Ngày 21/7, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) đã hoan nghênh thỏa thuận gói phục hồi kinh tế quy mô lớn vừa được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trước đó cùng ngày, song cảnh báo về thỏa thuận về ngân sách dài hạn.
Mặc dù hoan nghênh thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo EU đã đạt được về quỹ phục hồi kinh tế sau dịch dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nhà đàm phán EP tỏ ra bi quan về khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027, cho rằng EP không thể chấp nhận các mức trần ngân sách thấp kỷ lục được đề xuất vì điều này đi ngược với các mục tiêu dài hạn và quyền tự chủ mang tính chiến lược của EU.
Sau 4 ngày đàm phán ở thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro.
Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, EP cảnh báo việc phục hồi kinh tế không được làm giảm khả năng đầu tư hay gây bất lợi cho người dân các quốc gia.
Cùng ngày, Thủ tướng Séc Andrej Babis bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận ngân sách của EU, cho rằng đây là thỏa thuận tốt cho Cộng hòa Séc.
Theo thỏa thuận này, Cộng hòa Séc sẽ nhận được 41,74 tỷ USD ngân sách phân bổ cho giai đoạn 2021-2027 và có thể được vay tới 17,97 tỷ USD từ quỹ phục hồi. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mong đợi.
Ngoài việc được nhận ngân sách nhiều hơn mong đợi, Cộng hòa Séc cũng đã thành công trong việc đàm phán để tăng tỷ lệ chuyển đổi giữa hai nguồn vốn trên lên tới 25%, giúp nước này tận dụng tối đa việc rút vốn cho các khoản đầu tư được ưu tiên.