Phan Kế Bính (1875-1921) là một dịch giả xuất sắc, là nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng Việt Nam. Sống trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ 19-20, khi văn minh phương Tây bắt đầu du nhập, đồng thời đất nước đứng trước những xáo trộn lớn, Phan Kế Bính thể hiện rõ những tư tưởng tiến bộ, dù bản thân ông là một nho sĩ, từng đỗ Cử nhân Hán học.
Những tư tưởng tiến bộ đó được ông thể hiện rõ nét qua loạt bài viết đăng trên Đông Dương tạp chí, vào những năm 1913-1914, sau này được tập hợp in chung thành sách “Việt Nam phong tục”. Cuốn sách hơn một trăm năm tuổi này hiện vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán của nước Việt.
“Việt Nam phong tục” viết về gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt. Sách được chia thành ba thiên (ba chương): Phong tục trong gia tộc, phong tục làng xã và phong tục xã hội nói chung.
Ba chương này thể hiện rõ hệ thống những mối quan hệ mà mỗi người xưa nay đều phải trải qua trong vòng đời của mình, từ quan hệ anh chị em huyết thống, họ hàng thân thuộc đến quan hệ hàng xóm láng giềng trong làng ngoài xã, và cao hơn nữa là bổn phận và trách nhiệm của bản thân với quốc gia, dân tộc.
Mỗi phong tục, dù được viết ngắn gọn trong vài trang sách nhưng đều là những thông tin thiết yếu, được chắt lọc dưới góc nhìn khách quan và khoa học của một nhà biên khảo hiểu biết sâu rộng. Từ tên gọi, nguồn gốc hình thành cho đến mô tả đặc trưng, cách thức mà phong tục, tập quán đó diễn ra hay sự khác biệt của cùng một phong tục giữa các vùng miền, địa phương… đều được tác giả diễn giải cặn kẽ.
Là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn về gốc tích, nguyên ủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó "xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy". Cho đến nay, những góc nhìn đả kích, phê phán chân thành đó của ông vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Qua chương viết về Phong tục trong hương đảng, có thể nhận thấy tệ đoan lớn nhất trong làng xã thời xưa là tục lệ đề cao miếng ăn, coi trọng việc “trả nợ miệng”. Gia cảnh nghèo khó đến mấy khi có chuyện hiếu hỉ vui mừng hay buồn thảm, dân gian đều giở ra ăn uống linh đình, đãi anh em họ hàng làng trên xóm dưới, bất kể phải đi vay đi mượn mang công vác nợ. Coi trọng miếng ăn cũng gắn liền với tục trọng thể diện, đạo đức giả… nên mới có chuyện dân gian quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” hoặc như lúc ma chay con cháu thi nhau khóc để cho họ hàng chòm xóm nghe thấy đặng còn thể hiện lòng xót thương, hiếu thảo.
Một phần nội dung của cuốn sách Việt Nam Phong Tục. Ảnh: Omega+ |
Tác giả cũng phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi như đối với các tục đồng bóng, gọi hồn hay phù thủy, xem đất táng… đồng thời chỉ ra cho người đọc nhận thấy, các quốc gia phương Tây họ vẫn phát triển mạnh mẽ, giàu có mà đâu có tin gì vào số mệnh hay những tục này.
Phan Kế Bính cũng rất khách quan khi nhận định về các tập tục xưa nay đã trở nên cổ hủ: “Đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế. Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy.”
Do những điều kiện lịch sử mà phong tục tập quán của người Việt ít nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Cũng không ít những cuốn sách chữ Hán viết về phong tục, nghi lễ đời người được lưu truyền trong nước như Thọ Mai gia lễ, Chu Văn công gia lễ, Vạn hộc minh châu, Tang lễ tiểu ký… Nhưng sách viết bằng chữ quốc ngữ lại viết về những phong tục, lối sống, tập quán văn hóa đã ăn sâu bám rễ và vẫn đang tồn tại trong đời sống dân tộc như “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính quả là hiếm hoi.
Đọc tác phẩm này của Phan Kế Bính, chúng ta không chỉ có cơ hội hiểu thêm về phong tục Việt Nam, mà còn được khơi gợi, nghĩ tiếp, nhìn lại và nghĩ lại về phong tục Việt. Cuốn sách đề cao những điều lành mạnh, tốt đẹp mang cốt cách, bản sắc tiêu biểu cần bảo lưu, giữ gìn và mạnh dạn phê phán những quan niệm bảo thủ, hủ tục kìm hãm sự phát triển của cá nhân, xã hội trên đường đi đến văn minh, hội nhập.
Cuốn sách “Việt Nam phong tục” do Omega+ xuất bản được đối chiếu so sánh với các ấn bản qua các thời kỳ, có bổ sung hệ thống chú thích, hình ảnh minh họa giúp ấn bản trở sinh động, dễ hiểu hơn. Bản in này sử dụng những bức tranh minh họa sinh động của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ tay, khắc mộc, in trên giấy dó thuộc những ấn phẩm xưa như “Làng Việt Nam cũ và mới” và các tác phẩm tranh lụa tơ tằm thủy mặc được họa sĩ Mạnh Quỳnh sáng tác trong giai đoạn 1980-1990.
Tác phẩm nằm trong mảng Phong tục - Lối sống thuộc Tủ sách Đời Người – Tinh tuyển cho người Việt. Là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.