Theo khảo sát của các nhà khoa học, Công viên địa chất Đắk Nông hiện có 5 miệng núi lửa, bao gồm cả núi lửa âm và núi lửa dương, là nơi lưu giữ lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ Trái Đất in dấu lên vùng đất nơi đây.
Núi lửa Băng Mo (Ea Tling)
Núi lửa Băng Mo (trước đây gọi là núi lửa Ea T'Linh) nằm ở thị trấn Ea T'Linh, huyện Cư Jút. Đây là núi lửa trẻ, điển hình của kiểu phun trào trung tâm, có niên đại từ 200.000-600.000 năm.
Miệng núi lửa Băng Mo được bảo tồn khá tốt với hình dạng tương đối tròn và rõ nét; đường kính khoảng 242m, cao 40m và ở độ cao 407m so với mực nước biển. Xung quanh khu vực này, có thể tìm thấy xỉ, tro, đá và bom núi lửa nằm trải rác.
Núi lửa Băng Mo hiện là núi lửa duy nhất được địa phương đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên đỉnh núi.
Núi lửa Nâm Gle (Thuận An)
Nằm ở huyện Đắk Mil, núi lửa Nâm Gle được xem là một trong những núi lửa trẻ ở khu vực Tây Nguyên. Hình dáng núi lửa này khác hẳn so với các núi lửa khác trong khu vực công viên địa chất Đắk Nông.
Núi lửa có dạng oval kéo dài thành lòng máng hẹp, phần thấp nhất tạo nên một rãnh hẹp sâu kéo dài trùng với phương đứt gãy Đông Bắc-Tây Nam.
Từ trên cao xuống, núi lửa Thuận An trông giống như hai mảnh vỏ hến úp vào nhau. Đây là một trong những núi lửa có hình dáng đẹp, có sự kết hợp giữa phun trào khe nứt và phun nổ.
Núi lửa Nâm Gle hoạt động cách đây khoảng 781.000-126.000 năm. Ngay sát chân núi lửa là hồ nước tự nhiên khá rộng và đẹp.
Theo nhận định của các nhà khoa học, cơ chế thành tạo của hồ có thể liên quan đến hoạt động của núi lửa này.
Núi lửa Nam Dơng
Tọa lạc ở huyện Cư Jut, Nam Dơng là núi lửa lớn thứ ba của Công viên địa chất Đắk Nông, có cảnh quan ngoạn mục và được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Miệng núi lửa có hình phễu với độ cao của địa hình ít khác biệt so với xung quanh. Đây là núi lửa dạng khiên có diện phân bố đá basalt rộng lớn và rất ít tro vụn núi lửa. Theo độ cao của miệng núi lửa, có thể gọi đây là miệng núi lửa âm, bởi vì nhìn từ xa cũng như ở gần (trong vòng bán kính 1-2km) không phân biệt được hình thái núi lửa.
Núi lửa Nam Dơng có pha sau cùng phun trào cách đây khoảng 0.401 ± 0.17 triệu năm, Miệng núi lửa có hình phễu đã minh chứng cho hiện tượng co rút thể tích và sụt lún theo nguyên lý cân bằng trọng lực ngay sau khi phun trào ngưng nghỉ.
Cụm núi lửa Nâm Kar
Nằm trên địa bàn huyện Krông Nô, tiếp giáp với xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, núi lửa Nâm Kar là một trong những núi lửa đẹp nhất trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.
Núi lửa này hoạt động cách ngày nay khoảng 5,33 - 0,78 triệu năm trước, có sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ. Ngoài miệng núi lửa chính còn có 2 miệng núi lửa phụ được hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham. Ngoài ra còn có các khuôn cây hóa thạch được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa.
Núi lửa này có quy mô không lớn nhưng có các "núi lửa vệ tinh", có tính độc đáo về kiểu hình thành, cấu tạo và tính phân kỳ. Cùng với núi lửa Nâm Kar, núi lửa phụ và nón than khu vực lân cận đã tạo nên cụm các miệng núi lửa có hình dạng đẹp ngoạn mục và độc đáo vào bậc nhất của Công viên địa chất Đắk Nông.
Núi lửa Chư B'Luk
Núi lửa Chư B'Luk, nằm ở huyện Krông Nô, có hình nón cụt đặc trưng, đẹp ngoạn mục và có thể chiêm ngưỡng được từ một khoảng cách rất xa với các hướng khác nhau.
Đáng chú ý, đây là núi lửa duy nhất trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông tạo ra hệ thống 50 hang động dung nham, có quy mô và độc đáo bậc nhất Đông Á, ẩn chứa nhiều điều thú vị đang cần được nghiên cứu và giải mã.
Ngoài ra, việc phát hiện ra di chỉ khảo cổ của người tiền sử sinh sống trong hệ thống hang động núi lửa này đã làm nổi bật thêm giá trị khoa học, giáo dục của điểm địa chất độc đáo này.