Thí sinh dự kì thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, trong cuộc họp bàn về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia sau nhiều năm triển khai đã đáp ứng được yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia của các trường ĐH-CĐ đã diễn ra thuận lợi, phù hợp với yêu cầu chất lượng đầu vào của các trường, các ngành.
Phân tích cụ thể về những điều chỉnh qua mỗi năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, Bộ này cho biết cách thức tổ chức thi tại địa phương khiến thí sinh không phải di chuyển, tập trung về các thành phố lớn. Việc điều chỉnh hình thức thi, sử dụng kết quả thi cũng hướng đến việc đánh giá toàn diện đối với thí sinh, kết hợp đánh giá quá trình và cuối cấp học.
Bộ cũng nhắc lại vụ gian lận thi năm 2018 gây bức xúc dư luận, làm giảm lòng tin của xã hội vào tính khách quan công bằng của kì thi. Để khắc phục, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã có điều chỉnh một số khâu trong quá trình tổ chức thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, khách quan hơn.
Bộ GD-ĐT dự kiến năm 2020 sẽ vẫn giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019. Đây cũng là kì thi cuối cùng trước khi bước sang một giai đoạn mới của lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia.
Cuộc họp Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực bàn về phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020. - Ảnh: Thanh Niên |
Giai đoạn 2021-2025, Bộ GD-ĐT dự kiến có một số thay đổi. Về đối tượng dự thi, tất cả học sinh không bắt buộc phải tham gia. Thay vào đó, những em hoàn thành chương trình lớp 12, nếu không có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp THPT mà vẫn đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Chỉ những em có nhu cầu lấy bằng để xét tuyển đại học mới cần tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Nội dung thi sẽ nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi vẫn là trên giấy như hiện nay, nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức thi trên máy tính, thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh.
Để phù hợp với phương thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trên máy tính, các bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019, nhưng các bài tổ hợp có thể thay đổi. Bộ GD-ĐT dự kiến cấu trúc lại các câu hỏi trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
"Số câu hỏi trong từng bài thi có thể giảm, nhưng vẫn giữ được độ phân hóa để tạo thành một bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa", ông Trinh nói và cho biết thêm dự kiến mỗi bài tổ hợp khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm thay vì bốn đầu điểm như hiện nay.
Nói về đơn vị tổ chức, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GD-ĐT sẽ giữ vai trò chỉ đạo chung, như: ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát và chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm. Việc tổ chức kỳ thi tại địa phương do UBND các địa phương chịu trách nhiệm. Các trường đại học được Bộ điều động tham gia khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quy trình tổ chức kỳ thi, chấm thi và phúc khảo.
Giai đoạn sau năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh phù hợp tiếp theo, đặc biệt là việc hoàn thiện phương thức thi trên máy tính. Khi áp dụng hình thức này, Bộ sẽ công bố trước một năm để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi, báo điện tử Vnexpress đưa tin.
Bà Nguyễn Thị Doan. - Ảnh: Vietnamnet |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học VN cho biết, bà ủng hộ chủ trương của Chính phủ là sớm ứng dụng công nghệ vào việc tổ chức kỳ thi, cụ thể là tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. Nhưng để làm tốt điều này, Bộ GD-ĐT phải có kế hoạch để có lộ trình thích hợp bởi khó khăn không phải là thiết bị mà khó nhất là tạo được ngân hàng đề thi đủ lớn, có chất lượng.
Muốn vậy, cần phải huy động tất cả các thành phần có thể tham gia vào việc làm đề thi, không chỉ các thầy cô giáo mà cả các chuyên gia và ngay cả học sinh giỏi vừa tốt nghiệp cũng có thể tham gia đóng góp cho ngân hàng đề thi vì đối tượng này có thể cho những đề thi rất hay. Bà Doan cho rằng cần phân cấp để thực hiện kỳ thi, để Bộ trở về đúng vai trò kiểm tra, giám sát, làm ngân hàng đề thi; đồng thời đề nghị các trường ĐH không chỉ dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Còn GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng muốn thi trên máy tính, và thi nhiều đợt như ở nước ngoài, thì yêu cầu bắt buộc là phải dùng kỹ thuật để so bằng độ khó trong đề thi của các lần thi, nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.