Từ xa xưa, dân gian thường gọi là “ăn Tết” thay vì “chơi Tết”. Tết đúng nghĩa là phải có “mâm cao cỗ đầy” cúng gia tiên, tiếp đón họ hàng, làng xóm… thể hiện sự đủ đầy, sung túc của gia đình và cũng là mong ước đón một năm mới may mắn.
Xưa ra đường người ta thường hỏi thăm nhau “năm nay ăn Tết to không?”, “Có đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành không?”. Nhưng nay đã khác, cuộc sống đủ đầy vật chất, quần áo mới, bánh chưng và các món ăn ngon có thể dễ dàng mua sắm quanh năm. Người ta lại quen hỏi nhau: “Tết năm nay đi chơi đâu?”, “Du xuân chỗ nào?”.
Theo TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM), khoảng chục năm trở lại đây, du lịch Tết trở thành trào lưu được nhiều gia đình Việt, nhất là những gia đình trẻ hưởng ứng nồng nhiệt. Họ cho rằng, những ngày thường làm việc bận rộn, vất vả, ít có thời gian đi chơi nên tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết để thả mình vào những chuyến du lịch, dành cho nhau những khoảng lặng lắng lại để cân bằng cuộc sống.
Hiện nay, thay vì đón Tết bên họ hàng, người thân, nhiều gia đình trẻ đã sắp xếp chuyện về quê trước để ngày Tết có thể đi du lịch khám phá những miền đất mới, xa xôi và trải nghiệm cảm giác được một lần “xuân này con không về”... Bên cạnh đó, cũng có không ít gia đình đưa ra lựa chọn cách đón Tết truyền thống ngày mồng một, mồng hai rồi cả gia đình đi du lịch, trải nghiệm văn hóa các vùng miền trong thời khắc năm mới.
Nhiều nhà tranh thủ trốn Tết, đi chơi từ năm cũ sang năm mới… Người đi du lịch trong nước, kẻ đi du lịch nước ngoài nhưng tất cả đều nhằm mục đích “đi xa để trải nghiệm”, tận hưởng quãng thời gian nghỉ ngơi dài ngày hiếm hoi trong năm để xả hơi, nạp thêm năng lượng cho năm mới nhiều khởi sắc.
Không có được những chuyến đi dài ngày, nhiều người đã chọn cách vui chơi theo thời gian ngắn. Ấy là chơi - du xuân đến những điểm du lịch mà cự ly di chuyển không xa. Các điểm rực rỡ hoa, những hồ nước đẹp, những ngọn núi xanh, thậm chí những ngôi chùa cổ… đều trở thành nơi người người tìm đến để thả lòng, quên đi bao âu lo thường nhật.
Nhưng dù đi xa hay đi gần, dù dài ngày hay ngắn ngày, Tết chỉ cần được chu du khắp nơi, thưởng thức những vẻ đẹp, sống thân quên giữa những nếp văn hóa với đầy đủ những trải nghiệm mới lạ đều là những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm đáng quý.
Xuân mộc mạc trên rẻo Mộc Châu
Mùa xuân trên rẻo Mộc Châu có khí hậu mát mẻ, nắng chan hòa nhè nhẹ trải vàng khắp bản làng, làm những màu hoa đào, hoa mận thêm sặc sỡ. Du lịch Mộc Châu vào những ngày Tết Nguyên đán, du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp nao lòng của sắc đào hồng và mận trắng xen lẫn nhau khắp từ Quốc lộ 6 đến tận các bản làng xa xôi, len lỏi vào trong những nếp nhà tường trình ẩn hiện giữa thung lũng lũng hoa, cuốn hút vô cùng.
Du xuân Mộc Châu, du khách còn được tham gia vào các lễ hội Khai Hạ đầu năm, hòa nhịp cùng điệu nhảy tiếng khèn của người Thái, H’Mông và thưởng thức chén rượu ngô ấm nồng.
“Bức họa hữu tình” của danh thắng Tràng An - Bái Đính
Nhiều du khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến tâm linh để đi vãn cảnh chùa, cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn trong năm mới. Ở miền Bắc, Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) là địa điểm du lịch Tết Nguyên đán cực thích hợp.
Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính ở Ninh Bình là sự kết hợp giữa khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của tự nhiên và văn hóa tâm linh, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nếu Tràng An là khu du lịch sinh thái kết hợp tâm linh có hệ thống hang động vô cùng độc đáo thì chùa Bái Đính lại là một trong những ngôi chùa linh thiêng đầy hấp dẫn với khách du lịch.
Danh thắng Tràng An - Bái Đình có thể nói là một điểm đến lý tưởng để thưởng ngoạn phong cảnh và tìm về chốn thiền viện cầu ước bình an cho năm mới trong không khí đất trời vào xuân. Mỗi dịp đầu năm mới, Tràng An - Bái Đính thu hút hàng vạn lượt khách du lịch xa gần ghé thăm.
Cố đô Huế - Sự cổ kính ngọt ngào trong sắc xuân
Cố đô Huế - nơi lưu giữ những bằng chứng về triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Nhắc đến nơi đây, du khách sẽ nghĩ ngay đến các cung điện, đền đài mang hơi thở cổ xưa một thời vua chúa huy hoàng. Nhưng khi đến với Cố đô Huế, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng như đại nội Huế, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba… mà còn được thưởng thức những món ăn nổi tiếng xứ Huế như cơm Hến, chè Huế, bánh xèo… Những hương vị cay, nồng đặc trưng sẽ khiến du khách khó lòng quên được một xứ Huế vừa cổ kính, trầm mặc, vừa thơ mộng, náo nhiệt. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm không khí lễ hội náo nhiệt trên sông Hương.
Bức tranh muôn màu của Đà Nẵng - Hội An
Với sức hấp dẫn của bức tranh muôn màu ở phố cổ và thành phố lộng lẫy bậc nhất Việt Nam, Đà Nẵng - Hội An là địa điểm du lịch lý tưởng cho dịp Tết Nguyên đán 2020. Nếu Đà Nẵng ấn tượng với những màn pháo hoa tuyệt đẹp vào đêm giao thừa và các địa danh nổi tiếng lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui như Bà Nà Hill, Ngũ Hành Sơn, biển Mỹ Khê, cầu sông Hàn… thì Hội An lại đem đến không gian trầm mặc, nhẹ nhàng với đường phố lồng đèn, với dòng sông Hoài bình yên và di sản chùa Cầu cổ kính.
Vào thời gian này, Đà Nẵng thường có khí hậu ấm áp, thậm chí đủ để tắm biển vào những ngày xuân. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động chào đón năm mới cũng được tổ chức tưng bừng như lễ hội hoa, vũ hội đường phố... Còn nếu bạn muốn lắng lòng lại, cũng có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê ở Hội An, ngắm nhìn những chiếc đèn lồng đỏ hay thả một chiếc đèn hoa đăng xuống sông Hoài để ước mong một năm mới tràn đầy sức khỏe và bình an.
Vui chơi thỏa thích ở Nha Trang
Nha Trang nổi tiếng có nhiều bãi biển đẹp với cát trắng, biển xanh và sóng nhẹ như Hòn Mun, Hòn Tằm, vịnh Ninh Vân, vịnh Vân Phong, bãi biển Đại Lãnh… để khách du lịch tham gia các hoạt động dưới nước. Du khách cũng có cơ hội trải nghiệm nhiều trò chơi hấp dẫn ở Vinpearl Land, mua sắm tại chợ Đầm, chiêm ngưỡng thế giới đại dương ở Viện Hải Dương học hay ghé thăm tháp Bà Ponagar - dấu ấn của người Chăm. Nha Trang chắc chắn sẽ giúp chuyến du lịch Tết của bạn trở nên hoàn hảo hơn.
Đà Lạt - Thành phố mộng mơ
Thiên nhiên Đà Lạt đẹp như một bức tranh và bức tranh đó càng quyến rũ hơn vào mùa xuân. Tết Nguyên đán chính là thời điểm thích hợp nhất để du khách thực hiện kế hoạch du xuân Đà Lạt.
Tới Đà Lạt vào dịp xuân mới, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn không gian ngập tràn sắc đào thơ mộng. Từ cuối tháng 1, đầu tháng 2, dốc Đa Quý, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, đường Trần Hưng Đạo đã “khoác áo hồng” của hoa mai anh đào. Thời khắc giao thừa của mùa xuân ngân vang cũng là lúc những cánh hoa khoe sắc hồng cả một trời tây ở Đà Lạt đẹp ngỡ ngàng.
Vào những ngày này mà được đi dạo trong không khí mùa xuân mát mẻ, say đắm lòng người; ngắm nhìn trăm hoa đua nở từ cánh đồng tới phố xá, công viên; thong thả đạp xe quanh những con dốc hay thả mình trên đỉnh Langbiang để cảm nhận không khí mùa xuân tại thành phố mộng mơ là những gợi ý hay cho chuyến du xuân đến Đà Lạt.
Chinh phục “đảo Ngọc” Phú Quốc
Với biệt danh “đảo Ngọc”, Phú Quốc được xem là thiên đường nhiệt đới của miền Nam Việt Nam khi sở hữu một bức tranh tuyệt mỹ về thiên nhiên có biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Trong điều kiện thời tiết mát mẻ, đến với Phú Quốc, du khách sẽ được đắm mình trong những con sóng và thử sức qua các hoạt động du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô, khám phá đảo hoang và dã ngoại… Chắc chắn đây sẽ là một cái Tết đáng nhớ của bạn.