Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng. Mỗi phút trôi qua sẽ có gần hai triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác,…
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp bốn lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp ba lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp sáu lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin,…
Đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt, tỷ lệ này gia tăng đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng béo phì văn phòng..
BS Tuấn cho biết, trong điều trị tai biến mạch máu não, cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân nhồi máu não đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới sáu giờ sau khi bị đột quỵ). “Với đột quỵ chảy máu não, tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não (nếu có)”, BS Tuấn nói.
Với tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ bốn bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có một bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát, BS Tuấn khuyên người bệnh cần dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm, có thể tập ngay sau 24 giờ đầu.
Mặc dù đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Do đó, phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực như không lạm dụng bia rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích. Mọi người cần có chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân cũng cần tăng cường kiểm soát và điều trị tốt các bệnh như ái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch... bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh lý về tai biến mạch máu não, ngày 21 và 22-12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám và tư vấn miễn phí về các bệnh lý tai biến mạch máu não. Đến với chương trình, người dân sẽ được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về thần kinh nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: nhồi máu não, xuất huyết não, di chứng tai biến mạch máu não.