Du học sinh Việt Nam phòng chống dịch COVID-19: Không chủ quan, không hoang mang

V.T.T. là nghiên cứu sinh, đang theo học chương trình tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Sydney (UTS) chuyên ngành Khoa học máy tính cho biết, bang anh đang sinh sống và học tập đã có hàng trăm ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Cách đây hơn một tuần, trường UTS có ghi nhận một sinh viên nhiễm COVID-19. Sau đó, UTS chuyển sang hình thức học online và hủy bỏ các hoạt động đông người không cần thiết. Mới nhất, UTS đã ghi nhận thêm một sinh viên nhiễm COVID-19.
Đường phố ở Úc vắng lặng những ngày này. Ảnh: M.T
Đường phố ở Úc vắng lặng những ngày này. Ảnh: M.T

Tuy vậy, anh T cho biết thời điểm hiện tại, anh không có dự định về nước. “Với đặc điểm của đại dịch COVID-19 tôi nghĩ mọi người nên hạn chế đi lại, đặc biệt là bằng đường hàng không. Cá nhân tôi thấy rằng để đẩy lùi được đại dịch COVID-19, tất cả các cá nhân phải có ý thức và trách nhiệm tạo ra một môi trường xã hội an toàn, không chỉ dừng lại ở việc tự bảo vệ cá nhân mình. Khi xã hội bị mất an toàn, đại dịch bùng phát thì sự an toàn của mỗi cá nhân cũng sẽ không còn bởi nguồn lực y tế không đủ đáp ứng, chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm bị đình trệ” – anh V.T.T thông tin.

Chia sẻ từ quan điểm cá nhân, anh V.T.T cho hay các sinh viên đi du học cần hạn chế đi lại, nếu không rơi vào tình huống nguy cấp thì không nên về nước. Tình huống nguy cấp theo anh lý giải là hoàn cảnh mà không thể đảm bảo sự an toàn cá nhân trong vòng 2 tháng. Nếu có thể tích trữ được nhu yếu phẩm để sống biệt lập tại nhà trong vòng 2 tháng thì nên cân nhắc giải pháp đó. 

Theo anh V.T.T việc di chuyển giữa các nước và việc cách ly khi về nước sẽ có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn là ở nguyên một chỗ. Chưa kể, việc di chuyển qua lại và cách ly sẽ làm hao tổn nguồn lực xã hội không đáng có.

“Tôi cảm thấy một chút lo lắng chung. Đại dịch này sẽ ảnh hưởng tới nhiều thứ không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả ở dài hạn. Ngắn hạn là vẫn đề liên quan tới sức khỏe, lương thực, và học tập. Dài hạn là vấn đề thất nghiệp, chia rẽ xã hội, và phân biệt chủng tộc”, anh V.T.T nói.

Mỗi người là một pháo đài phòng chống dịch

Hiện anh T. học tại nhà, báo cáo và xử lý các thủ tục qua mạng. “Tôi đã tính đến những kịch bản xấu nhất của đại dịch COVID-19. Bởi vậy, tôi đã chuẩn bị đủ lương thực cơ bản và đồ thiết yếu để có thể không phải ra khỏi nhà trong khoảng ba tháng”, anh T thông tin.

Từ tuần này, anh bắt đầu không sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đi lại trên đường phố hoặc nơi cộng cộng anh cho rằng cần chủ động giữ khoảng cách với người khác; Hạn chế hít thở sâu khi đi ngang qua người khác; Tuyệt đối không nói chuyện nơi công cộng.

"Cần nắm được lịch sử đi lại và tiếp xúc của mình; cần xác định nguy cơ mỗi khi tay mình tiếp xúc vào một vật gì đó ở nơi cộng cộng; Tránh chạm tay lên mặt khi ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên. Mỗi khi có việc ra ngoài về, việc đầu tiên tôi cần làm là rửa tay bằng nước diệt khuẩn…", T. chia sẻ.

Theo Tiền Phong
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.