Ông Bàn Thừa Chiêu – Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Văn hóa của dân tộc Dao độc đáo thể hiện rõ nhất trong sinh hoạt cộng đồng, trang phục, tiếng nói và chữ viết. Đặc biệt là tục truyền dạy chữ của người Dao vào mỗi dịp tết đến xuân về là một phong tục độc đáo, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây chính là cách để lưu truyền được chữ viết của người Dao”.
Từ xa xưa, dân tộc Dao đã sử dụng chữ Hán để làm ngôn ngữ viết, khi sử dụng thì người Dao đã “Nôm hóa” thành tiếng Dao, chữ của người Dao để dùng trong cúng bái, thơ ca và văn tự. Để duy trì được chữ viết, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các gia đình, dòng họ thường tổ chức truyền dạy chữ Hán – Nôm cho con cháu. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người.
Độc đáo tục truyền chữ của người Dao. |
Ông Lý Hữu Vượng ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn là một trong những người đọc thông viết thạo chữ của người Dao, cho biết: “Tổ tiên của người Dao xưa đã biết sử dụng chữ viết để ghi chép lại các văn tự quan trọng, như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua, bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ. Đặc biệt chữ viết của người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như lễ cấp sắc, tết nhảy và tục treo tranh”.
Hiện nay dân tộc Dao vẫn còn lưu truyền và sử dụng chữ viết của mình, tuy nhiên số người biết đọc và viết được chữ Dao còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các thầy mo, thầy cúng, và một số các cụ cao tuổi trong dòng họ. Để con chữ của dân tộc Dao không bị mất đi, năm nào cũng vậy vào mỗi dịp tết đến, ông Lý Hữu Vượng lại dành nhiều thời gian để truyền dạy chữ Dao cho con cháu, với mong muốn thế hệ trẻ sẽ lưu truyền được những nét đặc sắc của dân tộc mình.
Theo Dân Việt
Xem thêm:
1. Lạ lùng tục con gái lên rừng đốn củi để... bắt chồng ở Kon Tum
2. Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ