Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời

Fansipan, trong tiếng bản địa có tên gọi khác Hủa Xi Pan, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Với độ cao 3.143m, đây là ngọn núi cao nhất của cả 3 nước Đông Dương; đồng thời cũng là dãy núi có địa hình phức tạp vào bậc nhất của khu vực.

Theo tư liệu từ Viện địa chất Việt Nam thì toàn bộ Fansipan là một khối đá hoa cương khổng lồ được đột khởi từ sâu trong lòng đất nhờ hoạt động kiến tạo địa chất đặc thù từ hơn 250 triệu năm về trước. Nhìn từ trên cao, toàn bộ đỉnh núi “anh cả” giống như một bàn tay bất thình lình với lên từ mặt rừng xanh thẳm, vươn mãi tới trời mây.

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 1

Không ai biết chính xác: Người đầu tiên khai sơn, phá thạch tìm đường lên đỉnh trời là ai? Cũng không có tư liệu chính xác ghi nhận lại hành trình khi xưa để chạm tay tới nóc nhà Đông Dương gian nan và khó khăn đến mức độ nào. Những dấu vết bạc phếch của lịch sử đã bị lớp bụi thời gian hàng trăm năm phủ đầy. Điều duy nhất còn được chứng thực là mức độ… kinh hoàng của cung đường rừng cũ kỹ.

Trong thư gửi Tô Hoài vào năm 1964, nhà văn Nguyễn Tuân  đã viết: “Hoài. Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đầu gối rất đau. Mình ở trên đỉnh cao nhất được thấy hoa Đỗ quyên nở rất đẹp…Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi…”

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 2

Một năm sau ngày cụ Nguyễn đặt chân lên điểm cao 3.143m rồi quay về, đoàn công tác đầu tiên đo đạc, khảo sát để tiến hành lập bản đồ địa chất khu vực Hoàng Liên mới chính thức ra đời. Năm 1965, nhà  địa chất  E.P. Izokh trong nhóm chuyên gia Liên Xô tiếp tục vượt rừng, vượt khe lên Fan trong giấc mơ lần đầu bản đồ hóa, địa chất hóa ngọn Hủa Xi Pan huyền thoại.

Dưới bàn chân của tiền nhân, đường rừng lên nóc nhà Đông Dương dần dần được mở lối. Thời gian lên đỉnh cũng rút ngắn dần, nhưng thứ xúc cảm được vượt lên tất cả, vượt qua cả chính mình để được đứng… trên nóc trời, nhìn xuống biển mây lô xô chạy vẫn như một loại rượu mạnh đã được ủ lâu năm, dễ nghiện, dễ say và dễ dàng…  gây thương nhớ. Chính thứ men say ấy đã khiến hàng trăm, hàng nghìn người trong vài thập kỷ qua vẫn vai khoác balo, tay chống gậy vượt rừng, băng suối để một lần được “hít thở” sương khói trên đỉnh của nóc nhà Đông Dương.

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 3

1. “Tôi không thể leo Fansipan!”

Blogger Vũ Ngọc Anh là một chàng trai đặc biệt. Sinh năm 1987, anh đã từng bị gãy xương đến 150 lần do căn bệnh xương thủy tinh. Trong tự truyện “Không thể vỡ” của mình, Ngọc Anh viết: “Cuộc đời tôi từ nhỏ luôn gắn liền với chiếc xe lăn, không thể nào thoải mái đến những nơi bản thân tôi muốn đi được, chỉ biết ngồi một chỗ, ai bế đi đâu thì đi…. Trong những suy nghĩ non dại nhất, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể đi bằng đôi chân một cách bình thường như bao người khác.” Bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê cháy bỏng như thế, Ngọc Anh đã tự mình đi du lịch, khám phá các vùng đất mới bằng xe lăn và chính… đầu gối của mình.

Thế nhưng, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và khí hậu của rừng Hoàng Liên Sơn, chàng trai xương thủy tinh ấy đã từng nghĩ mình sẽ không thể chinh phục được ngọn núi anh cả của 3 nước Đông Dương: “Vào năm 2010-2011, tôi và một người anh người mà sau này tôi luôn coi anh là anh ruột, có kế hoạch điên rồ là sẽ leo Fansipan bằng hai đầu gối, đi đường rừng. Tôi không đi theo kiểu 2 ngày 1 đêm, hay thuê người cõng cho nhanh. Nếu đi theo kế hoạch đó, tôi sẽ phải ở trong rừng nhiều ngày, đến khi tôi từ bỏ… (Trích Không thể vỡ).

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 4

Kế hoạch cậu tự gọi là điên rồ ấy đã bị hoãn gần như vô thời hạn cho tới tận vài năm về sau. Fansipan khi đó là một thử thách quá lớn và rất khó để vượt qua với ngay cả những người tưởng chừng “không thể vỡ”.

Ở cách xa 100km xuôi về phía Nam, bố mẹ tôi khi nhìn những bức hình về 2 ngày leo núi, ngủ rừng để lên điểm cao 3.143m của tôi gửi về lại khe khẽ thở dài. Hai cụ vốn là kỹ sư tham gia xây dựng Thủy điện Sông Đà từ những ngày đầu tiên vỡ đất, vỡ cát. Một quãng đời rất dài của họ đã gắn với cái công trình vốn được coi là kỳ vĩ bậc nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Khi về hưu, cả hai luôn muốn được một lần đặt chân lên những cột cờ Lũng Cú, đất mũi Cà Mau hay đỉnh Fansipan… như một cách để ôn lại tháng năm tuổi trẻ.

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 5

Thế nhưng, tuổi già sầm sập kéo đến khiến cho giấc mơ lên đỉnh Fansipan của cả hai đóng sập lại.

Cha không đi được, thì con hãy đi thay,” bố tôi từng tự trào phúng và nhắn gửi riêng cho con trai như thế khi tôi bắt đầu mỗi chuyến đi của riêng mình.

Fansipan, ở thời điểm trước năm 2016 đã vừa gần mà lại vừa xa như thế!

2. Tháng 2/2016, tuyến cáp treo 3 dây nối từ thị trấn Sapa lên đỉnh Fansipan chính thức được đưa vào vận hành, trực tiếp rút ngắn quãng đường chinh phục nóc nhà Đông Dương từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Trong đoàn khách đầu tiên được mời trải nghiệm cáp treo, chàng trai thủy tinh Vũ Ngọc Anh cũng có mặt. Sau đúng 6 năm, kế hoạch điên rồ và bất khả thi ngày nào mới có thể thành hiện thực một phần.

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 6

Sau 15 phút ngồi trên cabin, “bay qua” thung lũng Mường Hoa, chạm vào ga đến, Ngọc Anh tiếp tục một hành trình khác: Chinh phục nốt 600 bậc thang dẫn lên điểm cao 3.143m bằng… đầu gối.

“Bắt đầu phải bỏ xe lăn lại phía sau để lên đỉnh, tôi phải qua khoảng hơn 600 bậc đá nữa. Những bậc đá đó không thấp và dễ đi như ở cực Bắc Lũng Cú, mà cao khoảng 20 cm, và sâu chỉ khoảng 15 cm.

…Tôi đi từng bước, từng bước bằng hai đầu gối đã chai sạn từ lâu. Tôi nhớ ở cực Đông đã suýt nữa phải vào viện vì rách da, ở cực Bắc đau và mỏi rã rời sau khi lên tới nơi. Nhưng ở đây, nó hơn những thứ đó rất nhiều. Mỗi bước đi, cảm giác như có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào đầu gối, đau rát qua lớp vải quần bò mà tôi nghĩ nó có thể bảo vệ mình.

Mất khoảng hơn 1 tiếng để tôi bò lên đỉnh Fansipan với tiếng vỗ tay và hò hét của những du khách đi cùng. Họ chụp ảnh cùng, bắt tay chúc mừng, nhưng tôi không còn nhìn thấy gì nữa, tai ù đi và mắt nhòe cay.”

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 7

Cáp treo vào thời điểm này, một phần giúp những số phận đặc biệt như Ngọc Anh chạm tay vào giấc mơ; nhưng mặt khác cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những phượt thủ từ khắp cả nước. Họ cho rằng, cáp 3 dây chính là hồi chuông khai tử cho những cung trekking xuyên qua rừng già và vực sâu.

Thế nhưng, thực tế, tuyến đường phượt vẫn được duy trì song song với cáp treo. Những người có đủ sức khỏe, thời gian và cả… tiền bạc vẫn có thể thỏa mãn đam mê vượt qua chính mình bằng hành trình cũ ấy.

Trên góc nhìn của một người không may mắn, Vũ Ngọc Anh nhắn nhủ:  “Cáp treo khiến nhiều bạn nhớ nhung, tiếc nuối, bực tức, nhưng công trình này giúp những người không đủ điều kiện sức khỏe được đứng trên đỉnh Fansipan.

Mình muốn nhắn gửi tới các phượt thủ, các bạn vẫn có những cung đường cũ để đi. Không phải cáp treo khiến đường rừng biến mất. Leo Fan là một thử thách, đừng đặt nặng là phải leo bao nhiêu mệt nhọc mới đến để chụp ảnh với cục inox rồi đi xuống, vì vẫn có câu nói "thành công là cả một quá trình chứ không phải kết quả".

Fansipan – ngọn núi huyền tích, sự ích kỷ và giấc mơ chinh phục đỉnh trời ảnh 8

3. Những ngày này, khi đã ngồi trên cabin, chạy thẳng vào những tầng mây, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng Mường Hoa trải dài lúa vàng óng ả, hầu hết du khách không thể hình dung được hết tầm vóc đồ sộ và kỳ vĩ của cả tuyến cáp. Thứ tầm vóc, vốn đã được gọi bằng cái tên “hoang đường” để định vị vì ngay cả những chuyên gia tư vấn nước ngoài lẫn người trong cuộc đều đã ít nhất một lần “nghi ngờ” về đích đến.

Thứ tầm vóc ấy cũng đã được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của những gã ăn núi, ngủ rừng, tắm băng ròng rã trong suốt gần 1.000 ngày đằng đẵng khi mà hàng chục nghìn tấn sắt thép, xi măng, thiết bị… đã được “cõng” lên núi trên những đôi vai trần. Để có thể dựng lên một công trình ấy, hàng nghìn người đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình trên từng thước đất. Có người thậm chí đã vĩnh viễn nằm lại bên chân cột trụ T2, trở thành một vị linh thần thiêng liêng trong lòng đồng nghiệp. Có kẻ may mắn hơn khi kịp thoát khỏi tay tử thần sau khi hưởng thứ đặc sản quái gở mang tên rắn lục của rừng Hoàng Liên…

Câu chuyện về những thế hệ đầu tiên góp phần dựng lên cáp treo Fansipan, ở một khía cạnh nào đó, còn là câu chuyện chiến thắng của sức người, của ý chí trước thiên nhiên khắc nghiệt trong hành trình chinh phục đầy khát vọng của mình.

Theo Vietnamplus
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.