Ngày 6/12, các phái viên Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran nhóm họp tại thủ đô Vienne của Áo nhằm tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran ký năm 2015 còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang "đau đầu" giữa nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này và cách thức phản ứng trước việc Iran vi phạm các cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện.
Trong cuộc họp này, các cường quốc châu Âu yêu cầu Iran ngừng vi phạm Kế hoạch hành động chung toàn diện, nếu không Iran có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các cường quốc cũng nhất trí ngừng kích hoạt một cơ chế có thể gia hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran
Tuy vậy, phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp tại thủ đô Viên của Áo, ông Phó Thông, Tổng cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gồm Anh, Pháp, Đức hay còn gọi là E3 cần kiềm chế để thực hiện các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Theo ông Phó Thông, Trung Quốc không thể chắc chắn các nước có thể kiểm soát được tình hình và điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.
Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho rằng, ông nhận thấy sự nghiêm túc của các quốc gia trong việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cứu vãn thỏa thuận, song ông cũng thừa nhận vẫn còn có những vấn đề và trở ngại trong cách tiếp cận của các bên.
“Mục tiêu của chúng tôi là không rời khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện nhưng sau một năm chờ đợi và chứng kiến việc các nước châu Âu không có những động thái chống lại các hành động của Mỹ đối với Iran, chúng tôi đã quyết định giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ trở lại với các cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện”, ông Araghchi nhấn mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng các cường quốc thế giới không muốn áp dụng bước đi mạo hiểm bằng cách kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, bởi một bước đi như vậy sẽ dẫn tới việc Liên Hợp Quốc tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và hậu quả là Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận cũng như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bằng cách đưa ra cảnh báo, châu Âu muốn cho Iran có cơ hội để ngưng các hành động vi phạm, đồng thời cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận
Bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng sau khi Iran giảm cam kết của mình trong Kế hoạch hành động chung toàn diện nhằm đáp lại quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này hồi năm ngoái, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt nền kinh tế nước này. Iran chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không bảo vệ được nền kinh tế Iran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, quốc gia luôn coi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là mối đe dọa về an ninh tại Trung Đông.
Hôm 4/12, đại sứ các nước Anh, Pháp và Đức, trong lá thư của mình đã kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng bảo an Liên hợp quốc rằng chương trình tên lửa của Iran là "không tuân thủ" nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Đáp lại, Iran tuyên bố bức thư trên cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện./.