Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ

Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ ảnh 1

Khi lần cuối đánh mắt xuống nóc Nhà Trắng trước khi rời đi bằng trực thăng vào thứ Tư tuần này, hẳn Donald Trump sẽ thấy một đống hỗn độn mà ông bỏ lại sau một nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Người đàn ông với mái tóc vàng, làn da rám nắng với sở trường kết nối với đám đông đã trở thành ông chủ Nhà Trắng cách đây 4 năm, đã đưa ra lời hứa đáng kinh ngạc trong bài phát biểu nhậm chức rằng ông sẽ chấm dứt "cuộc tàn sát người Mỹ".

Nhưng Trump, người tự quảng cáo mình là "thiên tài", với khả năng làm những gì mà không Tổng thống nào khác có thể, cuối cùng đã gây ra một màn ẩu đả đẫm máu trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

Trên chiếc trực thăng Marine One, ông Trump sẽ chứng kiến ​​thủ đô Washington giờ đây đang dần trở thành một trại lính khổng lồ sau cuộc nổi loạn của những người ủng hộ ông vào ngày 6/1.

Các tốp lính Vệ binh Quốc gia với súng trường canh gác khắp thành phố và các tòa nhà trọng yếu. Các khu nhà chính phủ đã được dựng sẵn hàng rào khiến không ít người liên tưởng tới khung cảnh của thành phố Baghdad ở Iraq.

Có một sự thực đó là hiện có nhiều binh sĩ được triển khai ở Washington hơn là ở Afghanistan, khi người Mỹ đang phải tự vệ trước chính bản thân họ.

Và khi nhìn xuống mái vòm màu trắng khổng lồ của Điện Capitol, ông Trump có thể suy ngẫm về việc làm thế nào khi tiến hành nhậm chức vào năm 2017, đảng Cộng hòa đã kiểm soát Nhà Trắng và cả lưỡng viện Quốc hội lần đầu tiên sau một thập kỷ. Khi đó, gần như không gì có thể ngăn cản chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông.

"Chúng ta sẽ giành chiến thắng rất nhiều, các bạn sẽ rất ốm và mệt mỏi vì chiến thắng", ông Trump tuyên bố với đám đông ủng hộ mình.

Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ ảnh 2

Donald Trump luôn là một con người của đám đông.

Thế nhưng vào thứ Tư tới, có lẽ ông Trump sẽ phải rời khỏi Washington với nhiều chiến bại hơn là chiến thắng.

Ông rời đi với tư cách là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử bị luận tội hai lần trong cùng một nhiệm kỳ, còn đảng Dân chủ đã kiểm soát hoàn toàn Nhà Trắng và lưỡng viện của Quốc hội.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều là lỗi của ông Trump.

Đại dịch COVID-19, từ Trung Quốc và châu Âu, đã xâm nhập vào nước Mỹ khoảng một năm trước, gần như quật đổ mọi nỗ lực của chính quyền Trump vun đắp suốt 3 năm.

Cuộc khủng hoảng y tế này đã khiến hơn 400.000 người Mỹ qua đời, làm dấy lên làn sóng thất nghiệp, các doanh nghiệp sụp đổ và đòi hỏi một lượng tiền thuế khổng lồ để giúp cho nền kinh tế Mỹ đứng vững trước dông bão.

"Thiên tài ổn định"

Từng có lần, ông Trump miêu tả bản thân: "Không phải thông minh, mà là thiên tài. Và là một thiên tài rất ổn định".

Trở lại năm 2016, nhiều người Mỹ đã thực sự cười nhạo ý tưởng về một Nhà Trắng với ông chủ là Donald Trump.

Với kiểu tóc được chăm chút cẩn thận, chế độ ăn uống bình dân, lối ăn nói liền mồm điển hình của một người New York cùng việc nghiện Twitter khiến nhiều cử tri Mỹ coi màn tranh cử của ông là một vở xiếc chính trị.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử bất thường đó, "ngựa ô" của đảng Cộng hòa đã đánh bại Hillary Clinton, một ứng cử viên nặng ký của đảng Dân chủ bằng một chiến thắng bất ngờ.

Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ ảnh 3

Chiến thắng đầy kịch tính của ông Trump năm 2016 đã khiến cả thế giới "việt vị".

Rất nhanh chóng, ông Trump đã biến Washington trở thành một căn cứ giống như New York, bằng cách lan truyền tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ở mọi nơi ông tới.

Các đối thủ càng ra sức ngăn cản, Trump càng phát triển mạnh mẽ.

Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm về mối liên hệ giữa sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và chiến dịch tranh cử của Trump đã xác nhận hành vi gây rắc rối nhưng vẫn không thể giúp phe Dân chủ hạ bệ Tổng thống của đảng Cộng hòa.

Sau đó, khi đảng Dân chủ tiếp tục khởi động thủ tục luận tội đầu tiên của họ vào năm 2019. Thế nhưng lần này, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ lớn từ đảng Cộng hòa, vốn nắm đa số ở Thượng viện, bản luận tội nhanh chóng bị bác bỏ.

Ngoài ra, một loạt các bê bối ngoài lề khác, cáo buộc lạm dụng một nữ diễn viên khiêu dâm, bỏ tù luật sư, vốn có thể dễ dàng quật đổ một chính trị gia nhưng lại không hề làm mảy may với vị thế của ông Trump.

Chỉ bằng tài khoản Twitter cá nhân và đám đông ủng hộ khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump tỏ ra bất khả xâm phạm không chỉ với những phe cánh đối lập mà còn là hầu hết các tổ chức của nước Mỹ.

Như ông Trump đã tweet vào năm 2012, "khi ai đó tấn công tôi, tôi luôn tấn công lại gấp 100 lần".

Một con người khó ưa

Đó là ở trong nước, còn tình hình bên ngoài thế giới cũng không mấy khác biệt. Tổng thống Trump đã áp đặt tư duy của một nhà buôn vào lĩnh vực ngoại giao bằng cách biến các liên minh của nước Mỹ thành các mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ.

Các đối tác lâu đời như Hàn Quốc, Đức và Canada đã bị cáo buộc là những kẻ ăn bám. Ngược lại, những đối thủ như Triều Tiên và Trung Quốc lại được mời đàm phán với các sáng kiến ngoại giao mang tính đột phá, trong đó Trump đóng vai trò chính.

Ở bất cứ nơi đâu, ông Trump luôn cho thấy niềm tin vào sự vượt trội của cá nhân mình. Tổng thống Mỹ gọi mình là "người được chọn." Ông tự hào về "trí tuệ tuyệt vời và vô song" của mình. Ông nói rằng "ngoại trừ Abraham Lincoln vĩ đại quá cố, tôi có thể trở thành tổng thống hơn bất kỳ người nào từng đảm nhiệm chức vụ này".

Ông Trump đã nói rất nhiều điều về bản thân. Tờ Washington Post đã cất công kiểm tra tính chính xác những gì ông Trump nói, và thu về hơn 30.000 tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu lầm.

Tuy nhiên, một tuyên bố điển hình mà ai cũng phải thừa nhận: "Chưa bao giờ có một Tổng thống như Trump."

Người hùng của tầng lớp lao động

Trước năm 2016, Trump chỉ nổi tiếng với bản tính quyết đoán khi chủ trì chương trình truyền hình thực tế "Người tập sự", đồng thời phát triển thương hiệu các tòa nhà sang trọng và câu lạc bộ chơi golf của mình.

Về lĩnh vực chính trị, đóng góp chính của ông là thúc đẩy thuyết âm mưu, bị nhiều người coi là phân biệt chủng tộc, rằng Barack Obama không sinh ra ở Mỹ và do đó là một Tổng thống bất hợp pháp.

Tuy nhiên, vào năm 2016 vị chính trị gia nghiệp dư này đã khôn ngoan lấy lòng tầng lớp lao động và nhanh chóng lan truyền các chuẩn mực xã hội tự do.

Từng là một nhà tiếp thị xuất sắc, Trump đã khai thác sức mạnh của Twitter, Facebook và kênh truyền hình Fox News để bán mình cho cái mà ông gọi là "những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên" của nước Mỹ.

Tại vùng Đông Bắc và Trung Tây, Trump thề sẽ khôi phục lại công việc trong các nhà máy và mỏ than, vốn đã rệu rã trong nhiều thập kỷ. Ông cũng thề sẽ chấm dứt "những cuộc chiến tranh vô tận, ngu ngốc" ở Iraq và Afghanistan. Lời hứa của ông về "Nước Mỹ trên hết" và một bức tường ở biên giới phía nam đã khiến các cử tri da trắng mơ về một giấc mơ Mỹ đúng nghĩa.

Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ ảnh 4

Ông Trump tận dụng sự ủng hộ của tầng lớp lao động nhằm hiện thức hóa "giấc mơ Mỹ" của mình.

Đối với tầng lớp "bị bỏ quên" này, ông Trump càng sử dụng những ngôn từ không chính thống, thì càng thu về nhiều sự ủng hộ của đám đông.

Như Trump đã thường nói với những người thuộc tầng lớp cổ cồn xanh của mình: "Chúng ta là những người ưu tú".

Suy sụp

Bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn, năm 2020 đem tới giông bão cho Tổng thống Mỹ. Ông Trump đã ăn mừng năm mới bằng một bữa tiệc xa hoa tại câu lạc bộ golf Mar-a-Lago của mình.

Nền kinh tế vững mạnh, cùng sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa và hệ sinh thái truyền thông cánh hữu gần như áp đảo. Trump đã có cho mình một lượng cử tri trung thành, mặc dù đại diện chưa tới một nửa dân số.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử cuối năm, đảng Dân chủ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc đặt niềm tin vào Joe Biden, một người đại diện cho những giá trị cũ ở Washington mà ông Trump mong muốn phá bỏ.

Bằng lối tiếp cận mạnh bạo, ông Trump khoác lên mình đối thủ Joe Biden hình ảnh của một chính trị gia già nua, có vấn đề sức khỏe, với hy vọng cử tri sẽ sớm quay lưng với ứng viên đảng Dân chủ.

Khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, Tổng thống Trump cũng liên tục trấn an người dân và bác bỏ về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Hình ảnh về một nước Mỹ dịch bệnh không giống với bức tranh bóng bẩy ông phác thảo trong đầu của mình.

Nhưng đã tới lúc, người đàn ông tự tin nhất thế giới cuối cùng đã gặp một đối thủ mà ông ta không thể kiểm soát.

Khi dịch bệnh đeo bám nước Mỹ trong hơn một năm, ông Trump dần rơi vào vũng lầy khi bị vô vàn khủng hoảng đeo bám. Trong khi đó, ứng viên Joe Biden chọn cách ở nhà và đưa ra các thông điệp mang tính xoa dịu, kêu gọi người dân tuân thủ các quy định giãn cách và xây dựng vai trò của một nhà lãnh đạo sẽ "hàn gắn" nước Mỹ.

Vào tháng 10, Trump đã phải nhập viện vì mắc COVID-19, vị Tổng thống thừa nhận căn bệnh này đã suýt giết chết ông.

Kế hoạch B

Sau một đêm chứng kiến các bang chiến trường đột ngột đổi màu, ông Trump dần nảy ra một kế hoạch B: nếu thua cuộc bầu cử ngày 3/11, ông sẽ không nhượng bộ, tuyên bố rằng kết quả đã bị gian lận.

Ban đầu, không ai tin rằng ông Trump nghiêm túc với kế hoạch điên rồ này, nhưng bằng cách liên tục tung ra các thuyết âm mưu để biện minh cho thất bại của mình, ông Trump gần như mê hoặc đám đông ủng hộ mình rằng đang có một âm mưu chống lại nền dân chủ Mỹ và cuộc bầu cử đơn giản là đã bị đảng Dân chủ "đánh cắp".

Và khi có kết quả, ông Trump đã chính thức khai hỏa.

"Nếu kiểm đếm số phiếu hợp pháp, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nếu kiểm đếm số phiếu bất hợp pháp, họ có thể tìm cách cướp cuộc bầu cử từ chúng ta", ông Trump tuyên bố.

Trong hai tháng tiếp theo, các luật sư của Trump đã tỏa ra khắp đất nước để đơn đơn kiện lên các tòa án nhằm lật ngược thế dẫn trước của ông Joe Biden.

Về phần mình, ông Trump đã sử dụng quyền lực của mình thông qua Twitter, Fox News, Nhà Trắng để lặp đi lặp lại các tuyên bố của luật sư, khiến những người theo dõi của ông nổi giận với các ủy ban bầu cử.

Nguồn sức mạnh lớn nhất của Trump luôn là đám đông. Vì vậy, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi đỉnh điểm của nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của ông Trump tập trung vào một đám đông giận dữ.

Donald Trump: Từ giấc mơ đến ác mộng của nước Mỹ ảnh 5

Đám đông luôn là nguồn cơn sức mạnh của ông Trump.

Vào ngày 6/1, phát biểu trước một đám đông gần Nhà Trắng, Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ mình tuần hành trước Điện Capitol, nơi các nhà lập pháp đang có mặt để chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

"Các bạn sẽ không giờ lấy lại đất nước của chúng ta bằng sự yếu kém. Hãy cho họ thấy sức mạnh", ông Trump tuyên bố.

Vài giờ sau, đám đông "những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên", những người thuộc tầng lớp lao động để tiến hành một bạo loạn bên trong trụ sở Điện Capitol, nhằm mục đích "báo thù giới tinh hoa" và bảo vệ nền dân chủ Mỹ.

Năm người đã thiệt mạng sau vụ bạo động, trong đó có một cảnh sát. Điện Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, đã bị chính người dân nước này đạp đổ. Kế hoạch bám trụ tới cùng tại Nhà Trắng đã không chỉ khiến nước Mỹ mất thể diện, mà còn quay trở lại "cắn ngược" Tổng thống Trump.

Từ một người mạnh mẽ và uy quyền, Trump đột ngột trở thành một kẻ bị ghẻ lạnh bởi chính các đồng minh trong đảng Cộng hòa.

Cả thế giới dần quay lưng với Trump, từ Twitter, tới các nhà tài trợ, các trợ lý và cố vấn thân cận. Tới những ngày cuối nhiệm kỳ, ông Trump lần thứ hai bị luận tội.

Tổng thống "ngậm thìa vàng"

Hành trình không tưởng của Donald John Trump bắt đầu vào ngày 14/6 năm 1946, tại quận Queens, thành phố New York.

Ông là con thứ tư trong số năm người con được sinh ra bởi nhà tài phiệt bất động sản Fred Trump và Mary Anne MacLeod Trump, một người nhập cư Scotland.

Được gửi đến học tại một học viện quân sự trong những năm tháng niên thiếu, Trump sau đó có tấm bằng kinh tế tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania. Giống như nhiều thanh niên được đặc ân của thời đại, ông không nằm trong diện phải sang Việt Nam chiến đấu.

Gia nhập công ty gia đình, Trump bắt đầu với cái mà ông gọi là "khoản vay rất nhỏ" từ cha mình trị giá 1 triệu USD. Một số nguồn tin cho rằng số tiền này có thể gấp 10 lần.

Trump tiếp quản công ty từ tay cha vào năm 1971, chuyển kinh doanh bất động sản sang quận Manhattan và xây dựng hình ảnh một tỷ phú ăn chơi nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Ngoài các tòa tháp cao tầng, sòng bạc và sân golf trải dài từ New Jersey đến Mumbai, Trump còn trở thành đồng sở hữu lâu năm của các cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ.

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công rực rỡ của ngôi sao truyền hình hạng A là một kỷ lục rối ren về các vụ phá sản, kiện tụng và các khoản cho vay nặng lãi. Trump đã cố gắng rất nhiều để che đậy mảng tối trong sự nghiệp của mình, phá vỡ truyền thống Tổng thống và từ chối công bố bản kê khai thuế của mình.

Vào tháng 9 năm ngoái, tờ New York Times có bằng chứng về ​​những khoản thu lợi nhuận mờ ám mà Trump thường giấu diếm để tránh phải đóng thuế thu nhập liên bang.

Báo cáo đã gây ra vụ bê bối thứ 11 trong nhiệm kỳ Tổng thống chưa từng có này. Tuy nhiên, vụ việc cũng sớm bị lãng quên để nhường chỗ cho một vụ việc mới khác, cứ thế lặp đi lặp lại suốt 4 năm qua.

Nhiều người thích gọi Trump là Tổng thống chương trình thực tế. Ông cũng không coi đó là một sự xúc phạm.

Nhưng vào ngày 3/11, người Mỹ quyết định hủy bỏ mùa phát sóng tiếp theo của show truyền hình chính trị này. Trump vẫn sẽ là tâm điểm chú ý của hàng triệu người, chắc chắn ông vẫn sẽ là trung tâm của đám đông.

Tuy nhiên, hiện tại, giống như các diễn viên khác, Donald Trump sẽ chỉ phải chờ đợi vai diễn tiếp theo.

Theo AFP
TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.