Cân nhắc yếu tố vùng miền
Theo PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, để xây dựng phương án thi này thì Bộ GDĐT cần có tiến độ, chuẩn bị cho các vấn đề như mức độ tiếp cận máy tính của thí sinh khu vực khó khăn. Trong điều kiện hiện nay, các thành phố lớn thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng tiếp cận thi trên máy. Nhưng ở những nơi, vùng sâu vùng xa, có khi học sinh chỉ được tiếp cận máy tính qua phòng thí nghiệm ở trường phổ thông, giờ thực hành thí nghiệm làm trực tiếp trên máy chưa nhiều. Vì thế, e rằng đến khi thi các em bỡ ngỡ quá.
Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định, ưu điểm của thi trên máy tính là có kết quả tức thì, có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm, không phải tổ chức hội đồng thi rườm rà, phức tạp, có thể giảm tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nên những lo ngại như cơ sở vật chất không đồng đều, trình độ không tương xứng ở các địa phương. Đơn cử như thí sinh ở thành phố được sử dụng máy tính nhiều hơn nên thao tác thành thạo hơn, có thời gian làm bài sẽ nhiều hơn so với các em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Cùng với đó, số lượng máy tính khó đáp ứng nhu cầu thực tế, nếu để công ty bên ngoài hỗ trợ thì không khả thi. Chưa kể, nếu máy tính bị trục trặc cũng sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lí của thí sinh. Ngoài ra, nếu cả nước có hàng chục nghìn phòng thi thì sẽ phải thêm rất nhiều người trực phần mềm thi, yêu cầu về chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin của giám thị cũng phải cao hơn. “Mình đang sử dụng công nghệ để giảm sự tham gia của con người, nhưng khi đưa công nghệ vào lại xuất hiện thêm một số nhân tố, con người mới thì những người dùng phần mềm đó có để xảy ra tiêu cực không?” - ông Dũng băn khoăn.
Làm sao để đảm bảo công bằng, khách quan
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, khi áp dụng thi trên máy tính thách thức đầu tiên là đối với những học sinh sẽ thi tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2024-2025. Các em có tối thiểu 4 năm để chuẩn bị và làm quen với việc thi trên máy tính (máy tính bảng hoặc máy tính bàn). Thách thức tiếp theo là đối với các giáo viên ở các trường THPT, giáo viên phổ thông phải thuần thục sử dụng máy tính; các trường THPT cần phải có phòng máy tính để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh của trường được sử dụng. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là đối với Bộ GDĐT đó là làm sao các tầng lớp trong xã hội hiểu được đầy đủ mức độ hữu ích, sự công bằng khách quan và hiệu quả kinh tế của việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sử dụng công nghệ cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến năm 2019 đã giảm được gánh nặng về thời lượng thi, kèm theo giảm bớt công sức và chi phí của cha mẹ học sinh cho việc đi thi của con em mình. Dù vậy, các kỳ thi này vẫn đòi hỏi sự huy động cùng lúc nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi chung toàn quốc và chưa loại bỏ được nhân tố tiêu cực can thiệp vào kết quả thi. Để đảm bảo duy trì sự khách quan trong đánh giá mức độ học sinh lớp 12 đạt được chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GDĐT đã khẳng định sự ổn định về các môn thi và dạng thức thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 2020-2024 (trước khi có khóa tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới). Đồng thời để hòa nhập với xu thế phát triển của các kỳ thi tốt nghiệp THPT của các nước trong khu vực (như: Thái Lan, Trung Quốc…) và các nước phát triển (như Phần Lan, Hoa Kỳ…), năng lực của học sinh lớp 12 về Khoa học xã hội được đánh giá bằng một đầu điểm cho bài thi về Khoa học xã hội; và năng lực về Khoa học tự nhiên của học sinh cũng được đo lường bằng một đầu điểm cho môn thi/bài thi Khoa học tự nhiên. Do đó, để chuẩn bị cho việc đánh giá năng lực học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới vào năm 2024-2025, giải pháp tối ưu giảm thiểu rủi ro trong việc in ấn các đề thi và tổ chức chấm thi trên giấy là thi trên máy tính.
Bà Phương Nga phân tích: Ưu điểm của việc thi trên máy tính đã được kiểm chứng bằng việc các Test sites chuyên nghiệp của các nước phát triển đã khuyến khích các thí sinh đăng ký dự thi IELTS trên máy tính, hạn chế việc thi trên giấy. Một thực tiễn sống động hơn cả là Pearson Test of English Academic (viết tắt là: PTE Academic) hoàn toàn thi trên máy tính cả bốn kỹ năng (nghe, đọc, nói và viết) sử dụng công nghệ Artificial Intelligent để chấm điểm, có nghĩa là phần mềm của computer chấm điểm bài thi, không phải con người chấm thi, nên tuyệt đối không có sự can thiệp của con người vào kết quả thi. PTE Academic hiện đã có Test sites tại Việt Nam. Tuy nhiên, để học sinh THPT làm quen với việc thi trên máy tính, các trường THPT cần có phòng máy tính cài các bài thi mẫu để học sinh làm quen. Đồng thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, các sở GDĐT cần có forum riêng gồm một số đề thi và phần mềm thi để mỗi học sinh lớp 12 có thể vào thi thử trên máy tính.
Tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam đối với học sinh lớp 12. Như đã phân tích ở trên, mục đích của kỳ thi là đánh giá mức độ học sinh lớp 12 đạt được chuẩn đầu ra (kiến thức và kỹ năng) của chương trình THPT và là điều kiện để được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp THPT. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để được tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ hoặc được xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ. Các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng, sự khác biệt vượt trội của giải pháp thi trên máy tính là không còn hiện tượng cả xã hội phải vào cuộc và cùng trải nghiệm sự căng thẳng lo lắng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức cùng một thời điểm trên toàn quốc.