Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo, chia sẻ: “Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ tài hoa, tác giả Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca Đất Phương Nam, nhiều công trình nghiên cứu và nhiều tuyển tập sưu tầm dân ca Nam bộ. Xin chia buồn với nhà thơ Lê Giang và gia đình. Mong nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phiêu diêu miền cực lạc”.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (1936 - 2025)
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (1936 - 2025)

Sáng ngày 30/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM), nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã đến viếng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và chia buồn với gia đình. Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, bày tỏ: “Ông đã sống một cuộc đời đáng sống! Ông rời khỏi cõi tạm này nhưng giai điệu thật đẹp của cuộc đời ông, bài hát của ông, những đóng góp âm thầm to lớn của ông cho âm nhạc, cho cuộc đời, vẫn còn lại. Xin được cúi đầu tiễn biệt ông, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ!”.

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 1

Nhà văn Trịnh Bích Ngân trong một lần đến thăm nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang tại tư gia

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: “Tạm biệt chú, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Chú đã về nơi trời xanh mây trắng nhưng Bài ca Đất Phương Nam vẫn còn đọng mãi trong lòng người dù nhiều năm tháng nữa sẽ trôi qua… Hãy yên lòng Mẹ ơi, chú đã sống một cuộc đời trọn vẹn với sự yêu thương với vùng đất phương Nam yêu dấu…”.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ như một “người thầy, người cha”

Hôm qua 29/3, khi hay tin nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từ trần, nhà thơ Từ Nguyên Thạch đã nhớ lại những kỷ niệm: “Sáng nay nhận được tin anh Năm - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mất. Tôi vừa mất một người thầy, người cha kính mến. Tuổi anh đáng bậc cha chú, nhưng trong giới văn nghệ anh xưng “anh, em” riết thành quen. Tôi cũng gọi nhà thơ Lê Giang, vợ anh, là chị Năm. Cuối thập niên 1980, công tác ở Hội Văn nghệ Sông Bé, tôi có hai năm ròng rã theo vợ chồng nhạc sĩ, nhà thơ Lư Nhất Vũ - Lê Giang đi sưu tầm dân ca Sông Bé. Kết quả là công trình Dân ca Sông Bé ra đời và in thành sách. Hai năm ấy tôi đã học được rất nhiều về cách sống và nghị lực làm việc của đôi vợ chồng nghệ sĩ này. Không thể kể hết ra được, nhưng có thể tóm gọn là nó đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của tôi.

Trước Tết, nghe anh bịnh tôi hỏi địa chỉ từ nhà thơ Cao Xuân Sơn, con rể anh, và vào bệnh viện thăm anh. Anh không nói được, chỉ còn da bọc xương, nhưng đầu óc tỉnh táo. Ngồi bên nhắc đủ thứ kỷ niệm và chúc anh sớm bình phục đặng còn về với chị, anh gật đầu, đôi mắt long lanh. Chị Năm Lê Giang năm nay đã 96, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Vậy mà hôm nay anh đã ra đi trước, ở tuổi 90. Dẫu biết là sẽ có ngày này nhưng sao lòng cũng ngậm ngùi. Mọi việc đời đã làm xong, nhẹ nhàng ra đi anh Năm của em”.

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 2

Từ trái sang: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nghệ nhân hát dân ca, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Phan Nhân và nhà thơ Từ Nguyên Thạch trong một lần ghi âm nghệ nhân trong một buổi sưu tầm dân ca Sông Bé năm 1987. Ảnh tư liệu của nhà thơ Từ Nguyên Thạch

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh “nhớ về thầy Lư Nhất Vũ”: “Chiều nay, lòng trầm buồn khi nhớ về thầy, người đã khai sáng cho “học trò” những kiến thức giá trị và bổ ích trong sáng tác các ca khúc mang âm hưởng Dân ca Nam bộ. Hơn 25 năm, quyển sách thầy tặng "Vấn đề thang âm điệu thức trong dân ca người Việt ở Nam bộ - Lư Nhất Vũ”, học trò trân quý giữ gìn như một báu vật bởi đó như một kim chỉ nam nghệ thuật giúp “học trò” mỗi khi sai hướng, lạc đường trong sáng tác về chủ đề Dân ca. Thầy, tác giả giai điệu tuyệt vời của “Bài ca Đất Phương Nam” và nhiều ca khúc âm hưởng Dân ca khác đã không còn… Chiều nay lại bắt gặp trên facebook bài thơ của tác giả Nguyễn Quốc Việt mang tựa đề Vĩnh biệt "Bài ca Đất Phương Nam". Học trò cảm xúc viết nên ca khúc để hồi ức về thầy…”.

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 3

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh đã phổ nhạc bài thơ Vĩnh biệt "Bài ca Đất Phương Nam" của tác giả Nguyễn Quốc Việt để tỏ lòng thương tiếc nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Cô gái Sài gòn...không còn tải đạn/ Người khai hoang không còn hát nữa rồi/ Khúc dân ca, bên lở đỡ bên bồi/ Đất Phương Nam bồi hồi câu tiễn biệt/ Gió hồn nhiên, sóng nghiêng chiều nuối tiếc/ Cả một đời nhiệt huyết với dân ca/ Cả một miền in dấu bước chân qua/ Thân chiến sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ/ Bước chân trần, khúc dân ca... bền bĩ/ Tiếng hò ơ... tri kỷ bước sông hồ/ Lê Giang đời, qua bao nẻo sóng xô/ Níu điệu lý về cơ đồ xứ sở/ Ôi khúc hát, hóa ra lời nức nở/ Thương kiếp người, bồi lở cõi nhân sinh/ Với nhân gian, trao trọn vẹn chữ tình/ Đường danh vọng, xin nép mình… ẩn dật/ Với lịch sử, sống một đời chân thật/ Không bon chen, giành giật lợi danh đời/ Nốt thăng trầm, nhẹ như một cuộc chơi/ Vĩnh biệt nhé, xin xa rời nhân thế!”.

Lư Nhất Vũ – Lê Giang hai mảnh ghép hoàn hảo

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, kể: “Ngày xưa khi máy vi tính chưa đời, muốn in một bài hát phải cần người chép nhạc, nắn nót từng nốt, chép từng chữ từng lời, nhiều khi cả buổi mới chép tay được một ca khúc. Nhưng để in thành sách nhạc thì phải dùng một loại viết kim đặc biệt cùng với mực pelikan có độ đen như mực tàu, chép trên giấy calque để khi rọi lên đèn không bị ánh sáng lọt qua, rồi nhà in dùng kỹ thuật phơi kẽm để in offset, thật là nhiêu khê. Mình đã làm công việc ấy trên mười năm, để chép nhạc cho các nhà xuất bản, cho các tờ báo mỗi khi muốn in một bài hát. Đó là giai đoạn từ 1980 đến 1993, khi chưa có máy vi tính và các phần mềm chép nhạc.

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 4

Những công trình dân ca được vợ chồng nhạc sĩ, nhà thơ Lư Nhất Vũ - Lê Giang sưu tầm in thành sách do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chép nhạc

"Người đặt hàng để mình chép cả ngàn trang nhạc cho những cuốn sách dân ca đó là Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Đây là những công trình sưu tầm, nghiên cứu những bài dân ca ở hầu hết các tỉnh Nam bộ, mỗi cuốn sách khoảng 600 trang, trong đó gần phân nửa là các trang nhạc. Vì có quá nhiều trang nhạc cần chép, nên hầu như toàn bộ thời gian đều dành cho công việc này, bù lại số tiền công cũng kha khá, chỉ cần chịu khó ngồi miệt mài vài ngày là bằng cả tháng lương đi làm!

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang thường mời mình lên căn hộ ở lầu 6 đường Nam kỳ Khởi Nghĩa để ăn cơm, rồi giao bài, giao tiền thù lao trước để chép nhạc! Công việc cứ đều đều như vậy khoảng sáu bảy năm, và lần lượt các tập Dân ca ra đời. Dân ca Sông Bé, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang... đều đặn đến tay người nghiên cứu, sưu tầm, biểu diễn. Rồi khi máy tính ra đời, mình lại tiếp tục hợp tác với Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ một thời gian nữa... Biết bao kỷ niệm mỗi khi tập sách được xuất bản, vậy mà hôm nay anh đã ra đi, để lại niềm tiếc thương cho quê hương đất nước, đồng nghiệp.... Mong những công trình âm nhạc của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và người bạn đời - nhà thơ Lê Giang, luôn sống mãi trong tâm hồn người yêu âm nhạc", theo nhạc sĩ Phạm Đăng Khương.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: “Hôm sinh nhật chú, cô cứ nói "Bây xem hôm nay chú mặc cái áo có đẹp không? Từ sáng giờ cứ đi lên đi xuống để cho cô khen không hà!". Mối tình cô chú đẹp làm sao, ở tuổi U90, U100 mà vẫn còn anh anh, em em ngọt sớt!!! Thương cô những ngày tới sẽ ra sao, khi nhà cửa lạnh tanh vì vắng chú. Nhớ những tháng trước, khi nằm viện mà còn tỉnh táo, chú khóc khi nhớ đến cô "không biết giờ này sao rồi?!".

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 5

Vợ chồng nhạc sĩ, nhà thơ Lư Nhất Vũ - Lê Giang

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhớ lại: “Hồi mới về Sài Gòn (1990), hay ghé nhà anh chị Năm Lê Giang - Lư nhất Vũ (hồi đó ông bà bắt mình gọi anh chị cho trẻ và gần riết rồi quen, đành thất lễ khi những người còn lớn hơn mình gọi ông bà là mẹ, cô, chú, bác). Mỗi lần đến chị Năm hay nấu cơm cho ăn. Ôi trời, chỉ vài con tép, cá lòng tong, bó rau... qua tay chị Năm, không có món ngon nào sánh bằng. “Chén cơm Phiếu mẫu” năm ấy mình nhớ mãi đến giờ. Chị là bà chúa ẩm thực khi ngày Tết cho mấy nhạc sĩ ăn món cháo trắng hột vịt muối. Thịt cá ê hề, món ăn đạm bạc này đánh dạt mọi món khác. Mình hay đến nhà anh chị vì duyên nợ làm mấy chương trình văn nghệ ở Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ mà anh chị là bầu sô.

Sau này anh chị về Thủ Dầu Một sống những ngày êm đềm, vẫn viết, sáng tác, săn giải thưởng khủng. Năng lượng cặp đôi này vẫn tràn đầy. Đôi Uyên ương này không có tuổi. Nhưng rồi quy luật khắc nghiệt của tạo hóa đã cho anh tuổi để ra đi. Anh chị không có đứa con nào nhưng để lại trần gian vô số đứa con tinh thần của thơ ca và âm nhạc. Mới năm trước tôi còn gặp anh Năm ở Bình Dương, xin mấy bản nhạc phổ thơ chị Năm Lê Giang. Sách đã in rồi nhưng không kịp gởi đến anh Năm…”.

Giới nghệ sĩ, trí thức tiếc thương nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ảnh 6

Bạn bè văn nghệ đến thăm gia đình nhà thơ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang

Mối tình của vợ chồng nhạc sĩ, nhà thơ Lư Nhất Vũ – Lê Giang, theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn: “Đầu năm 1970, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vượt Trường Sơn vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam. Sau 15 năm sống trên đất Bắc, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa đặt chân đến Tân Biên – Tây Ninh thì bị sốt rét. Tình cảnh lúc ấy thê thảm như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ miêu tả: “Tóc tôi đã rụng gần hết. Bụng to chong bóc lớn hơn trái dưa hấu. Đùi, tay, chân bị teo lại. Hễ ăn thịt cá thì bị trả giá bằng một cơn sốt khủng khiếp. Tôi có thể ăn một hơi mấy thau cơm, hoặc một rổ me sống”.

Thế nhưng, ngay thời khắc khốn khó nhất của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, thì một người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời ông đã xuất hiện. Đó là người phụ nữ mà ông tha thiết miêu tả: “Nàng với tiếng chày giã lá thuốc rừng miền Đông khi chiều xuống, nàng đã đem sự sống cho tôi. Nàng Cà Mau!”. Đó là nữ sĩ Lê Giang, vốn công tác ở Ban Dân y, rồi chuyển sang làm tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ.

Nữ sĩ Lê Giang lớn hơn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đến 6 tuổi. Từ năm 1945, nữ sĩ Lê Giang đã tham gia kháng chiến ở quê nhà Cà Mau, sau đó tập kết ra Bắc học hành, và trở về Căn cứ trung ương Cục miền Nam năm 1963.

Khi cơn sốt rét đi qua, thì không điều gì có thể tách lìa nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang nữa. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ sĩ Lê Giang là hai mảnh ghép hoàn hảo, dù cả hai đã nếm trải không ít gập ghềnh và đắng cay. Họ cũng nhau làm nên những ca khúc được ưa chuộng như “Hãy yên lòng mẹ ơi” hoặc “Bài ca đất phương Nam”. Và họ cùng nhau làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như “Hò trong dân ca người Việt”, “Hát ru Việt Nam”, “300 điệu lý Nam bộ".

Bình luận
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
Viettel khởi công trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quy mô siêu lớn đầu tiên tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 23/4/2025, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khởi công trung tâm dữ liệu & Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu (TTDL) quy mô siêu lớn, thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á.
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
(Ngày Nay) - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Tại đại hội, cổ đông thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, đặc biệt là phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu.