Làng Quan họ thực hành là những làng có tổ chức sinh hoạt ca hát Dân ca Quan họ, trong đó có câu lạc bộ Quan họ, đội văn nghệ hoạt động định kỳ, thường xuyên với ít nhất 2 thế hệ tham gia sinh hoạt; có hoạt động truyền dạy và tổ chức giao lưu về Dân ca Quan họ; có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền; được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Năm 2019, toàn tỉnh có 150 làng Quan họ thực hành được UBND tỉnh công nhận đợt 1. Cụ thể, huyện Lương Tài có 32 làng; Yên Phong có 28 làng; Gia Bình có 27 làng; Tiên Du có 10 làng; thị xã Quế Võ có 18 làng; thị xã Thuận Thành có 6 làng; thành phố Từ Sơn có 9 làng, khu phố và thành phố Bắc Ninh có 20 làng, khu phố.
Qua 5 năm, hầu hết làng Quan họ thực hành duy trì sinh hoạt đều đặn, nền nếp, thu hút đông đảo hội viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Những hoạt động được tổ chức thường xuyên như: Truyền dạy, giao lưu, học hỏi, giới thiệu và quảng bá về Dân ca Quan họ Bắc Ninh; tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội thi, liên hoan văn nghệ, trong đó có thực hành diễn xướng Quan họ...
Nhìn chung các làng Quan họ thực hành đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, vừa tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thỏa mãn niềm đam mê ca hát, tình yêu dân ca Quan họ, vừa mang đến món ăn tinh thần phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân.
Với hơn 30 năm tâm huyết, bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu Quan họ, liền chị Nguyễn Thị Hợp, Chủ nhiệm CLB Quan họ thực hành khu phố Công Binh (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: Vốn là con gái Hòa Long, từ nhỏ tôi đã yêu Quan họ và chăm chỉ học hỏi, tích lũy vốn liếng với tâm nguyện dù ở đâu, làm gì cũng nhất định phải giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp, tình yêu di sản đến với mọi người.
Năm 2016, CLB Quan họ khu phố Công Binh thành lập trên cơ sở nòng cốt là đội văn nghệ quần chúng của khu phố, đến năm 2018, CLB được hoàn thiện với 30 hội viên. CLB duy trì sinh hoạt đều đặn và tích cực tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa văn nghệ của địa phương.
Năm 2019, sau khi được tỉnh công nhận làng Quan họ thực hành và hỗ trợ kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm đã giúp CLB Quan họ khu phố Công Binh có điều kiện trang bị bộ tăng âm loa máy và mua sắm trang phục... Điều quan trọng là đã khích lệ tinh thần, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các liền anh, liền chị trong khu phố tham gia hoạt động sôi nổi và hăng hái hơn.
Phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) có 8 khu phố, trong đó 3 khu phố được tỉnh công nhận làng Quan họ gốc và 4 khu phố được công nhận làng Quan họ thực hành, thu hút khoảng hơn 200 liền anh, liền chị tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Ông Lê Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh khẳng định: Hoạt động của các làng Quan họ trên địa bàn phường không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu di sản đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh, mà còn có ý nghĩa thiết thực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo không khí giao lưu, đoàn kết trong các cộng đồng dân cư. Hàng năm, cùng với sự quan tâm, động viên kịp thời về mặt tinh thần, UBND phường bố trí nguồn kinh phí bảo đảm mức hỗ trợ cho các làng Quan họ theo đúng quy định.
Riêng năm 2023, do nguồn thu của phường gặp khó khăn nên tạm thời bảo đảm được 50% mức hỗ trợ, tương ứng với 15 triệu đồng đối với làng Quan họ gốc và 10 triệu đồng đối với làng Quan họ thực hành. Nghị quyết số 175/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho làng Quan họ gốc là 30 triệu đồng/làng/năm; làng Quan họ thực hành được hỗ trợ 20 triệu đồng/làng/năm để sử dụng vào việc mua sắm, sửa chữa loa đài, tăng âm; mua sắm đạo cụ, trang phục tổ chức học hỏi, truyền dạy, giao lưu, trình diễn thực hành di sản...
Sau 5 năm (2019-2023) triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, nguồn kinh phí hỗ trợ đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, giúp cho việc duy trì tổ chức phong phú hoạt động giao lưu, truyền dạy Quan họ, góp phần vào sự phát triển bền vững của các làng Quan họ nói riêng và việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói chung. Tuy nhiên, theo tổng hợp đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc hỗ trợ kinh phí đối với các làng Quan họ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Cụ thể, trong 3 năm đầu (2019-2021), việc thanh toán hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành được bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết 175/2019/NQ-HĐND. Nhưng kể từ năm 2022, kinh phí hỗ trợ các làng Quan họ được giao cho cấp xã, phường chủ động dự toán. Kết quả, một số địa phương không cân đối được nguồn thu chi nên không bố trí được kinh phí hỗ trợ, hoặc chỉ bảo đảm được một phần, không đúng theo mức quy định.
Đơn cử như năm 2023 có 6 làng Quan họ thực hành của xã Phú Lâm (Tiên Du) không được hỗ trợ kinh phí. Tại Gia Bình có 8 làng Quan họ thực hành thuộc xã Xuân Lai chỉ được hỗ trợ mức từ 3-9 triệu đồng/làng/năm; 4 làng Quan họ thực hành của xã Bình Dương cũng nhận mức hỗ trợ 12-13 triệu đồng/làng/năm.
Tại thành phố Bắc Ninh, các phường Hòa Long, Vũ Ninh, Ninh Xá, Đáp Cầu cũng chỉ bảo đảm được một phần kinh phí hỗ trợ đối với làng Quan họ gốc và làng Quan họ thực hành… Đây là vấn đề rất cần được sự quan tâm tháo gỡ của các ngành, các cấp, để các làng Quan họ thực hành duy trì và phát triển, phát huy vai trò trong việc gìn giữ giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.