Động thái trên làm dấy lên mối lo ngại đe dọa đến từ Tehran, trong lúc căng thẳng giữa phương Tây và Iran ngày một gia tăng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington hoàn toàn ủng hộ quan điểm của 3 nước trên, đồng thời yêu cầu tiếp tục gia tăng thêm áp lực ngoại giao và kinh tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson thì đề nghị một thỏa thuận toàn diện mới cần được đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thay thế thỏa thuận năm 2015. Trong khi đó, phía Nga không phát hiện dấu hiệu vi phạm từ phía Iran và cho rằng cáo buộc của các nước Châu Âu có thể là dẫn đến nguy cơ leo thang mới.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết tại Vienna, Áo - được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Thỏa thuận này có điều khoản cho phép một bên cáo buộc bên không tuân thủ trước Ủy ban chung. Nếu vấn đề không được giải quyết đưa ra một Ban cố vấn và cuối cùng là chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Dự kiến, cuộc họp đầu tiên giữa các bên tham gia Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ diễn ra tại Áo vào cuối tháng này. Tập trung làm rõ cáo buộc Iran đang làm giàu uranium phục vụ chế tạo vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận vào năm 2018.