Nghiên cứu do các công ty nghiên cứu kinh tế Prognos và GWS và Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinh thái của Đức thực hiện khi chính quyền Berlin đang xây dựng chiến lược thích ứng với khí hậu sắp được Bộ Môi trường nước này trình bày.
Kết quả nghiên cứu cũng được công bố trong bối cảnh các cuộc tranh luận trong liên minh cầm quyền về cách Đức có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong các lĩnh vực đầy thách thức như giao thông vận tải và xây dựng để trở thành trung hòa carbon vào năm 2045.
Các Bộ Kinh tế và Môi trường của Đức đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cực cao, hạn hán và lũ lụt có thể gây thiệt hại từ 280 tỷ đến 900 tỷ euro từ năm 2022 đến năm 2050, tùy thuộc vào mức độ ấm lên toàn cầu.
Các chi phí bao gồm thiệt hại về sản lượng nông nghiệp, thiệt hại hoặc phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng do mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa và tác động đến hệ thống y tế.
Nghiên cứu không tính đến thiệt hại phi tài chính như suy giảm sức khỏe, tử vong do nắng nóng và lũ lụt và tổn thất về đa dạng sinh học.
Các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho Đức ít nhất 145 tỷ euro từ năm 2000 đến năm 2021, 80 tỷ trong số đó chỉ xảy ra trong 5 năm qua, bao gồm cả lũ lụt năm 2021 ở các bang Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia.
Nghiên cứu cho thấy các chi phí thiệt hại tiềm năng có thể được giảm hoàn toàn thông qua các biện pháp thích ứng với khí hậu như lưu trữ carbon nếu biến đổi khí hậu chỉ ở mức nhẹ, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 60-80% chi phí có thể được tiết kiệm theo các biện pháp như vậy tùy thuộc vào mức độ thay đổi của khí hậu.