Sau khi nhận được phản ánh của người dân, sáng 13/4, phóng viên đã có mặt tại các khu vực này để ghi nhận thực tế. Thời điểm này, nước đen đã rút nhưng vẫn còn hằn dấu vết dọc hai bên bờ suối, cao gần một mét, bốc mùi. Ông Lê Công Hiển (người dân địa phương) cho biết: “Tối họ bơm phân heo ra nên tới sáng sớm sẽ thấy nước chảy qua ướt cỏ và đất bên bờ suối, khi nắng lên thì nước thải khô dần nhưng còn đông đặc màu đen”.
Người dân còn cho hay, ở Suối Đá chảy ra đường Hưng Nghĩa (xã Lộ 25), lớp nước thải kèm theo mùi phân heo dày hơn 30cm, bốc mùi nồng nặc. Nếu đứng trên đường lớn nhìn xuống cứ như một dải nhựa đường, khi đến gần mới thấy đó là lớp chất thải đông lại, không chảy được. Trong khi đó, suối Bí đoạn chảy qua khoảng 10 trại heo thuộc khu vực ấp 5, xã Lộ 25 chỉ nhìn thấy một màu đen, vài nơi sủi bọt. Đoạn suối chảy ra cầu Hưng Nghĩa cũng tương tự, nhiều vị trí nước thải đọng lại đen ngòm.
Nhiều vị trí nước thải đọng lại đen ngòm. |
“Nói là khu chăn nuôi tập trung nhưng thật ra xưa nay người dân tự lập ra, khoảng 50 trại xen giữa hàng trăm thửa đất nông nghiệp mà họ sinh sống. Từ đó, chúng tôi ở khu vực thấp hơn phải ăn ngủ với môi trường hôi thối và ruồi nhặng. Ở khu vực này, nước giếng điều không dùng được”, ông Lê Bá Lực (người dân địa phương) bức xúc và cho biết thêm:
“Trước đây, các trại heo này ít hôi thối. Gần đây, họ đợi đến tối là bơm phân thẳng ra suối nên mùi hôi nồng rất khủng khiếp. Nước thành một màu đen, không một sinh vật nào sống được. Người dân bức xúc không biết kêu ai, phản ánh lên chính quyền xong rồi lại thôi”.
Nước rút để lại vệt đen hôi thối hai bên bờ suối. |
Trao đổi phóng viên Ngày Nay, ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất nói: “Hôm trước nghe dân báo, chuyên viên phòng đã vào lấy mẫu kiểm tra nhưng chủ các trại heo cho rằng họ phơi phân heo gặp trời mưa nên chảy xuống suối thôi”.
Trong khi đó, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất khi nghe tin vụ việc đã khẳng định: “Tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra vấn đề này ngay, nếu xảy ra xả thải sẽ xử phạt mức cao nhất, kiên quyết đóng cửa các trại chăn nuôi xả thải nguy hại ra môi trường”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông huyện Thống Nhất, toàn huyện có trên 500 trại chăn nuôi heo. Trước đợt dịch, huyện nuôi bình quân khoảng 540.000 ngàn con, nhưng hiện nay một số trại chăn nuôi không thể tiếp tục duy trì số lượng mà chỉ nuôi cầm chừng nên số heo giảm chỉ còn 140.000 ngàn con. “Hiện nay, Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở huyện đã bị bãi bỏ nhưng các trại chăn nuôi này đã hoạt động từ trước nên rất khó xử lý”, đại diện đơn vị này cho hay.