Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Iran, ông Borrell nói nêu rõ các bên đã nhất trí không đi tới một thời hạn cụ thể nào để buộc họ phải đưa vấn đề ra HĐBA. Ông nhấn mạnh thiện chí này sẽ không khởi động một quá trình dẫn tới việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà thay vào đó sẽ giúp giữ cho nó còn hiệu lực.
Trước đó, tại cuộc gặp với ông Borrell, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với EU để giải quyết các vấn đề liên quan tới JCPOA.
Theo JCPOA, Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt với Tehran. Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận từ tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Năm ngoái, Iran liên tục thực hiện các bước đi thu hẹp cam kết của nước này trong thỏa thuận, theo đó tăng mức độ làm giàu urani, nhằm gây sức ép đối với các bên còn lại trong thỏa thuận để bảo vệ nền kinh tế của Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như để nước Cộng hòa Hồi giáo này được hưởng đầy đủ các lợi ích trong khuôn khổ thỏa thuận.
Tháng trước, Anh, Pháp và Đức đã chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận kiểm soát vũ khí của JCPOA, đồng thời kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp. Động thái này có thể dẫn tới việc tái áp đặt trừng phạt của LHQ, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận này. Về lý thuyết, tiến trình giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quá trình này khi nào sẽ bắt đầu bởi Iran vẫn chưa chính thức công nhận tiến trình tham vấn.
Trung Quốc và Nga - hai quốc gia cũng tham gia ký thỏa thuận hạt nhân - cũng tỏ ra hoài nghi về quyết định của ba nước trên. Tất cả những nước này đều có chung mục tiêu là bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi.