Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), hiện tại, dự án đã đạt 94% giá trị xây lắp và theo kế hoạch tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vận hành thử liên động vào tháng Mười tới và chính thức khai thác thương mại trong năm 2018.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Tổng thầu EPC Trung Quốc và các nhà thầu phụ đang có những cố gắng, tích cực trong thi công hoàn thiện các hạng mục xây lắp. Các hạng mục thiết bị, phương tiện của dự án đang được triển khai theo kế hoạch.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án chính là thiếu vốn.
Cụ thể, theo ông Thành, Hiệp định vay bổ sung 250 triệu USD đã được ký kết ngày 11/5 nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Để hoàn thiện các thủ tục hiệu lực cho khoản vay, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp thư của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam cho ý kiến đối với mẫu ý kiến pháp lý. Bộ Giao thông Vận tải sau đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục cho khoản vay bổ sung này.
Ngày 16/6/2017, Bộ Tư pháp và China Eximbank đã họp, tuy nhiên các bên vẫn chưa thống nhất ý kiến. Để dự án hoàn thành theo kế hoạch, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong quý 1/2018, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để thống nhất với Eximbank Trung Quốc, ký hợp đồng vay vốn và triển khai giải ngân trong tháng Bảy này cho công trình,” ông Thành kiến nghị.
Tại buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải sáng 19/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách Bộ kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy nhanh việc giải ngân cho dự án.
"Vì nếu chậm giải ngân thì phần thiệt thòi sẽ là tổng thầu Trung Quốc, chứ không phải phía Việt Nam. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải luôn tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện nhiệm vụ liên quan đến ngành, tuy nhiên tất cả phải trên lợi ích có lợi của đôi bên, theo đúng pháp luật quy định và các điều khoản của hợp đồng đã ký kết,” Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thành theo kế hoạch, nhu cầu về nguồn vốn để giải ngân cho các hạng mục còn lại rất lớn, nhưng việc cung cấp nguồn vốn đang bị chậm trễ. Đây là vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Tuy nhiên dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng), tăng hơn 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD). Thủ tục vay vốn bổ sung đối với phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD dự kiến hoàn tất vào cuối tháng Ba vừa qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã xếp hạng năng lực của Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (nhà thầu dự án Cát Linh-Hà Đông) vào nhóm trung bình.
Theo tiêu chí của Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu được xếp hạng trung bình do có 4-6 lỗi trên một gói thầu hoặc từ 8-20 lỗi trong các gói thầu. Kết quả đánh giá này căn cứ trên cơ sở chấm điểm nhà thầu của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án về tình hình thực hiện các hạng mục của nhà thầu trong năm 2016./.