Câu chuyện của vị trưởng thôn bị truy nã đó khiến cho tôi nhớ đến tác phẩm văn học kinh điển của Victor Hugo – Những người khốn khổ (Les misérables) vì đều có những điểm giống nhau đến bất ngờ.
Tác phẩm Những người khốn khổ xoay quanh nhân vật chính là Jean Valjean. Từ một người lao đao về tù tội, ông đã quyết tâm thay đổi mình và trở thành ngài thị trưởng được rất nhiều người kính mến. Và đương nhiên, ông Đào Xuân Chừng cũng vậy, từ một tội phạm bị truy nã, ông đã “lột xác”, thay tên đổi họ và trở thành vị trưởng thôn đầy gương mẫu.
“Nguồn gốc” phạm tội của hai nhân vật chính: Jean Valjean và Đào Xuân Chừng na ná giống nhau.
Một người vì lo sợ cho đứa cháu của mình chết đói nên đánh liều, trộm vài cái bánh mì. Một người có lẽ lo... cả họ không đủ cơm ăn nên kết hợp với một số người, “biển thủ” 100 tấn thóc giống.
Cứ tưởng như cuộc sống của cả hai nhân vật sẽ thoát ly hoàn toàn với tù tội, với sự truy nã. Nhưng không, cả hai chỉ vì “giỏi” quá, “tốt” quá mà một lần nữa phải đối mặt với những thứ nợ chưa trả hết.
Jean Valjean do cứu một người đàn ông bị xe ngựa đè khiến viên cảnh sát sinh nghi và từ đó, cuộc sống của ông bị đảo lộn bởi sự nghi hoặc đó.
Còn ông Chừng, do người con cả của ông có nhiều thành tích và tư cách đạo đức rất ổn nên cơ quan làm việc đã đề nghị kết nạp Đảng viên. Từ đó, bão tố lại một lần nữa đến với ông!
Mặc dù việc ông Chừng “biển thủ” hàng trăm tấn thóc giống, sau đó trốn án gần 3 thập kỉ là việc làm hoàn toàn sai trái nhưng sau khi biết được chuyện của ông, ai cũng phải thốt lên rằng: “Giỏi quá cũng khổ!”
Ông trưởng thôn trốn nã gần 30 năm. Ảnh: VNExpress.
Từ một người trốn nã, tha hương cầu thực với bàn tay trắng nơi đất khách quê người mà ông đã gây dựng được niềm tin của bà con nơi đấy, trở thành vị trưởng thôn tài giỏi (ông được nhiều ngành chức năng địa phương, trung ương khen thưởng về thành tích làm kinh tế).
Chẳng những vậy, ông còn giáo dục con cái rất tốt, cả ba người con của ông đều học hành thành đạt (đơn cử như người con cả của ông được đề nghị kết nạp Đảng viên)
Thế nên có lẽ giờ đây (lại một lần nữa) đối diện với vòng lao lý, chắc hẳn trong lòng ông cũng sẽ nhen nhóm suy nghĩ “Biết thế cứ sống nhàng nhàng cho xong!”.
Giá mà ông không giỏi tính toán, biển thủ của công, chấp nhận “nhàng nhàng” trong kinh tế thì ông đã chẳng phải đối diện vòng lao lý.
Giá mà ông không giỏi trong việc “lột xác”, trốn truy nã thì giờ đây, ông đã một hậu vận tốt đẹp do chính tay ông gây dựng nên từ đống đổ nát!
Giá mà con trai ông cũng “nhàng nhàng” trong thành tích thì chắc ông cũng không (chưa) bị phát giác!
Nhưng dù sao, ông đã có nợ với pháp luật thì ông phải trả. Chỉ khổ nỗi ông “giỏi” quá, chỉ vì cái sự “giỏi đấy” mà gậy ông đập lưng ông. Ông phải trảcả gốc lẫn lãi. Không những bị tù tội trong những năm tháng tuổi già, sức yếu mà ông còn phải chịu sự ê chề, chỉ trích từ rất nhiều độc giả!
Thế nên cứ “Ngu si hưởng thái bình” có khi lại hay!
Văn Chính