Doanh nghiệp Pháp muốn tham gia bảo tồn kiến trúc cổ Việt Nam

(Ngày Nay) - Nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ lo ngại về xu hướng phá đi xây lại thay vì cải tạo những di sản kiến trúc cổ giai đoạn Pháp thuộc tại Việt Nam.
Một ngôi nhà được xây năm 1920 tại Hà Nội.
Một ngôi nhà được xây năm 1920 tại Hà Nội.
Hơn 10 doanh nghiệp nổi tiếng thế giới của Pháp về kiến trúc và xây dựng đã có mặt tại hội thảo Pháp – Việt về kiến trúc và quy hoạch đô thị vừa diễn ra tại TP HCM để đưa ra các kinh nghiệm và đề xuất với công ty địa ốc, nhà đầu tư, chủ công trình nhà nước và tư nhân tại Việt Nam.
Hàng loạt doanh nghiệp trong số này đã tham gia vào các đề án nghiên cứu bảo tồn kiến trúc, vùng đô thị có giá trị lịch sử giai đoạn Pháp thuộc tại Việt Nam thời gian qua. Các doanh nghiệp đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác để đưa ra các phương án bảo tồn vừa khoa học, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho các công trình, quần thể công trình cổ.
“Di sản là bản sắc của mỗi địa phương nhưng phải làm sao để nâng cao giá trị sử dụng của nó về mặt kinh tế. Chúng tôi bao giờ cũng áp dụng cùng một phương pháp. Đó là nâng cao giá trị địa phương bằng cách bảo vệ các di sản. Chúng tôi có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, bà Christine Larousse – Chuyên gia quy hoạch đô thị của Công ty Interscene cho biết.
Trước đây, Interscene đã thực hiện một số nghiên cứu và tham gia vào xây dựng quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Bà Christine cho rằng, xung quanh Hà Nội có các vùng có nhiều kiến trúc Pháp cần bảo tồn để kết nối đến thủ đô nhằm phát triển các tour, tuyến du lịch. Công ty này cũng từng tham gia vào việc xây dựng quy hoạch tổng thể cho Thành phố Đà Lạt cách đây 2 năm và đặc biệt đề xuất đến việc bảo vệ cảnh quan.
Tuy nhiên, các công ty Pháp cũng thừa nhận, việc bảo tồn các di sản kiến trúc Pháp thuộc nói riêng và các không gian đô thị cổ nói chung tại Việt Nam không hề dễ dàng. Bà Christine nhận xét, các thành phố tại Việt Nam vốn được thiết kế ban đầu gắn liền chặt chẽ với nhiều mảng xanh. Tuy nhiên, khi các thành phố càng phát triển thì mảng xanh càng hẹp dần trong khi bản thân đô thị lại cần phải “thở” nhiều hơn.
Một vấn đề khác là sự nóng vội. Nếu không nghiên cứu kỹ, công trình dễ dàng bị méo mó, biến dạng. “Chúng ta phải cẩn thận vì nếu can thiệp và can thiệp một cách tự phát sẽ ảnh hưởng đến bản sắc của các địa phương. Vấn đề là làm sao để đưa công trình kiến trúc cổ vào đời sống hiện đại ngày nay”, kiến trúc sư Thierry Van De Wyngaert của Công ty Eal.43, người tham gia vào dự án nghiên cứu bảo tồn di sản và phát triển đô thị cho Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết.
“Chúng ta cần có thời gian. Chúng ta cần có những tài liệu, những nghiên cứu, làm việc với người dân", ông Thierry nhắc lại về sự cẩn trọng.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp Pháp nhận thấy là sự khó dung hòa giữa xu hướng bảo tồn và xu hướng phá bỏ vì sự phát triển kinh tế.
“Chúng tôi có tham gia dự án cải tạo các khu nhà tập thể ở các vị trí đắc địa, khu đất vàng ở Hà Nội. Các khu này đang xuống cấp rất lớn và chính quyền đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo. Khi tham gia, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận thường là muốn phá đi xây lại chứ ít muốn cải tạo. Trong khi đó, bản thân những người sống tại đây phần nhiều lại muốn lưu giữ. Vì vậy, rất khó để dung hòa hai mong muốn này”, đại diện một doanh nghiệp Pháp tiết lộ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch HĐQT Cadasa, đơn vị đang khai thác vận hành khu resort cổ Cadasa ở Đà Lạt cho rằng, vì lợi ích kinh tế, các nhà đầu tư tại Việt Nam hiện không mấy quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc, và chính sách nhà nước trong lĩnh vực này cũng chưa nhiều.
“Chúng tôi cảm thấy mình rất cô đơn trong việc bảo tồn. Chúng tôi phải tranh đấu rất vất vả để được giữ lại, tôn tạo quần thể biệt thự cổ và làm resort. Trong khi đó, các nhà tài phiệt khác luôn thăm chừng và mong muốn biến nơi này thành chỗ làm ăn mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, ông Hùng tâm tư.
Theo Vnexpress
Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.