Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới
Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước, sẽ sớm hoàn thành và đưa vào vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 lò phản ứng công suất 1.750 megawatt tại Thái Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc), cách Hong Kong khoảng 129 km về phía Tây.
Mỗi lò phản ứng này sẽ có công suất phát điện lớn gấp 2 lần so với công suất của một lò phản ứng trung bình và sẽ là lò phản ứng lớn nhất thế giới. Đây là loại lò phản ứng hạt nhân được làm nguội bằng nước nén của châu Âu (EPR), tương tự như những lò phản ứng đang được xây dựng ở Pháp và Phần Lan, song chưa hề được đưa vào vận hành thương mại trước đây.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc. |
Theo Forbes, tốc độ xây dựng của các lò phản ứng EPR ở châu Âu chậm 4 năm so với kế hoạch. Còn tại Trung Quốc, dù đã bị chậm trễ, song những dự án lò hạt nhân ở Thái Sơn, trị giá 8,3 tỉ USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm sau - nhanh đáng kể so với ở Pháp và Phần Lan.
Ông Stephane Pailler, chuyên gia của Cơ quan An toàn hạt nhânPháp cho rằng: "Không dễ để biết được điều gì đang xảy ra tại nhà máy ở Thái Sơn. Chúng tôi không có liên hệ thường xuyên với Trung Quốc trong việc kiểm soát EPR như chúng tôi làm với Phần Lan". Uỷ viên an toàn hạt nhân Pháp Philippe Jamet nhận định rằng một trong những lý do giải thích cho việc này là các nhà chức trách Trung Quốc có thẩm quyền về an toàn hạt nhân thiếu phương pháp. "Họ đang bị choáng ngợp".
Trước câu hỏi của Forbes: "Vì sao các nhà quản lý của Trung Quốc không trả lời điện thoại của Trung Quốc về lò phản ứng ở Thái Sơn?". Ông Jamet cho rằng có thể họ quá bận. Còn Forbes thì đưa ra giả định rằng, có thể có những vấn đề khó giải quyết tại nhà máy này mà các quan chức Trung Quốc không muốn nói tới. Hoặc đơn giản hơn, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn giữ thái độ kiêu ngạo thường thấy của quan chức Trung Quốc gần đây. Song, tất cả chỉ có thể phỏng đoán.
Tuy nhiên, Forbes cảnh báo rằng, các quốc gia nằm trong hướng gió thổi qua khu vực này cần phải đặc biệt lưu tâm. Theo tờ này, một thanh tra viên an toàn của Pháp, trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái, đã phát hiện ra các máy phát điện hơi nước và máy bơi không được bảo dưỡng "ở mức độ phù hợp".
Công trường xây dựng nhà máy hạt nhân tại Thái Sơn, Trung Quốc. |
Giới chức Trung Quốc cũng phải lo ngại
Sau thảm hoạ xảy ra tại Fukushima, Nhật Bản, vào tháng 3/2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đình chí phê duyệt các dự án hạt nhân và yêu cầu kiểm tra toàn diện các cơ sở hạt nhân đang xây dựng cũng như đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã sẵn sàng để các lò hạt nhân hoạt động hết công suất.
Hiện nay, 28 trong tổng số 72 lò phản ứng đang xây dựng trên thế giới đang nằm ở Trung Quốc, chưa kể tới việc Bắc Kinh cũng sẽ phê duyệt thêm các dự án nữa. Không có quốc gia nào trên thế giới xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn Trung Quốc. Nga, quốc gia có nhiều lò phản ứng thứ 2 trên thế giới, mới chỉ xây dựng 10 lò. Thậm chí, Trung Quốc còn bắt đầu xuất khẩu lò hạt nhân.
Pakistan, khách hàng đầu tiên của Trung Quốc, cũng tỏ ra lo lắng rằng các lò phản ứng chưa qua kiểm tra có thể đe doạ 20 triệu dân nước này.
Bên trong nhà máy hạt nhân đang được xây dựng ở Thái Sơn, Trung Quốc. |
Theo Forbes, hồ sơ an toàn về hạt nhân của Trung Quốc hoàn toàn vẫn là một ẩn số, ít nhất là với các người nước ngoài. Các quan chức Bắc Kinh đã đưa ra báo cáo về một vài vấn đề trong vòng 22 năm Trung Quốc sản xuất điện từ hạt nhân, song không rõ đó có phải là tất cả hay không.
Ông Albert Lai từ công ty tư vấn Hong Kong The Professional Commons cho rằng: "Các hoạt động của cơ quan an toàn nguyên tử Trung Quốc vẫn hoàn toàn là bí ẩn. Trung Quốc hoàn toàn không minh bạch".
Ngay tại Trung Quốc cũng có những câu hỏi lớn được đặt ra. Ông Li Yulun, cựu phó Chủ tịch Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang thực hiện các dự án lò phản ứng không chú trọng về vấn đề an toàn.
Về phần mình, văn phòng Nghiên cứu Hội đồng nhà nước Trung Quốc cũng hoài nghi về tốc độ xây dựng chóng mặt các lò phản ứng ở Trung Quốc.
Forbes cảnh báo, “chúng ta cần phải nhớ rằng Trung Quốc là nơi mà mọi thứ đều được xây dựng xong trước thời hạn nhưng cũng đã có những toà nhà "mềm oằn" đổ sụp, cầu mới xây đã sập và những đường ray tàu vừa mới hoàn thiện đã cong vênh”.