Xây bể phốt trước cửa nhà dân
Dự án Melosa Garden tọa lạc trên khu đất rộng hơn 7,2ha tại phường Phú Hữu (TP.Thủ Đức) chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2016, đến nay dự án đã bàn giao 566/567 căn nhà và có khoảng 500 hộ đã dọn vào sinh sống. Thế nhưng, cư dân phản ánh đến nay trạm xử lý nước thải của dự án vẫn chưa hoàn thiện.
Theo đó, sau ba năm bàn giao, đến khoảng tháng 4/2019, Công ty Song Lập khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải trên phần đất được quy hoạch công viên của dự án mà không hề thông báo cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trạm xử lý nước thải được xây dựng cách trục đường chính khoảng 2m và cách nhà dân khoảng 10m khiến nhiều người bức xúc và lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Cư dân cho rằng, Công ty Song Lập và Khang Điền đã lừa dối họ. Bởi lẽ khi khách hàng nhận nhà vào ở rồi chủ đầu tư mới tiến hành thi công trạm xử lý nước thải. “Nếu biết cửa nhà mình nằm ngay trước bể phốt chứa chất thải của 567 căn nhà toàn dự án thì đời nào tôi mua và chắc cũng không khách hàng nào dám mua những nhà ở vị trí này”, ông Minh, một cư dân bị ảnh hưởng bởi trạm xử lý nước thải bức xúc nói.
Trong 2 năm qua, nhiều hộ dân tại dự án Melosa Garden đã gửi đơn thư khiếu nại, cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Trước sự phản ứng quyết liệt của cư dân, Công ty Song Lập cũng đã tạm dừng thi công trạm xử lý nước thải này.
Theo ghi nhận của phóng viên Ngày Nay, trạm xử lý nước thải được triển khai ngay trước cổng nhà của các hộ dân và dưới cột điện cao thế chạy qua dự án. Riêng khu đất dự kiến xây dựng hạng mục trạm xử lý nước thải chỉ mới quây tôn tạm và bỏ hoang.
Nhiều người đặt câu hỏi, khoảng 500 hộ dân đã vào sinh sống với lượng nước thải ước tính 500m3/ngày được xử lý ra sao suốt 5 năm qua? Liệu mạch nước ngầm và con rạch ở cuối dự án có bị ảnh hưởng hay không?
Trạm xử lý nước thải dự án Melosa Garden (khu vực quây tôn) đặt sát cổng nhà dân và ngay chân cột điện cao thế. |
Nguy cơ ô nhiễm
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, Thạc sĩ Dương Thị Thành, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết, trạm xử lý môi trường nếu đặt quá sát nhà dân, không đảm bảo đủ khoảng cách an toàn sẽ gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường với các hộ dân bị ảnh hưởng.
Quan trọng là hệ thống xử lý nước thải được xây dựng là kín hay hở, nếu đặt quá gần nhà dân thì phải hệ thống khí thải toàn bộ phải được xây kín, hệ thống xây âm dưới đất và các bể bắt buộc phải được đậy kín, phần đất phía trên khu vực xây trạm phải được trồng cây xanh. Các khí thải độc hại như H2S, VOC, các hợp chất hữu cơ, Amoniac, NH3 phải xử lý đạt tiêu chuẩn dưới ngưỡng cho phép.
“Nếu trạm xử lý nước thải có phần nổi lên mặt đất tức là hệ thống hở, nếu đặt hệ thống hở thì phải đảm bảo đúng khoảng cách an toàn, nếu nằm ngay sát nhà dân thì không được. Nếu hệ thống nổi thì chắc chắn sẽ xảy ra 2 vấn đề là mùi hôi, ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn khi máy móc của hệ thống xử lý nước thải hoạt động”, cô Thành cho biết.
Về nguyên tắc, nếu trạm xử lý nước thải không đạt quy chuẩn thì không thể được cấp phép. Xây dựng trạm xử lý nước thải bắt buộc phải được cấp phép và phải vận hành thử nghiệm, sau thời gian thử nghiệm nếu đạt các tiêu chuẩn an toàn về môi trường thì mới cho vận hành, nếu không đạt thì bắt buộc phải sửa chữa. Do đó, cư dân cần theo dõi trong quá trình thử nghiệm nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm thì nhanh chóng phản ánh đến Sở Tài nguyên Môi trường để họ cân nhắc không cho trạm xử lý đi vào hoạt động, buộc phải thay đổi, có các công nghệ xử lý phù hợp hơn.
Bên trong trạm xử lý nước thải hiện nay ngổn ngang vật tư, chưa có dấu hiệu thi công trở lại. |
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trao đổi với Ngày Nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay theo quy định thì các khu chung cư, khu dân cư là đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định tại mục II, Phụ lục II, Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
Hạng mục này cũng là điều kiện đủ để được cấp phép xây dựng và nghiệm thu hoàn công công trình. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 37 Nghị định 38/2015/NĐ-CP thì: “Các khu dân cư tập trung, tòa nhà cao tầng, tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý hệ thống nước thải theo quy hoạch...”.
Với việc Công ty Song Lập bàn giao công trình đưa vào sử dụng mà không có hệ thống xử lý nước thải có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể xem xét xử phạt.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3, Điều 28 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì chủ đầu tư xây dựng mới khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi bàn giao công trình đưa vào sử dụng mà không có hệ thống tiêu thoát nước thải, không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, không có kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, không đảm bảo yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng – 250 triệu đồng.
Luật sư Hậu cho biết, nếu xảy ra hành vi xả trực tiếp ra kênh thì chủ đầu tư có thể bị xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tùy vào mức độ mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1 tỷ đồng.
“Nếu hành vi xả nước thải ra môi trường có thật thì pháp nhân thương mại thậm chí có thể bị xem xét xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 235 Bộ luật Hình sự quy định hành vi gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng - 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6 tháng – vĩnh viễn, ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm – 3 năm”, luật sư Hậu phân tích.
Theo phản ánh của người dân, hiện nay trạm xử lý nước thải của dự án Mega Village (cũng thuộc của Khang Điền) xây cạnh đó cũng có một phần nổi lên mặt đất và trạm hoạt động gây ra tiếng ồn cùng tình trạng bọt khí bay lên bám vào các căn nhà bên cạnh.