Theo đó, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ bám sát nhiệm vụ đánh giá mức độ học vấn phổ thông thay vì đảm trách cùng lúc 2 mục tiêu như 4 năm đã thực hiện. Các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT là việc của trường.
Trả quyền tự chủ cho các trường đại học
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ chủ yếu căn bản là nội dung chương trình lớp 12. Đề thi sẽ được làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường ĐH, CĐ sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh.
Điều quan trọng nhất là năm tới, việc thi cử phải đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan để đánh giá đúng năng lực người học”
Phát biểu tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua sự tham khảo, học hỏi nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD-ĐT sẽ có nhiều hướng đổi mới đối với kì thi năm tới. Điều quan trọng không chỉ là một kì thi để công nhận xét tốt nghiệp, thông qua kì thi, chúng ta có cái nhìn đúng về nội dung, phương pháp chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông giúp những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời sẽ đảm bảo được chất lượng đồng đều trên phạm vi toàn quốc.
Đây cũng là điều mà nhiều đại biểu, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra sau 4 năm tổ chức thi THPT “2 trong 1” như: tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, luôn trên 90% không phản ánh đúng chất lượng học sinh, điểm thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ thấp, đề thi năm thì dễ, năm thì khó, sai phạm trong chấm thi ở một số địa phương do quy trình tổ chức thi chưa chặt chẽ... Những bất cập liên tục xuất hiện trong 4 năm tổ chức là do Bộ GD-ĐT chưa xác định được mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết thêm, đề thi THPT quốc gia năm 2019 được thiết kế, xem xét lại nhằm đánh giá mức độ học vấn phổ thông. Đề sẽ không quá dễ mà bao gồm cả những câu hỏi có tính phân hóa.
Điều chỉnh này khá hợp lý trong điều kiện hiện nay và sẽ không khiến các trường đại học bối rối khi đã được giao tự chủ tuyển sinh. Nếu đủ độ tin cậy, các trường có thể chọn kết quả thi THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển tùy mức độ, còn không, vẫn có thể sử dụng những phương thức khác để đảm bảo đầu vào cho trường mình.
Ông Mai Văn Trinh phân tích thêm: “Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở, là căn cứ, còn các trường đại học theo tinh thần tự chủ hoàn toàn”. Nghĩa là, phụ thuộc vào đẳng cấp, nhu cầu đào tạo và năng lực của từng trường để các trường quyết định có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vào xét tuyển đại học hay không. Nếu kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đủ độ tin cậy và đáng tin, các trường đại học sẽ sử dụng. Còn không, các trường có quyền từ chối.
Cải tiến cải lùi lại quay về... nếp cũ
Thiết kế lại đề thi, chấn chỉnh lại mục đích… nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn lo ngại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 không có đổi mới đột phá. Giả sử, nếu kết quả thi không đủ độ tin cậy, các trường đại học sẽ ồ ạt tổ chức kỳ thi riêng. Học sinh bị cuốn vào nhiều kỳ thi khác ngay sau thi tốt nghiệp, sẽ rất tốn kém và làm khổ thí sinh. Chưa kể, chuyện thi THPT quốc gia được tách hẳn sang phục vụ một mục đích sẽ chẳng khác nào quay lại nếp xưa: Các Sở tổ chức thi tốt nghiệp, các trường đại học tự tổ chức thi.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên PGĐ Đại học quốc gia TP HCM đưa quan điểm, thay đổi mục tiêu ra đề là phù hợp với nhu cầu thực tế vì một đề thi không thể nào hoàn thành tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học. Nhưng, về lâu dài cần tính đến việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh như thế nào cho hiệu quả. Hiện nay công thức tính kết quả xét tốt nghiệp phổ thông gồm 50% điểm trung bình lớp 12 và 50% kết quả thi THPT quốc gia. Tổ chức một kỳ thi quốc gia chỉ để phục vụ 50% kết quả xét tốt nghiệp là lãng phí và chưa thực sự hiệu quả.