Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay. Cụ thể, giao địa phương tổ chức thi, đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp và có sự phân hóa.
Tuy nhiên, theo bà Tâm Đan, Bộ GD&ĐT phải siết chặt khâu chấm thi, tổ chức chấm thi theo cụm. “Sự việc gian lận như vừa rồi, sai ở đâu xử lý ở đó. Tuy nhiên, Bộ phải phối hợp các địa phương bố trí cán bộ làm thi đảm bảo trung thực, đồng thời tăng cường thanh tra”, bà Đan nói. Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm, giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và giao quyền tuyển sinh ĐH cho các trường có phương án tuyển sinh riêng.
Đại biểu nêu ý kiến góp ý |
Bỏ biên chế vĩnh viễn với giáo viên?
Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, vấn đề lương nhà giáo nếu được Luật hóa sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn. Trên thực tế, nhà giáo hiện không sống được bằng lương. Ngành giáo dục cần phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Bỏ biên chế vĩnh viễn và chỉ giữ lại hình thức hợp đồng lao động để thúc đẩy năng suất lao động, tránh tình trạng ỉ lại, bám vào nhà nước.
Ông Khang cho rằng, câu chuyện hàng trăm giáo viên ở Thanh Oai bị cắt hợp đồng vừa đau, vừa đúng. Ông không hiểu vì lẽ gì mà suốt nhiều năm qua, giáo viên đi làm nhận mức lương 1,3 triệu đồng vẫn bám trụ. Chính là vì, bám trụ để đợi đến ngày được vào biên chế nhà nước.
Cũng theo ông Khang, 20 năm nay việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm không đem lại hiệu quả về chất lượng. Gần đây, có ý kiến, cho sinh viên sư phạm vay tín dụng. Nếu sau khi ra trường, làm việc trong ngành sư phạm ít năm, sẽ được xóa nợ. Ông Khang cho rằng, đây là chính sách không đem lại hiệu quả bởi ngành sư phạm không giải quyết được hai vấn đề để thu hút sinh viên chính là: học xong có việc làm không và mức lương có đáp ứng được đời sống hay không?
Về vấn đề đào tạo sư phạm, GS Trần Ngọc Giao cho rằng, trước mắt nên duy trì trường sư phạm như hiện nay nhưng lâu dài chỉ nên đào tạo 3 năm cơ bản. Sau đó, học sinh nào có nguyện vọng thì học thêm 1 năm nghiệp vụ sư phạm. Như vậy sinh viên sẽ chủ động hơn về nghề nghiệp.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, so với dự thảo đã trình Quốc hội trước đó, dự thảo lần này bổ sung chính sách đối với nhà giáo và miễn học phí THCS.
ÐH không thể đào tạo trong 3 năm
Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng dự thảo Luật Giáo dục ĐH quy định thời gian học ĐH là 3-5 năm cần phải có những thay đổi, xem xét thấu đáo.
GS Đặng Ứng Vận, trường ĐH Hòa Bình cho rằng cần bổ sung 2 nội dung vào Luật Giáo dục ĐH. Đó là kiểm định và việc làm cho sinh viên. Các trường phải công khai vấn đề việc làm cho sinh viên. Điều này theo GS Đặng Ứng Vận liên quan đến vấn đề chi trả tín dụng của sinh viên. Sinh viên ra trường có việc làm, lương có đủ để chi trả tín dụng đã vay để đi học không? “Sinh viên trường nào đó ra trường đi làm 5 - 7 năm mà vẫn không chi trả được tín dụng đã vay đi học thì ngân hàng có quyền không cho sinh viên trường đó vay nữa” - GS Đặng Ứng Vận nêu quan điểm.
Phát biểu kết luận buổi hội thảo, ông Phan Thanh Bình cho rằng Luật lần này phải làm bật nên được tự chủ ĐH và hệ thống các trường ĐH tư thục.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về vấn đề có nên cho học sinh nghỉ học cuối tuần? Theo GS Ngọc Giao, giáo dục học sinh vai trò của gia đình rất quan trọng, do đó cuối tuần cần trả học sinh về cho gia đình để các em được trải nghiệm, giáo dục trong môi trường đó.
Riêng bà Tâm Ðan lại cho rằng, nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn số buổi. Bà Tâm Ðan đề nghị cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là có điều kiện về trường lớp hay không. “Chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số học sinh/ lớp. Vì thế, hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi mà sĩ số học sinh tăng lên đến 60-70 em”, bà Tâm Ðan nói.