Đứng trên mảnh đất thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra tại Kỳ họp thứ 8 là ban hành văn bản pháp luật chỉ quy định vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi sự bền vững của pháp luật, các quy định của văn bản pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Việc ban hành luật cần đứng trên "mảnh đất thực tiễn" để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Từ đó, các văn bản pháp luật bám sát thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn để trở lại thực tiễn có “sức sống” dài lâu.

Đưa ra “hành lang chuẩn," không tạo “đường ray sai”

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là việc ban hành văn bản pháp luật chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định…

Trên thực tế, thời gian qua, tình trạng luật hóa các văn bản dưới luật (văn bản pháp quy) xảy ra khá nhiều. Lý giải cho điều này, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) cho rằng do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung cần được đánh giá toàn diện và đầy đủ, cũng như cần có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các bên tham gia bị ảnh hưởng bởi tác động của văn bản luật. Song đối với một số lĩnh vực chuyên ngành đặc thù có thể có ít chuyên gia độc lập, ít chủ thể có kiến thức hiểu biết sâu về lĩnh vực này có thể tham vấn, nhận xét một cách đầy đủ.

Nhận thấy chưa bao quát hết lợi ích và các quan điểm toàn diện của các bên liên quan, các nhà làm luật dễ chọn giải pháp an toàn là “đẩy văn bản pháp quy lên thành luật." Bởi khi văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản pháp luật thì quá trình rà soát đánh giá thận trọng hơn, có nhiều nguồn lực để đánh giá và có nhiều các bên liên quan tham gia hơn. Đây là xu hướng một thời để an toàn, tránh lợi ích nhóm, tránh tính thiên vị, tránh tính không đầy đủ của các quy định. Xét cho cùng, xu hướng đó là chính đáng vì xử lý được tình huống là các chính sách mới chưa được đánh giá một cách toàn diện cũng như chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Song, xu hướng này dẫn tới hệ lụy là luật hóa các văn bản dưới luật. Quốc hội làm thay công việc của Chính phủ, các bộ ngành; văn bản pháp luật làm thay chức năng của các văn bản pháp quy.

Đứng trên mảnh đất thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp ảnh 1
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo, Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mặt khác, theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, trong các văn bản luật này lại chứa đựng tính quy phạm dưới luật, thi hành luật nhiều hơn, do đặc thù xây dựng dự thảo luật chủ yếu là do cơ quan hành pháp xây dựng, chủ trì. Phần tham gia của cơ quan lập pháp (Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội…) chỉ ở giai đoạn sau, khi văn bản dự thảo đã được xây dựng qua rất nhiều bước rồi mới trình lên Quốc hội. Điều này khiến cho tư tưởng chủ đạo trong văn bản không phải là của cơ quan lập pháp mà là của cơ quan giúp việc, cơ quan chuyên môn trực tiếp, cơ quan hành pháp của bộ máy Chính phủ, của các bộ, ban, ngành. Những cơ quan chuyên môn này tuy có kiến thức thực tế, nhưng lại thiếu tầm bao quát. Chính vì vậy, văn bản luật bị ảnh hưởng bởi chính người làm chuyên môn là đưa ra những quy định quá chi tiết, mang tính chất hướng dẫn, thi hành pháp luật vào trong chính văn bản pháp luật. Những khâu soạn thảo này không bóc tách ra được đâu là sự hoạch định chính sách mang tính chất quyết định chung, bao quát và đâu chỉ là khâu kỹ thuật văn bản đơn thuần.

Xuất phát điểm sai thì kết quả thực hiện cũng sai theo. Cách tiếp cận không phân định được giữa văn bản quy phạm phổ quát với văn bản pháp quy, sẽ dẫn tới tình trạng luật hóa các văn bản pháp quy mang tính chất thi hành, trong khi tính chất của những văn bản pháp quy này là thay đổi linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của cuộc sống hàng ngày.

Và như vậy, từ việc Nhà nước can thiệp vào cuộc sống bằng quá nhiều văn bản, rắc rối và chồng chéo, đến nay cần phải quay lại tính phổ quát của pháp luật. Pháp luật cần đưa ra những “hành lang chuẩn," chứ không tạo ra những “đường ray sai” mà với đường ray ấy chỉ gò các chủ thể đi theo những quy định cứng nhắc chứ không cho họ được tự do lựa chọn ứng xử trong hành lang pháp lý. Vô hình chung, điều này gây ra ách tắc các nguồn lực kinh tế, chậm trễ các nguồn lực xã hội, giảm sự sáng tạo của các chủ thể kinh tế.

Rạch ròi phân cấp, phân quyền

Tại Khoản 3, Điều 175, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc cho ý kiến về chương trình phát triển nhà ở của các thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, khi các thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh thì phải có ý kiến của Bộ Xây dựng.

Quá trình thực hiện, nhiều thành phố bị mất thế chủ động, việc phải theo ý kiến của Bộ Xây dựng nhiều lúc không phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, tiến độ xây dựng chương trình phát triển nhà ở bị chậm trễ, thiếu đồng bộ. Thấy được sự bất cập này, tại Luật Nhà ở năm 2023 (thay thế cho Luật Nhà ở năm 2014), Quốc hội đã chủ động phân cấp, phân quyền, bỏ quy định về việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng nói trên. Điều này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều địa phương, giúp Luật Nhà ở năm 2023 tăng tính khả thi và nâng hiệu quả áp dụng luật trong cuộc sống.

Ví dụ điển hình này là sự ôm đồm, làm thay chức năng của các đơn vị cấp dưới, việc phân cấp, phân quyền không rõ ràng khiến hiệu quả thực thi pháp luật không cao.

Phân cấp, phân quyền rành mạch cũng là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm việc phân giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện ở mỗi cấp. Về lâu dài, giải pháp này đòi hỏi các nhà làm luật phải thay đổi tư duy, nhìn nhận từ thực tiễn, phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấp mà đưa ra những chính sách pháp luật phù hợp, quy định ngay trong các văn bản pháp luật, thể hiện tính thống nhất và xuyên suốt trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành; khi phân cấp, phân quyền cần tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp, từng ngành, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương...

Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” nói chung, việc lựa chọn chính sách là bước quan trọng để định hình cách thức ứng xử đối với một lĩnh vực, một quan hệ xã hội. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới nổi của cuộc sống, cần thiết phải đưa ra chính sách rõ ràng và ban hành văn bản pháp luật kịp thời, phù hợp để điểu chỉnh mối quan hệ đó. Tuyệt đối không vì cầu toàn, không vì chưa có kinh nghiệm quản lý mà cấm đoán, hạn chế hoạt động, gây cản trở sự phát triển của xã hội.

Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.