Ví dụ như cặp vợ chồng phải trả 2 euro cho một chiếc bánh sandwich giăm bông cắt làm đôi trên bờ hồ Como, hay một bà mẹ trẻ phải bỏ ra 2 euro để hâm nóng bình sữa cho con mình trong lò vi sóng ở thị trấn ven biển Ostia.
Cũng tại hồ Como, du khách sẽ phải bỏ ra thêm 10 xu để được rắc cacao vào cốc cà phê cappuccino. Các quán cà phê Ý hiếm khi sử dụng ca cao trên cà phê cappuccino, vì vậy nhiều du khách rất bất bình trước việc này.
Một cặp du khách khác cũng đã phải trả 60 euro cho hai ly cà phê và hai chai nước nhỏ tại khách sạn Cervo ở Sardinia, mặc dù người chủ khách sạn cho rằng giá cả được niêm yết rõ ràng và chi phí này xứng đáng được du khách bỏ ra để được ngắm nhìn những chiếc du thuyền sang trọng ở cảng Sardinia gần đó.
Những trường hợp tận thu này thường được truyền thông Ý gọi là “hóa đơn điên rồ. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Consumerism No Profit cho biết giá cả đã tăng 130% tại các khu du lịch ở Ý vào mùa hè này.
Mục tiêu béo bở
Không chỉ các nhà hàng, khách sạn điều chỉnh giá trên menu. Giá nhiên liệu và điện tăng cao đã khiến mùa hè tại Ý trở nên cực kỳ đắt đỏ.
Giá cả đã trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, cao hơn khoảng 240% so với các điểm đến khác ở Địa Trung Hải, đến nỗi nhiều người Ý bỏ qua các điểm đến quen thuộc, thay vào đó chọn các quốc gia ven biển có giá cả phải chăng hơn như Albania và Montenegro.
Ngay cả Văn phòng của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng chỉ tổ chức một kỳ nghỉ ngắn ngày ở bãi biển Albania trong năm nay.
Hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất nước Ý Confcommercio dự đoán rằng chỉ có 14 triệu người dân sẽ không đi du lịch vào dịp nghỉ lễ Ferragosto truyền thống, giảm khoảng 30% so với số liệu trước giai đoạn dịch bệnh.
Ông Furio Truzzi từ tổ chức giám sát người tiêu dùng Assoutenti cho biết: “Việc tăng giá rất mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng không, chỗ ở và gói kỳ nghỉ đã thay đổi sâu sắc thói quen đi du lịch của người Ý".
"Giá cả sẽ không ngăn cản người Ý đi nghỉ, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến thời gian họ ở lại. Điều nghịch lý là mặc dù số ngày nghỉ lễ giảm, nhưng chi tiêu sẽ cao hơn: kỳ nghỉ hè năm 2023 sẽ khiến người Ý tiêu tốn nhiều hơn 1,2 tỷ euro so với năm 2022, mặc dù số đêm xa nhà ít hơn”, ông Truzzi chỉ ra.
Khách du lịch nước ngoài đã bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm, với việc Bộ du lịch Ý dự đoán rằng 68 triệu khách du lịch sẽ đến thăm nước này trong mùa hè, nhiều hơn 3 triệu so với con số trước đại dịch, khiến họ trở thành mục tiêu dễ dàng nhất để "chặt chém".
Bộ du lịch Ý cho biết, du khách Mỹ và châu Á đã đến rất đông trong năm nay, thay thế khách du lịch Nga, những người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn nhưng lại vắng mặt trong năm nay.
Một trong những dịch vụ nổi tiếng về độ "chặt chém" tại Ý chính là các cơ sở cho thuê giường phơi nắng và ô.
Ở các bãi biển ven Địa Trung Hải như Puglia, giá thuê hàng ngày cho hai giường phơi nắng và một chiếc ô trong tuần trung bình là 50 euro và gần gấp đôi vào cuối tuần.
Xa hơn về phía bắc nước Ý, giá để ngồi ở hàng ghế đầu trên một bãi biển đông đúc tại làng chài Portofino có thể lên đến 150 euro vào ngày trong tuần.
Theo đại diện Federalberghi (Liên đoàn khách sạn Ý), giá cả trong nước tăng cao khiến nhiều người Ý chọn nghỉ mát ở nước ngoài. Để đến được điểm nghỉ dưỡng truyền thống của Ý như đảo Sardinia, một gia đình phải có thể trả hàng nghìn đô la một ngày, bắt đầu bằng một chuyến phà hoặc vé máy bay đắt tiền, chưa kể tới giá khách sạn và chi phí ăn uống.
Tại một quán cà phê ở Piazza Navona, trung tâm thủ đô Rome, cặp đôi người Mỹ Betsy và James Cramer cho biết cảm thấy "khó nuốt" khi nghe số tiền phải trả cho hai ly cocktail.
“Chúng tôi biết giá gelato, cocktail hay khách sạn đều đắt. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi này trước COVID-19 và đã mơ về nó, mặc dù chúng tôi đã đọc những bài báo về mức giá đắt đỏ", Betsy Cramer nói. "Khi cầm thực đơn, chúng tôi sẽ hỏi xem có tính thêm phí không. Nếu có thì hoặc rời đi, hoặc chấp nhận gọi".
Theo Bộ du lịch Ý, dù giá cả tăng cao có thể ảnh hưởng đến khách du lịch bình thường, nhưng lĩnh vực du lịch hạng sang vẫn tăng trưởng trong năm nay. Giới chức du lịch Ý ghi nhận con số kỷ lục 11,7 triệu du khách lưu trú tại các khách sạn 5 sao vào mùa hè này.
Bộ trưởng du lịch Ý Daniela Santanche cho biết mặc dù mùa hè năm nay được đánh dấu bằng những tin tức tồi tệ về giá cả tăng cao và ít người Ý đi du lịch hơn, nhưng mùa hè vẫn là thời điểm quyết định trong quá trình phục hồi sau đại dịch của Ý.
“Tôi sẽ không nói về một thất bại, nhưng cũng không phải về một thành công. Tôi muốn nói rằng cuối cùng chúng ta cũng có thể bắt đầu thảo luận lại về du lịch và lên kế hoạch cho những bước đi tiếp theo của mình. Trên thực tế, đây là năm đầu tiên không có hạn chế về đại dịch, và do đó, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể gọi năm 2023 là năm số 0”, bà Santanche nói.