỹ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đức Hiển, là người phụ trách chuyên môn và trực tiếp tham gia diễn xướng.
Ông Hiển cho hay tiêu chí xây dựng chương trình là phải đảm bảo tính thiêng, sự uy nghi của các vị Thánh, Thần đồng thời có tính nghệ thuật, diễn tả được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng.
Sau một thời gian thử nghiệm, đơn vị tổ chức sẽ tiến hành khảo sát. Nếu chương trình nhận được sự hưởng ứng của khách nước ngoài, Tiến sỹ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đức Hiển sẽ thuyết minh nội dung cho khách bằng tiếng Anh, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam. Ông đã từng giới thiệu về hầu đồng trên kênh truyền hình CNN và là người đầu tiên đưa trang phục hầu đồng lên sân khấu thời trang hiện đại.
Chương trình đến với công chúng vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần bắt đầu từ ngày 14/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.